Anh và EU mâu thuẫn hậu chia tay

Chưa đầy 3 ngày sau khi 'chia tay', Liên minh châu Âu (EU) và Anh đã bộc lộ những mâu thuẫn liên quan đến thỏa thuận thương mại hậu Brexit, khi hai bên đã đưa ra những tầm nhìn rất khác nhau về mối quan hệ tương lai. Nổi bật trong số đó là câu hỏi liệu Anh có chấp nhận tuân thủ các quy định của EU để đảm bảo hoạt động thương mại không giới hạn hay không.

Ủng hộ thương mại tự do nhưng trong “khuôn khổ”

Hai bên đều muốn đạt được một thỏa thuận thương mại, nhưng Anh đã đặt ra thời hạn cuối năm nay, còn EU cảnh báo nếu Thủ tướng Boris Johnson muốn một thỏa thuận không thuế quan, không hạn ngạch, ông sẽ phải tuân thủ các quy định của khối này nhằm đảm bảo cạnh tranh công bằng. Tuy nhiên, ông Boris Johnson cho biết ông sẽ không làm như vậy, đồng thời hứa hẹn chính phủ của ông sẽ ủng hộ thương mại tự do và kiên quyết bảo vệ “chủ quyền” của nước này.

Ông nhấn mạnh một thỏa thuận thương mại tự do không cần thiết phải bao gồm việc chấp nhận các quy định của EU về chính sách cạnh tranh, trợ cấp, bảo vệ xã hội, môi trường hay bất cứ điều gì tương tự. Về phía mình, EU không muốn Anh “cắt xén” các quy định của khối này. Brussels cho biết EU mong muốn có một thỏa thuận thương mại không thuế quan, không hạn ngạch với London, nhưng cũng bày tỏ quan điểm rõ ràng rằng, điều này còn phụ thuộc vào sự cạnh tranh mở và công bằng giữa hai bên.

Quan hệ giữa EU và Anh đã bộc lộ mâu thuẫn.

Quan hệ giữa EU và Anh đã bộc lộ mâu thuẫn.

Phát biểu trước báo giới hôm 3-2, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU, ông Michel Barnie nêu rõ: “Chúng tôi sẵn sàng đưa ra thỏa thuận thương mại đầy tham vọng với tư cách là trụ cột trung tâm trong mối quan hệ đối tác này, bao gồm điều khoản thuế quan 0%”, song cảnh báo EU sẽ không chấp nhận “các lợi thế cạnh tranh không công bằng”.

Ông cho rằng, cần phải có một sân chơi công bằng trong dài hạn về các tiêu chuẩn môi trường, xã hội và trợ cấp của chính phủ. EU không muốn xảy ra trường hợp hai bên không đạt được thỏa thuận và sẽ nỗ lực để tránh kịch bản này, nhưng vẫn sẽ chuẩn bị cho một viễn cảnh như vậy.

Cũng theo quan chức này, bất đồng liên quan đến hoạt động đánh bắt cá có thể sẽ là vấn đề gây chia rẽ nhất trong các cuộc đàm phán thương mại giữa EU-Anh. Ngư dân Anh muốn cấm ngư dân các nước thành viên EU đánh bắt cá trong vùng biển nước này, song vẫn muốn EU tiếp tục là thị trường nhập khẩu cá chủ yếu.

Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU nhấn mạnh thỏa thuận thương mại tự do phải bao gồm sự nhất trí về vấn đề đánh cá, qua đó đảm bảo sự tiếp cận thị trường và vùng biển một cách công bằng, và những điều kiện cho việc này phải được thiết lập trước ngày 1-7 tới.

Trong khi đó, cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết các cuộc đàm phán cần phải gắn với những điều đã được nhất trí trong tuyên bố chính trị giữa 2 bên vào thời điểm trước khi Brexit diễn ra.

Sự lựa chọn khó khăn cho Xứ sở sương mù

Anh và EU đã “ly hôn”. Brexit sẽ không cho Anh tham gia các kế hoạch phòng thủ của EU, nhưng London vẫn có thể có một vai trò. Ý tưởng “tự trị chiến lược”, một chính sách an ninh và đối ngoại độc lập hơn của châu Âu, đã trở thành một yêu cầu lớn ở châu Âu và nhiều quốc gia rất muốn giữ Anh tham gia.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, trong cuộc trả lời phỏng vấn The Economist hồi tháng 11-2019, đã nhấn mạnh rằng: “Anh phải là một đối tác quốc phòng của châu Âu”.

Đối với Mỹ, trong 3 bản đánh giá chiến lược an ninh và quốc phòng (SDSR) của Anh gần đây nhất (năm 1998, 2010 và 2015), thừa nhận rằng, Anh sẽ khó có thể tự mình chiến đấu và cho rằng Mỹ là đối tác tiềm năng. Anh, đứng sau Mỹ, là thành viên có khả năng thứ hai trong Five Eyes, một liên minh tình báo điện tử gồm 5 nước từ Thế chiến II. Nhưng hiệp ước đó cũng cho thấy Anh sẽ khó khăn đến mức nào để nới lỏng các cam kết xuyên Đại Tây Dương của mình.

Kể từ sau Thế chiến II, các lực lượng quân sự, năng lực hạt nhân và các cơ quan tình báo của Anh đã gắn bó sâu sắc với Mỹ. Tàu sân bay mới của Hải quân Hoàng gia sẽ bắt đầu nhiệm vụ đầu tiên của mình trong năm tới với máy bay phản lực Mỹ trên boong. Tên lửa mang đầu đạn hạt nhân Trident của Anh là sản phẩm của một dự án chung ở bang Georgia.

Và thậm chí ngoài liên minh Five Eyes, các điệp viên Anh và Mỹ cũng hợp tác sát cánh cùng nhau. Năm 2015, cơ quan tình báo của Lầu Năm Góc đã bổ nhiệm một sỹ quan Không quân Hoàng gia làm Phó giám đốc. Không rõ là sự thân tình như thế sẽ kết thúc trong khủng hoảng như thế nào.

SDSR cũng sẽ phải đối mặt với những tác động về tài chính của việc hành động mà không có Mỹ, nhất là trong hai lĩnh vực mà Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace chỉ ra là có sự phụ thuộc lớn nhất: Tình báo, giám sát và do thám (ISR) và yểm trợ không quân.

Các vệ tinh gián điệp tiên tiến có giá hàng tỷ USD và ngân sách vũ trụ bị dàn trải: Anh có kế hoạch chi tới 5 tỷ bảng để giảm sự phụ thuộc vào các vệ tinh GPS của Mỹ do đã bị cho ra khỏi chương trình Galileo của châu Âu. Về khả năng phòng không, nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ, quân đội Anh sẽ gặp nguy hiểm trước máy bay chiến đấu và tên lửa của đối phương.

Tại sao nước Anh giờ lại dao động? Một cựu quan chức quốc phòng cho rằng ông Ben Wallace đang tiến hành một cuộc tấn công phủ đầu vào những người trong đảng Bảo thủ và Bộ Tài chính, những người muốn mua vũ khí từ Mỹ thay vì tự sản xuất.

Kế hoạch hiện tại của Anh là phát triển máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo của riêng mình, Tempest, thay vì chấp nhận vị trí thấp kém trong một dự án của Mỹ. Việc ông Donald Trump coi thường các đồng minh là một yếu tố khác, và cũng có một sự khác biệt chiến lược.

“Chúng tôi lo ngại Nga nhất, trong khi Mỹ lo ngại Trung Quốc nhất,” một quan chức ngoại giao Anh nói.

Sự khác biệt trong vấn đề Trung Quốc đã bộc lộ công khai khi Thủ tướng Boris Johnson nói rằng ông sẽ đoạn tuyệt với Mỹ về câu hỏi có nên cho phép sử dụng các thiết bị của Huawei trong hệ thống mạng 5G hay không.

Các sản phẩm của Huawei, rẻ hơn và cao cấp hơn so với các sản phẩm của đối thủ cạnh tranh chính là Nokia và Ericsson, nhưng Mỹ lo ngại rằng các thiết bị này có thể bị Trung Quốc lợi dụng thu thập thông tin hoặc phá hoại mạng từ xa. Có vẻ như Anh khước từ yêu cầu của Mỹ.

Anh tin rằng, có thể kiểm soát mối nguy hiểm gây ra bởi thiết bị Trung Quốc bằng cách giới hạn Huawei ở những bộ phận ít nhạy cảm, bằng việc tháo và kiểm tra kỹ các bộ phận trước khi phê duyệt.

Rõ ràng, nước Anh càng gắn với châu Âu thì nước này càng ít khả năng có được một thỏa thuận thương mại hào phóng từ Mỹ. Điều đó, như Thủ tướng Boris Johnson đang thấy, là vấn đề mà một quốc gia nhỏ phải đối mặt khi bị kẹt giữa hai cường quốc.

Khổng Hà (tổng hợp)

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/quoc-te/anh-va-eu-mau-thuan-hau-chia-tay-580384/