Anh và Pháp quan ngại về chính sách thuế quan của Mỹ

Ngày 5/4, Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc thảo luận, trong đó hai bên chia sẻ quan ngại về tác động kinh tế và an ninh từ chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Quang cảnh cảng hàng hóa ở Bayonne, New Jersey, Mỹ. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Quang cảnh cảng hàng hóa ở Bayonne, New Jersey, Mỹ. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Thông báo của Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết: "Hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng chiến tranh thương mại sẽ không có lợi cho bất kỳ bên nào song không nên loại trừ bất kỳ khả năng nào". Hai bên cũng tái khẳng định quyết tâm "phối hợp chặt chẽ" lập trường trong các cuộc thảo luận về thuế quan với Washington.

Bên cạnh đó, hai bên cũng chia sẻ quan ngại về tác động từ chính sách thuế của Mỹ đối với kinh tế và an ninh toàn cầu, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á, đồng thời nhất trí duy trì liên lạc chặt chẽ về vấn đề này trong những tuần tới.

Về phần mình, trong bài đăng trên mạng xã hội X sau cuộc thảo luận, ông Macron nêu rõ: "Chiến tranh thương mại không mang lại lợi ích cho bất kỳ ai. Chúng ta phải đoàn kết và kiên quyết để bảo vệ người dân và doanh nghiệp của mình".

Cùng ngày, Thủ tướng Pháp Francois Bayrou cảnh báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này có thể sụt giảm 0,5 điểm phần trăm do chính sách thuế quan của Mỹ. Ông Bayrou lưu ý việc áp đặt các mức thuế quan này sẽ dẫn đến khủng hoảng toàn cầu, nguy cơ mất việc làm là đáng kể cùng với nguy cơ suy giảm kinh tế.

Trong diễn biến khác có liên quan, Thủ tướng Anh Keir Starmer cho biết ông sẵn sàng can thiệp để bảo vệ các doanh nghiệp trong nước trước tác động từ chính sách thuế quan mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump, bằng cách đề xuất sự can thiệp của nhà nước đối với những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Trong bài viết trên tờ Telegraph ngày 5/4, ông Starmer viết: "Chúng tôi sẵn sàng sử dụng chính sách công nghiệp để giúp bảo vệ doanh nghiệp Anh trước cơn bão".

Thủ tướng Starmer nói thêm: "Một số người có thể cảm thấy không thoải mái về điều này, ý tưởng nhà nước can thiệp trực tiếp để định hình thị trường thường bị chỉ trích. Nhưng chúng ta đơn giản không thể bám víu vào những quan điểm cũ, khi thế giới đang thay đổi nhanh chóng như vậy".

Mặc dù cho biết ưu tiên của chính phủ vẫn là cố gắng đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ có thể bao gồm miễn thuế, Thủ tướng Starmer khẳng định sẽ làm "mọi điều cần thiết" để bảo vệ lợi ích quốc gia. Thủ tướng Starmer nhắc lại rằng ông sẽ có cách tiếp cận "bình tĩnh" đối với thuế quan thay vì trả đũa ngay lập tức, nhưng ông nói thêm: "Tất cả các phương án vẫn đang được cân nhắc".

Ngày 2/4, Anh đã công bố danh sách dài 400 trang các mặt hàng của Mỹ có thể bị trả đũa thuế quan.

Theo tờ Telegraph, chính phủ của ông Starmer có thể đưa ra các cải cách khẩn cấp để giảm bớt thủ tục hành chính và đề xuất các ưu đãi thuế có mục tiêu để giúp đỡ các ngành bị ảnh hưởng.

Trong thông báo thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 2/4 vừa qua, Pháp sẽ bị áp mức thuế chung 20% tương tự như các nước trong Liên minh châu Âu (EU) khác. Trong khi đó, Anh chỉ bị áp mức thuế nhập khẩu thấp nhất là 10%, nhưng một cuộc chiến thương mại toàn cầu sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế mở của nước này.

Xuân Phong - Nhật Ninh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/anh-va-phap-quan-ngai-ve-chinh-sach-thue-quan-cua-my-20250406062411730.htm