Ảnh vệ tinh hé lộ hầm phóng tên lửa đạn đạo mới của Trung Quốc
Các hầm phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân được Trung Quốc xây dựng ở khu vực Nội Mông.
Quân đội Trung Quốc đã bắt đầu xây thêm ít nhất 16 hầm phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa tại một cơ sở ở Ô Hải, thuộc khu tự trị Nội Mông, South China Morning Post ngày 16/3 đưa tin.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy các hầm phóng tên lửa được đặt tại trung tâm huấn luyện Jilantai, trong khu vực rộng khoảng 200 km2, mỗi hầm cách nhau 2,2-2,4 km, giúp giảm nguy cơ nhiều hầm phóng tên lửa bị phá hủy trong một vụ tấn công duy nhất.
Theo báo cáo của tổ chức nghiên cứu chính sách Federation of American Scientists, các hầm phóng tại Ô Hải được thiết kế để triển khai tên lửa DF-41 và DF-31AG. Đây là hai loại tên lửa đạn đạo liên lục địa, tầm bắn 10.000-14.000 km.
Đáng chú ý, tên lửa DF-41 có khả năng mang theo nhiều đầu đạn hạt nhân. Loại tên lửa này có thể được phóng từ hầm phóng dưới mặt đất hoặc từ bệ phóng di động.
Ảnh vệ tinh cho thấy cũng tại cơ sở ở Ô Hải, Trung Quốc đã xây dựng hai đường hầm với đủ không gian để triển khai các bệ phóng tên lửa di động, giúp thông tin hoạt động của chúng có thể được giữ bí mật.
Federation of American Scientists nhận định việc Trung Quốc mở rộng sức mạnh lực lượng răn đe hạt nhân là động thái nhằm đối phó với sức ép ngày càng gia tăng từ phía Mỹ.
Trong báo cáo thường niên năm 2019, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Trung Quốc đang cân nhắc bổ sung các phương án triển khai lửa DF-41, trong đó có sử dụng bệ phóng trên đường ray hoặc hầm phóng dưới mặt đất.
Trong báo cáo năm 2020, Lầu Năm Góc nói cơ sở tại Jilantai "có thể được sử dụng ít nhất để xây dựng khái niệm" về vận hành tên lửa DF-41 phóng từ hầm mặt đất.