Ảnh vệ tinh vén màn bí mật chiến dịch ở Ukraine
Ảnh chụp vệ tinh đã phơi bày diễn biến thực tế cuộc chiến ở Ukraine, từ hướng di chuyển của các đoàn xe quân sự, vị trí các vụ không kích cho đến dòng người tị nạn.
Từ khi chiến sự bùng phát ở Ukraine, ảnh chụp từ các vệ tinh thương mại đã góp phần hé lộ những thông tin vốn không thể thu được trong các cuộc chiến trước đây, giúp công chúng nắm được những thông tin cập nhật và sát với thực tế chiến trường nhất.
Camera từ các vệ tinh có thể nhìn xuyên qua những màn mây dày đặc, hoạt động bất kể ngày đêm, mang tới những thông tin từ đó có thể được sử dụng cho phân tích diễn biến thực địa theo thời gian thực, theo AFP.
Mắt thần từ không gian
Với sự bùng nổ của ngành công nghiệp vệ tinh tư nhân, những hình ảnh về chiến sự ở Ukraine được ghi lại qua vệ tinh với số lượng lớn hơn, chất lượng rõ nét hơn, thời gian cập nhật nhanh hơn, so với các cuộc xung đột trước đây như khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014.
"Chính phủ không còn là nguồn duy nhất cung cấp dữ liệu vệ tinh với độ chính xác cao", Craig Nazareth, cựu quan chức tình báo Mỹ hiện làm việc tại Đại học Arizona, nhận định.
Đa phần các nước phương Tây sở hữu những vệ tinh tình báo, quân sự tối tân, có thể quan sát và thu được hình ảnh mặt đất rõ nét. Tuy nhiên, những hình ảnh chụp từ vệ tinh chính phủ đều thuộc loại tài liệu mật, do đó không được chia sẻ công khai.
Đồng thời, bởi niềm tin của công chúng dành cho chính phủ Mỹ và Anh đã sứt mẻ nghiêm trọng sau cuộc chiến Iraq 2003, các nguồn ảnh vệ tinh từ các công ty tư nhân đã giúp công chúng tìm được nguồn dữ liệu mới dễ được đón nhận hơn.
Không chỉ giúp mang tới cái nhìn chân thực về những gì đang diễn ra trên thực địa, ảnh vệ tinh còn trực tiếp hỗ trợ lực lượng chính phủ Ukraine trong cuộc xung đột, bảo vệ các mục tiêu quan trọng.
"Capella Space hiện làm việc trực tiếp với chính phủ Mỹ và Ukraine, cũng như các công ty vệ tinh thương mại khác, cung cấp dữ liệu cập nhật về xung đột đang diễn ra", Payam Banazadeh, CEO của công ty vệ tinh Capella Space, cho biết.
Ảnh radar là công nghệ đã giúp Capella Space phát hiện hoạt động chuyển quân bất thường của Nga từ trước khi Tổng thống Vladimir Putin có bài phát biểu chính thức công bố "chiến dịch quân sự đặc biệt" sáng sớm 24/2.
Vài giờ trước bài phát biểu, Jeffrey Lewis, chuyên gia Đại học Middlebury, cho biết Google Map phát hiện "tắc nghẽn giao thông" trên tuyến đường từ Belgorod của Nga tới biên giới Ukraine.
Tại chính vị trí này, Capella Space trước đó phát hiện một đoàn xe quân sự của Nga. Tình trạng tắc nghẽn giao thông nhiều khả năng là do thường dân Nga bị chắn đường để đoàn xe quân sự đi qua.
"Ai đó đang hành động", ông Lewis viết trên Twitter vài giờ trước khi chiến sự chính thức nổ ra.
Xuyên qua những đám mây và khói
Trong khi đa phần ảnh vệ tinh được chụp trong điều kiện ban ngày, trời quang mây, Capella Space sử dụng radar khẩu độ tổng hợp (SAR) với các cảm biến bắn ra năng lượng, sau đó ghi lại năng lượng phản chiếu lại, từ đó thu được hình ảnh trên mặt đất.
"SAR có thể xuyên qua những đám mây và khói, ngay cả trong các cơn bão lớn hoặc cháy rừng, nhờ vậy chúng tôi chụp được ảnh rõ ràng, sắc nét về Trái Đất hầu như ở mọi điều kiện", Dan Getman, một lãnh đạo của Capella Space, nói.
Ngoài Capella Space, một công ty khác cũng cung cấp ảnh vệ tinh chiến sự Ukraine được truyền thông sử dụng rộng rãi là BlackSky. Công ty này cung cấp hình ảnh được cho là những giao tranh đầu tiên, xảy ra tại Nhà máy Điện Luhansk lúc 4h sáng 23/2.
"Chúng tôi có một chùm các vệ tinh nhỏ có thể quan sát từ sáng đến đêm chứ không chỉ vài thời điểm trong ngày", Brian O'Toole, CEO của BlackSky, cho biết.
Theo quỹ đạo thông thường, một vệ tinh bay theo chiều Bắc - Nam chỉ có thể chụp ảnh ở một vị trí cụ thể hai lần mỗi ngày. Tuy nhiên, BlackSky điều khiển vệ tinh của mình bay ngược chiều tự quay của Trái Đất, cho phép chúng chụp nhiều ảnh hơn ở các thời điểm khác nhau trong ngày.
Khách hàng của BlackSky có thể nhận được dữ liệu trong vòng 90 phút sau khi ảnh được chụp.
Đến nay, hình ảnh đáng chú ý nhất về chiến sự ở Ukraine có lẽ là bức hình đoàn xe quân sự dài hơn 64 km của Nga do vệ tinh của Maxar thu được. Maxar là gã khổng lồ đi đầu của ngành công nghiệp vệ tinh.
Các chuyên gia cho biết vệ tinh thông thường chỉ chụp ảnh thẳng góc từ không gian xuống. Tuy nhiên, vệ tinh của Maxar có thể đảo góc camera, cho phép thu được hình ảnh với độ chính xác cao hơn.
Chính phủ Mỹ là một trong các khách hàng chính của Maxar. Washington đã yêu cầu Maxar cùng các công ty vệ tinh khác tập trung nguồn lực chụp ảnh tình hình ở Ukraine, giúp mang lại khối lượng ảnh vệ tinh chiến trường nhiều chưa từng có.
Tuy nhiên, việc công bố có chọn lọc các ảnh chụp vệ tinh có thể dẫn tới những lo ngại về mặt đạo đức trong xung đột vũ trang.
Theo ông Chris Quilty, chuyên gia tổ chức tư vấn Quilty Analytics, Maxar và các công ty vệ tinh khác hiển nhiên chụp được hình ảnh hoạt động của quân đội Ukraine cũng như các vị trí phòng thủ. Những hình ảnh này không được công khai.
"Dựa trên những hình ảnh được công bố, các công ty hoàn toàn có khả năng sử dụng hình ảnh để định hướng câu chuyện", ông Quilty nói về các cuộc xung đột vũ trang trong tương lai, không bình luận về chiến sự ở Ukraine hiện nay.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/anh-ve-tinh-ven-man-bi-mat-chien-dich-o-ukraine-post1300270.html