Anh vs Italy - trận chung kết Euro trong mơ
Lần đầu tiên trong lịch sử, Anh và Italy gặp nhau ở một trận chung kết để thiết lập địa vị số một tại châu Âu.
Tờ La Regione đã gọi đây là “Trận chung kết của những bậc thầy bóng đá mà lịch sử luôn trì hoãn”. Anh và Italy, hai quốc gia đã đặt dấu ấn lớn lao cho chiến thuật bóng đá, đã gặp nhau nhiều lần trong quá khứ nhưng không có lần nào đặc biệt như lần này.
Hôm 10/7, tờ The National của Scotland giật tiêu đề: “Cứu chúng tôi với, Roberto (tức Roberto Mancini, huấn luyện viên của Italy), ông là niềm hy vọng cuối cùng của chúng tôi”. Những người Scotland, vốn không ưa người Anh, muốn khơi gợi không khí thù địch cho trận chung kết Euro nhưng thực ra, suốt chiều dài lịch sử hơn 100 năm qua, nền bóng đá Anh và Italy lại có mối quan hệ mật thiết.
Tình yêu bóng đá say mê vô điều kiện là những gì chúng ta có thể nói về người Anh và Italy. Những người Anh đã sản sinh ra bóng đá hiện đại dù nhiều người Italy bảo thủ vẫn tin nó bắt nguồn từ trò chơi calcio mà tổ tiên của họ vẫn đá ở thành phố Florence khi xưa.
Bước ngoặt của bóng đá Italy
Song có một sự thật không thể chối cãi, người Anh đã khai phá tiềm năng bóng đá Italy, và nhiều đội bóng ở Serie A được thành lập nhờ chính bàn tay của người Anh như Genoa hay Milan. Chất Anh ở những CLB ấy thấm đẫm đến nỗi trên logo của họ có hình lá cờ Anh và ngay cả cái tên cũng được gọi theo cách của người Anh (Genoa là tên người Anh gọi thành phố Genova, còn Milan là tên người Anh gọi thành phố Milano).
Khi Milan trở thành CLB đầu tiên của Italy giành Cup C1 châu Âu trong cả thế kỷ 20 và 21, cả hai lần đăng quang ấy đều diễn ra trên đất Anh. Thậm chí, khi đội tuyển quốc gia Italy ra mắt, họ đã mặc trên mình trang phục màu trắng, màu áo truyền thống của tuyển Anh và sau này mới đổi thành màu thiên thanh như hiện tại.
Trong khoảng 60 năm, bóng đá Anh chính là thầy của người Italy. Không chỉ tạo nên các đội bóng ở những thành phố lớn tại Italy, người Anh còn dạy người Italy cách chơi bóng chuyên nghiệp và tất nhiên, cả những chiến thuật để tạo nên chiến thắng.
Những người Italy cứ chạy theo hình bóng của người Anh, cả khi Serie A đã được thành lập và cả khi họ giành được hai World Cup, mà không sao thắng nổi. 8 trận đầu đấu tiên giữa hai đội tuyển quốc gia, Anh thắng 4 và hòa 4, trong đó trận đấu diễn ra ngay sau cuộc Thế chiến thứ 2 đã dạy cho Azzurri một bài học đầy đớn đau. Hôm ấy, Italy quyết tâm chiến thắng trên sân cỏ đã gục ngã hoàn toàn trước kinh nghiệm của các bậc thầy người Anh.
Bất chấp có ngôi sao Valentino Mazzola trong đội hình và đang là nhà đương kim vô địch thế giới, Italy đã bị đánh bại bằng phong độ chói sáng của thiên tài Stanley Matthews (ông là cầu thủ duy nhất được phong tước hiệu “Hiệp sĩ” khi còn thi đấu) và đồng đội. Thảm bại 0-4 ngay tại sân nhà đã thổi bùng những mâu thuẫn âm ỉ trong nền bóng đá Italy và khiến HLV Vittorio Pozzo, người đã đưa Azzurri thống trị World Cup thập niên 1930, phải từ chức trong cay đắng.
Thế nhưng, mọi thứ đã dần thay đổi theo thời gian. Ngạn ngữ Trung Quốc có câu thế này, “thanh xuất ư lam”, nghĩa là màu xanh từ màu lam mà ra nhưng lại xanh hơn cả màu lam, hay còn có thể hiểu là “trò giỏi hơn thầy”. Bóng đá Italy từng là học trò của người Anh trong buổi đầu chập chững, nhưng họ dần đuổi kịp và cuối cùng vượt qua chính người Anh.
Quá trình thăng tiến ấy đã để lại trong lòng không ít người Anh sự ngưỡng mộ pha chút ghen tỵ. Như HLV Southgate đã nói trong cuộc phỏng vấn sau trận bán kết với Đan Mạch: “Italy là quốc gia giàu truyền thống về bóng đá, đội tuyển của họ đã chơi 12 trận bán kết và 10 trận chung kết World Cup và Euro. Chúng tôi vẫn còn chặng đường dài để có thể đạt ngang tầm với họ”.
Cột mốc của sự thay đổi đến từ thập niên 1950 với một người đàn ông có tên là Nereo Rocco. Nhà báo nổi tiếng Gianni Brera, người có ảnh hưởng lớn tới lịch sử bóng đá Italy, đã viết về Rocco thế này: “Các HLV trung bình khác ở Italy cố gắng sao chép một cách máy móc người Anh, còn Rocco thay đổi và sáng tạo ra sự mới mẻ”.
Cho đến tận thời điểm ấy, tư duy chiến thuật của bóng đá Anh vẫn ảnh hưởng mạnh mẽ tới người Italy và chỉ bắt đầu thực sự chuyển hướng bằng những phát kiến của Rocco. Những phát kiến này đã được các HLV khác kế tục để định hình nên lối chơi có tên là “catenaccio”. Sự kiện đó có ý nghĩa lớn tới cuộc đối đầu giữa người Anh và Italy. Kể từ lúc ấy, Azzurri bắt đầu át vía “Tam sư”, đặc biệt trong những trận đấu chính thức và ở những giải đấu lớn.
Tháng 11/1973, Azzurri làm nên lịch sử khi đánh bại Anh tại Wembley lần đầu tiên. Bàn thắng duy nhất do công của Fabio Capello, và như đã nói về sự cộng sinh giữa hai nền bóng đá, 44 năm sau, cũng chính ông đã trở thành HLV của đội tuyển Anh.
Nhưng mọi cuộc đối đầu trong suốt hàng chục năm ấy chỉ đơn thuần là những trận giao hữu. Phải đến tận năm 1976, Anh và Italy mới gặp nhau lần đầu tiên tại các trận chính thức. Đó là vòng loại World Cup 1978 và Italy đã đánh bại Anh ngay tại Olimpico với tỷ số 2-0.
Đúng 1 năm sau, Anh đã đòi lại món nợ cũng bằng chiến thắng 2-0 trên sân nhà. Nhưng đấy là thời điểm Italy đã giành vé dự World Cup và chiến thắng ấy chỉ còn mang ý nghĩa an ủi với người Anh. Không ai có thể ngờ đó là lần duy nhất, Anh thắng được Italy tại Wembley và cũng là lần duy nhất, họ chiến thắng trong những trận đấu chính thức.
Nỗi đau của bóng đá Anh trước Italy
Các cuộc đối đầu tiếp theo chỉ mang lại cho người Anh những cơn ác mộng. Tháng 6/1980, Anh thất bại tại Euro trong trận cầu mà Italy đã ghi bàn duy nhất ở vòng đấu bảng. 10 năm sau, hai đội có dịp gặp gỡ trong trận tranh huy chương đồng World Cup và một lần nữa, Italy lại vượt qua Anh với tỷ số 2-1.
Năm 2012, ở lần đụng độ thứ ba tại các giải lớn, người Anh đã được người Italy dạy một bài học sau cú sục bóng đầy lãng mạn của Andrea Pirlo trong loạt luân lưu. Thậm chí, ngay cả khi Italy xuống phong độ thảm hại, họ vẫn biết cách đánh bại tuyển Anh như ở World Cup 2014.
Tuy nhiên, dù có những trận đấu đó, mối quan hệ giữa Anh và Italy trước sau vẫn là sự học hỏi lẫn nhau để cùng đi lên. Người Anh đã từng dạy người Italy và rồi đến lượt người Italy dạy lại người Anh. Khi Premier League khởi tranh, người Anh đã mang những kiến thức của người Italy về áp dụng để thúc đẩy giải đấu của mình.
Từ cách mà người Italy tiếp thị hình ảnh Serie A ra thế giới, việc biến phòng họp báo thành nơi trình diễn ý tưởng cũng như coi mỗi đội bóng hoạt động như một công ty kinh doanh, người Anh đã học tập và rồi vượt qua chính người Italy ở tất cả điều đó.
Vào buổi đầu thành lập, Premier League chỉ là nơi dưỡng già của vài cầu thủ sắp hết thời người Italy. Nhưng rồi, chỉ trong vòng chưa đến 10 năm, người Anh đã biến mình thành thế lực hùng mạnh của bóng đá thế giới cấp CLB, không chỉ thành công về danh hiệu mà còn cả về tài chính.
Bây giờ, đến lượt người Italy bắt đầu tìm cách học hỏi lại người Anh như 100 năm trước. Một làn sóng đòi cải tổ vẫn diễn ra sôi nổi ở Italy suốt những năm qua. Các đội bóng Italy đã nhận ra sự cần thiết của một sân vận động riêng, điều mà người Anh đã hiểu từ rất lâu.
Kể từ mùa 2021/22, Serie A cũng phá bỏ tiền lệ các trận giai đoạn 2 là sự lặp lại giống hệt giai đoạn 1, thay vào đó, như Premier League, các trận đấu sẽ được sắp xếp theo cách khác để tạo được sức hút lớn nhất cho truyền thông.
Song có một điều đặc biệt, bất chấp sự hợp tác và giao thoa giữa hai nền bóng đá, có rất ít cầu thủ người Italy thành công tại đất Anh và cũng hầu như không có cầu thủ người Anh nào chơi hay trên đất Italy.
Vẫn có những ngoại lệ như John Charles ở Juventus hay Gianfranco Zola ở Chelsea, nhưng hầu hết đều chỉ là những sự thất vọng. Phải chăng, sự khác biệt lớn về tư duy bóng đá đã khiến cầu thủ của 2 bên không thể thích nghi lối chơi của nhau?
Và bây giờ, sau những mối quan hệ trong quá khứ, cả hai sẵn sàng cho trận đấu cuối cùng tại Euro. Đúng như Southgate đã nhận xét, đây thực sự là 2 đội bóng xứng đáng nhất để lên ngôi vô địch. Anh và Italy là những đội chưa hề bị đánh bại ở bất cứ trận nào của giải đấu, và họ đã trải qua những chặng đường đầy chông gai để hẹn nhau tại Wembley.
Người Anh đang tràn đầy tự tin vào chiến thắng. Trong trường quay của Sky Sports tại London, bộ đếm ngược thời gian diễn ra trận chung kết đã bắt đầu. Người ta thay khẩu hiệu “It’s coming home” (tạm dịch: Chiếc Cup đang về nhà) bằng câu nói mới “It’s almost home” (tạm dịch: Chiếc Cup về gần đến nhà) tràn đầy sự tự tin.
Người Anh đang tự tin, nhất là khi sân nhà thường mang lại những may mắn cho họ và đem xui xẻo đến cho người Italy. Chẳng người Anh nào có thể quên World Cup 1966 trên đất Anh, Italy đã bị loại ngay ở vòng bảng và đến Euro 1996 cũng tại Anh, một lần nữa, Italy phải cuốn gói ra về sau 3 trận đấu.
Nhưng người Italy cũng không hề kém cạnh ở khoản tự tin bởi lịch sử đứng về phía họ. Khi khẩu hiệu “It’s coming home” xuất hiện trên khán đài Wembley ở trận chung kết, biết đâu, một vài cổ động viên người Italy sẽ giương thêm một biểu ngữ mới bên cạnh với dòng chữ “but not in yours” (tạm dịch: nhưng nó không phải của các người)?
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/anh-vs-italy-tran-chung-ket-euro-trong-mo-post1237309.html