Tuần trước, trong khuôn khổ Triển lãm quốc phòng IDEF-2023, đại diện ngành công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ - ông Eray Gükluer đã thông báo về "những bước tiến đáng kể được ghi nhận".
Ông Gükluer nhấn mạnh: “Trước đây, Thổ Nhĩ Kỳ chủ yếu phụ thuộc vào NATO để phòng thủ, nhưng giờ đây đất nước chúng tôi tự sản xuất tất cả các loại vũ khí thiết yếu".
Ông Gükluer đưa ra một ví dụ điển hình đó là hệ thống tên lửa phòng không tầm xa mang tên Siper do chính các chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ chế tạo.
"Chúng tôi đã phát triển hệ thống phòng không SIPER và khi cuộc khủng hoảng xảy ra với S-400, mọi lo lắng nhanh chóng lắng xuống. Bởi vì vũ khí của chúng tôi đã thay thế S-400 một cách xứng đáng".
"Trong tương lai gần, phạm vi hoạt động của hệ thống phòng không Siper (ban đầu theo kế hoạch được xác định là 150 km) sẽ tăng lên tới con số khó tin là 600 km".
"Có lẽ bây giờ ngay cả Nga cũng sẽ muốn mua hệ thống phòng không Siper của chúng tôi, khi tầm bắn của nó lớn hơn nhiều so với các hệ thống Patriot của Mỹ (160 km) và cả S-400 (380 km)".
Trước đây có ý kiến cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã cố gắng sao chép hệ thống phòng không S-400, biến sự phát triển của Moskva thành của mình, bởi vì Triumf là tổ hợp vũ khí đánh chặn có tầm bắn xa nhất trên thế giới.
Do Thổ Nhĩ Kỳ thiếu kinh nghiệm trong việc phát triển các hệ thống phòng không như vậy, sẽ thật hợp lý khi cho rằng Ankara không thể hoàn thành việc phát triển chỉ trong một vài năm.
Tuy nhiên với những gì Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định, có thể cho rằng đây là vũ khí được họ tạo ra một cách đầy sáng tạo bằng cách kết hợp công nghệ tối tân nhất của Nga và NATO lại với nhau.
Bạch Dương