Annabelle Comes Home: Bộ phim dở nhất trong toàn bộ vũ trụ The Conjuring
Annabelle Comes Home là bộ phim thứ 3 về búp bê ma ám Annabelle, tiếp nối 2 phần đầu là Annabelle (2014) và Annabelle: Creation (2017).
Bộ phim Annabelle Comes Home là những sự kiện tiếp theo sau khi 2 vợ chồng nhà Warren mang Annabelle về chính ngôi nhà của mình và giam giữ nó trong chiếc tủ kính được niêm phong bởi lá bài tarot quyền lực. Hành động này như một nỗ lực để có thể khắc chế và kìm hãm thực thể đen tối đang ẩn dật trong hình hài con búp bê.
Tuy nhiên, chính hành động tưởng chừng như khôn ngoan đó của vợ chồng nhà Warren, lại chẳng khác nào kề dao sát cổ cô con gái Judy của mình. Dẫu cho Lorraine Warren có là một bà đồng đi chăng nữa, có vẻ như cô vẫn chẳng thể lường trước được mọi việc sắp sửa xảy đến cho gia đình mình.
Mô típ quá cũ kĩ khiến người xem chẳng buồn đoán những gì xảy ra sau đó.
Nếu như những phần trước, nhà sản xuất đặt toàn bộ khán giả vào một tâm thế rằng không biết những nhân vật trong phim liệu sẽ đi về đâu, thì trong phần mới nhất về búp bê Annabelle, họ lại chẳng thể làm điều tương tự.
Câu chuyện về một nhóm bạn dại dột khám phá căn nhà ma có lẽ đã xưa như diễm. Thường sẽ có một đứa trẻ trâu tò mò ham hố khám phá mọi thứ, một đứa nhút nhát, và một nhân vật chính. Vâng, đây chính xác là những gì đang chờ đợi người xem tại rạp nếu bạn quyết định chọn Annabelle Comes Home là bộ phim tiếp theo để thưởng thức.
Mô-típ cũ rích từ những năm 90 này thật sự không đáng để được áp dụng vào một bộ phim kinh dị được trông chờ nhất trong năm 2019, đã vậy lại còn là một mảnh ghép của vũ trụ điện ảnh The Conjuring.
Những pha hù dọa chẳng hề mãn nhãn.
Thông thường, có 2 cách để thiết lập một bộ phim kinh dị. Hoặc là đầy rẫy những pha jump-scare, hoặc là tạo ra một câu chuyện khiến nhiều người ám ảnh kể cả khi rời khỏi rạp. Quay lại với Annabelle Comes Home, chúng ta có một chút cái này, và một chút cái kia, từ đó pha ra một vớ….. chả có gì đặc sắc.
The Conjuring vốn đã nổi tiếng với những pha hù họa khiến khán giả không thể ngồi yên trên ghế,. Vậy mà đối với Annabelle Comes Home, sự đầu tư nghèo nàn trong khâu hình ảnh thật sự khiến khán giả thất vọng. Quỷ Ram được khắc họa không khác gì một con quái thú mọi người thường thấy trong phim siêu nhân, hay sự xuất hiện của ma sói cũng là một thứ gì đó quá dư thừa. Trong tất cả các thể loại, có lẽ ma sói là thứ ít đáng sợ và gây ám ảnh nhất.
Cốt chuyện chưa đủ chiều sâu.
Sẽ hấp dẫn hơn nhiều nếu bên cạnh những diễn biến chính, nhà sản xuất chịu để ý để lồng ghép một vài bí ẩn vào. Một chút tò mò, một chí bí mật chờ đợi người xem khám phá chắc chắc sẽ khiến tổng thể bộ phim thành công hơn rất nhiều. Tuy nhiên Annabelle Comes Home lại một lần nữa gây thất vọng cho các fan hâm mộ của mình.
Dù đã có một phân cảnh, khi Daniela tìm thấy tập hồ sơ về một sự kiện ma ám, với nạn nhân là một cô gái giống y chang người bảo mẫu Mary Ellen. Trong phân đoạn cuối phim, Mary đã phải chạm trán với chính nhân vật này để có thể giành lại búp bê Annabelle. Tuy nhiên, bộ phim lại chẳng hề giải thích xem đó là ai, và vì sao họ lại giống nhau đến vậy. Thậm chí, tất cả quá trình “giành giật” Annabelle cũng diễn ra trong căn phòng tối, và lại một lần nữa Mary trốn thoát khỏi những thực thể ma quái một cách thần kì.
Sự kịch tính dường như đã biến mất hoàn toàn, thay vào đó chỉ là những màn hù dọa khá nhàm chán, nếu không muốn nói là rẻ tiền.
Tất cả những gì các nhân vật cần làm là chạy và chạy. Những mối nguy hiểm mà họ phải đối mặt hoàn toàn không khiến cho khán giả rợn da gà như những gì mà vũ trụ điện ảnh The Conjuring đã làm trong những phần phim trước. Mọi thứ đều quá đơn giản, từ những lần thoát chết, đến việc trừ tà, tất cả chỉ diễn ra trong thoáng chốc.
Điều này mang lại một cảm giác khá trống rỗng với phần lớn khán giả xem phim. Chính vì mọi thứ diễn ra quá đơn giản, nên tổng thể bộ phim trở nên vô cùng nhạt nhẽo. Annabelle Comes Home nên đổi tên thành A Night At Annabelle's House thì đúng hơn.
Chưa kể là nhân vật chính của chúng ta, bé gái Judy Warren, đã được đạo diễn lỡ tay “buff” quá mạnh. Dù chỉ mới ăn 10 nồi bánh chưng, cô bé đã có thể tự mình đương đầu với hầu hết tất cả những thực thể ma quái tấn công mình. Dù cho là “con nhà tông” đi chăng nữa, việc đọc kinh để chế ngự các thực thể đen tối đã một phen khiến chính ba mẹ cô phải chật vật, dường như là hơi quá…..ảo.
Không hề có thứ khiến người xem hào hứng nhất: after-credit.
Thông thường, khi nhắc đến một vũ trụ điện ảnh, người xem sẽ mong muốn được thấy sự liên kết giữa các bộ phim với nhau. Dù chỉ là một đoạn phim ngắn ngủi, nhưng những gì mà after-credit mang lại là vô cùng to lớn: khơi dậy sự hào hứng của khán giả về những phần sau.
Trong Annabelle Comes Home, nhà sản xuất đã khéo léo đặt một số easter-eggs để gợi ý cho thực thể ma quái sắp xuất hiện trong bộ phim The Conjuring 3 được ra mắt vào năm sau, như quyển sách The True Story Of Demonic Possession hay một số vụ án mà những nhân vật chính phát hiện được trong căn phòng chứa tài liệu của gia đình. Dẫu vậy, việc không có đoạn phim after-credit vẫn là một sự thiếu hụt rất lớn, khiến cho phần lớn người xem phải lắc đầu chán nản sau đi tốn công ngồi chờ hết credit.
Tạm kết
Dù vẫn còn quá nhiều điểm trừ, nhưng nếu bạn là fan của vũ trụ điện ảnh The Conjuring, Annabelle Comes Home vẫn là một bộ phim đáng thưởng thức, vì nó chính là tiền đề để nhà sản xuất có thể phát triển những phần sau của vũ trụ ma quái này.