Anschluss - Cuộc xâm lăng không tiếng súng

Anschluss, trong tiếng Đức, nghĩa là 'sáp nhập'. Thuật ngữ mà hệ thống tuyên truyền của nước Đức Quốc xã thời ấy gọi kế hoạch này là Anschluss Oesterreichs (sáp nhập Áo).

“Ông đã tìm mọi cách để né tránh một chính sách thân thiện…Cả lịch sử nước Áo chỉ là những hành vi phản bội không ngừng. Trong quá khứ là như thế, và hiện tại cũng không khá hơn. Đã đến lúc phải chấm dứt nghịch lý lịch sử này. Và tôi có thể nói cho ông rõ, ông Schuschnigg, rằng tôi dứt khoát sẽ chấm dứt mọi chuyện. Đế chế Đức là một trong những cường quốc vĩ đại nhất, nên sẽ không ai lên tiếng nếu đế chế này giải quyết vấn đề biên giới của mình!” – Adolf Hitler đã gào lên với Thủ tướng Áo – Kurt von Schuschnigg – như thế, vào cuộc hội đàm ngày 12/2/1938 (theo cuốn “Sự trỗi dậy và suy tàn của Đế chế thứ ba”, William L.Shirer).

Tròn một tháng sau, 12/3/1938, quân đội Quốc xã tiến vào thủ đô Wien, chính thức sáp nhập nước Áo vào lãnh thổ Đức.

“Bốn tuần khổ đau”

Anschluss, trong tiếng Đức, nghĩa là “sáp nhập”. Thuật ngữ mà hệ thống tuyên truyền của nước Đức Quốc xã thời ấy gọi kế hoạch này là Anschluss Oesterreichs (sáp nhập Áo).

Nền móng tư tưởng của nó, không nghi ngờ gì nữa, là thuyết chủng tộc thượng đẳng mà Hitler tôn thờ, cũng như tinh thần Đại Germany cực đoan – những điều đã khiến cả nước Đức (vốn đang gặm nhấm những mối uất hận sau khi trở thành phe bại trận ở Đệ nhất Thế chiến, đang phải chịu đựng những điều khoản trừng phạt nặng nề song lại chưa đủ để kiệt quệ, cũng như đang phải vật lộn với cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu cuối những năm 1930) chấp nhận đoàn ngũ hóa và tuân theo vô điều kiện các mệnh lệnh của Fuehrer (Quốc trưởng/Lãnh tụ).

Song, nếu chỉ có vậy, và thêm cả chuyện người dân Áo cũng như người dân Đức có chung dòng máu Germany, chia sẻ với nhau cùng một thứ ngôn ngữ cũng như bề dày văn hóa truyền thống, thì cũng thật khó để bất cứ nhân vật cao cấp nào của nước Đức Quốc xã có thể sớm khẳng định rằng: Vào ngày 12/3/1938 ấy, khi Hitler cùng đoàn quân của mình tiến về nơi ông ta được sinh ra, chẳng có tiếng súng kháng cự nào. Đón chào họ là cả một đám đông hoan hỉ. Để rồi, ngay ngày 13/3, một chính phủ bù nhìn Quốc xã Áo đã kịp được dựng lên.

Nước Áo cúi đầu.

Anschluss hoàn tất thành công, chóng vánh đến sửng sốt. Áo trở thành một phần của Đệ tam đế chế Đức (vâng, hãy lưu ý, Adolf Hitler gọi chính thể mà mình đứng đầu là Đế chế), cho đến tận khi Chiến tranh Thế giới lần thứ hai kết thúc.

Vấn đề là, gần hai tháng trước đó, ngày 25/1/1938, cảnh sát Áo bố ráp một văn phòng bí mật của Đảng Quốc xã Áo. Họ tìm thấy tài liệu, theo đó nêu rõ lực lượng Quốc xã Áo – có liên hệ mật thiết với Quốc xã Đức – sẽ phát động cuộc nổi dậy vào mùa xuân năm này. Để rồi, nếu chính phủ cũng như quân đội Áo cố gắng đàn áp, quân đội Đức vẫn sẽ tiến vào Áo, nhằm “ngăn máu người Đức đổ dưới tay người Đức”.

Và vấn đề là, sau Đệ nhị Thế chiến, khi hồi tưởng lại, cựu Thủ tướng Áo Schuschnigg tội nghiệp gọi quãng thời gian từ ngày 12/2 đến ngày 11/3/1938 ấy là “bốn tuần đau khổ”.

Ông, theo History.com. đã cố gắng kêu gọi thực hiện một cuộc bỏ phiếu trên toàn quốc vào ngày 9/3/1938, để giải quyết – một lần và mãi mãi – vấn đề Anschluss. Song, trước khi cuộc trưng cầu dân ý diễn ra, Schuschnigg đã bị Hitler gây áp lực và phải từ chức vào ngày 11/3. Trong diễn văn từ chức, dưới sự ép buộc của Đức Quốc xã, ông đã phải cầu xin các lực lượng tại Áo không phản kháng “bước tiến” của người Đức.

Không một bàn tay

Thực ra, Anschluss hoàn toàn không phải là một điều bất ngờ, không phải là một cuộc động binh ngẫu hứng, càng không phải lần đầu tiên những nỗ lực sáp nhập Áo được thể hiện. Nó chỉ là đoạn kết của những nỗ lực ấy, trong sự bất lực của người đứng đầu nước Áo.

Nước Áo suy vi sau Đệ nhất Thế chiến, về lãnh thổ, đã chỉ còn là một phần rất nhỏ của chính nó, Đế quốc Áo – Hung thuộc hoàng gia Habsburg. Mặc dù vậy, quốc gia này vẫn là một biểu tượng mang đầy màu sắc hoài niệm, về Đế chế La Mã thần thánh (Holy Roman Empire) của chủng tộc Germany – một cái tên in đậm dấu ấn trong lịch sử châu Âu.

Chính vì thế, khi tôn vinh và dập khuôn theo hình mẫu sắt máu của Đệ nhị Đế chế Đức (tức là Đế quốc Đức, được dẫn dắt thành lập bởi vị Thủ tướng Phổ huyền thoại Otto Von Bismark), Adolf Hitler lại tự xây dựng cho mình một tham vọng lớn gấp bội: Đưa tất cả những người mang dòng máu Germany về cùng trong Đệ tam Đế chế, để cùng khuếch trương không gian sinh tồn cho chủng tộc thượng đẳng đó.

Ông ta kế thừa cả tinh thần quân phiệt Phổ, cả niềm tự hào về Thánh chế La Mã mênh mông, và cả những vận động chết yểu đã từng diễn ra trong thực tế, nhằm sáp nhập nước Áo quê hương mình với nước Đức. Song, vượt trên cả Bismark những đại diện của chủ nghĩa dân tộc cực đoan khác, Hitler sở hữu khả năng thiên phú của một nhà hùng biện, một bậc gian hùng dám sử dụng tất cả mọi thủ đoạn. Và hơn cả, ông ta nhận được sự ủng hộ của thời thế.

Vị thủ tướng tội nghiệp.

Theo các hiệp ước Saint Germain cũng như Versailles năm 1919, Áo bị cấm thống nhất với Đức. Và, cũng theo những hiệp ước đó, nước Đức còn không được phép tái vũ trang, trong khi vùng Rhineland giáp Pháp luôn phải được bảo đảm là khu phi quân sự. Song, khi Hitler lên nắm quyền, nước Đức Quốc xã cứ xây dựng lại quân đội, và cứ đưa quân vào Rhineland. Hai cường quốc hàng đầu thế giới hồi đó – những đại cường lãnh đạo Hội Quốc Liên: Anh và Pháp – không hề bày tỏ ý định phản đối hay ngăn cản nào.

Điều này mỗi lúc một gia tăng lòng tự tin cho Hitler, khi “những canh bạc liều” của ông ta đều đã thành công, trái với lời can ngăn của giới tướng lĩnh. Và ông ta tuyên bố với Thủ tướng Áo Schussnigg như thế, như một cách thông báo rõ ràng là: Hãy chấp nhận thực tế!

Schussnigg không thể bấu víu, trông cậy vào ai được hết, từ bên ngoài. Còn trong nội bộ quốc gia, kể từ cuối năm 1937, đảng Quốc xã Áo đã liên tục thực hiện những hành động khủng bố, hầu như mỗi ngày, khiến chính phủ trung ương ở Wien suy yếu.

Trong khi đó, người tiền nhiệm Engelbert Dollfuss (chỉ nắm quyền từ năm 1933 đến 1934), cũng đã kịp gây ra những cái cớ để Hitler buộc tội: Vụ sát hại các đảng viên Dân chủ Xã hội Áo ngày 12/2/1934; và vụ nã pháo làm khoảng 1.000 người (kể cả trẻ em và phụ nữ) thương vong, một ngày trước đó.

Tóm lại, bất chấp Hiệp định Áo – Đức ngày 11/7/1936, theo đó Đức hứa tôn trọng nền độc lập của Áo, ngày 12/2/1938, Thủ tướng Áo nhận được một tối hậu thư. Nó được đọc đi đọc lại bên tai ông, khủng bố tinh thần ông, và cuối cùng đánh sập mọi ý chí phản kháng của ông, suốt bốn tuần sau.

“Nghe đây, ông không thực sự nghĩ ông có thể di chuyển một tảng đá ở (biên giới) Áo mà tôi không biết đấy chứ? Tôi chỉ cần ra lệnh, và chỉ trong một đêm thôi, những cơ cấu phòng thủ của ông sẽ bị bắn tan nát. Ông sẽ không nghĩ là ông có thể nghiêm túc chống cự lại tôi trong nửa giờ, đúng không?”. Hay là: “Không có gì để đàm phán hết. Tôi sẽ không thay đổi một mảy may. Hoặc ông ký vào (thỏa thuận) như thế, hoặc tôi sẽ cho quân đội của tôi tiến vào Áo”. Và cuối cùng: “Đừng bao giờ nghĩ rằng có ai trên địa cầu này có thể lay chuyển quyết định của tôi. Nước Ý? Tôi và Mussolini thân thiết với nhau. Nước Anh? Anh sẽ không động một ngón tay nào vì Áo. Còn Pháp? Lẽ ra họ có thể chặn đứng tôi ở Rhineland, và lúc ấy chúng tôi hẳn đã phải rút lui. Nhưng bây giờ thì quá muộn rồi”…

Schussnigg nhanh chóng đầu hàng. Nhưng trong tình thế ấy, ông còn biết làm thế nào?

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/khoa-hoc-van-minh/anschluss-cuoc-xam-lang-khong-tieng-sung-i646559/