Công đảng Anh - 'làn gió ngược' giữa xu hướng cực hữu ở châu Âu

Chiến thắng của Công đảng trung tả trong cuộc tổng tuyển cử Anh được chú ý khi diễn ra trong bối cảnh xu hướng cực hữu ở châu Âu đang phát triển mạnh.

Ngày 5-7, ông Keir Starmer – lãnh đạo Công đảng – tuyên thệ nhậm chức thủ tướng Anh sau khi đảng này giành chiến thắng áp đảo trước đảng Bảo thủ cầm quyền trong cuộc tổng tuyển cử hôm 4-7, theo tờ The Guardian.

Theo kết quả sơ bộ tổng tuyển cử Anh, Công đảng - theo đường lối trung tả - đã giành được 412 ghế trong tổng số 650 ghế tại Hạ viện. Trong khi đó, đảng Bảo thủ chỉ giành được 121 ghế – mức thấp nhất trong lịch sử của đảng này.

Việc đa số người dân Anh bầu cho Công đảng diễn ra trong cùng thời điểm xu hướng cực hữu ở châu Âu lan rộng. Vậy điều gì khiến nước Anh đứng ngoài làn sóng này, đài CNN đặt câu hỏi.

 Tân Thủ tướng Anh Keir Starmer. Ảnh: AFP

Tân Thủ tướng Anh Keir Starmer. Ảnh: AFP

Xu hướng cực hữu ở châu Âu

Trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu hồi tháng 6, số lượng các nhà lập pháp từ các đảng cực hữu được bầu vào cơ quan này đạt mức cao kỷ lục.

Quy mô ảnh hưởng của kết quả cuộc bầu cử này lớn đến mức Tổng thống Pháp Emmanuel Macron quyết định kêu gọi tổ chức một cuộc bầu cử quốc hội sớm. Trong vòng bầu cử đầu tiên vào cuối tuần trước, đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (RN) và các đồng minh đã dẫn trước liên minh trung dung của ông Macron.

Trong tuần này, chính phủ gồm nhiều thành viên cực hữu cũng được thành lập ở Hà Lan. Trong khi đó, nước Ý đang được một chính phủ cực hữu nhất kể từ Thế chiến II lãnh đạo.

Tình hình này diễn ra trong bối cảnh nhiều nước châu Âu đang đối mặt tình trạng nền kinh tế trì trệ, lượng người nhập cư cao và giá năng lượng cao. Nhiều chính trị gia cực hữu thúc đẩy chủ nghĩa hoài nghi châu Âu và cho rằng chính sách của các chính phủ hiện tại là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

“Cơn gió ngược” giữa xu hướng cực hữu ở châu Âu

Anh được cho là một trong những nước tiên phong về chủ nghĩa hoài nghi châu Âu khi tổ chức cuộc bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu (EU) hay còn gọi là Brexit vào năm 2016.

Kể từ đó, nước Anh rơi vào hết khủng hoảng này đến cuộc khủng hoảng khác, do đại dịch COVID-19, khủng hoảng chi phí sinh hoạt.

Đảng Bảo thủ trung hữu đã nắm quyền ở Anh trong 14 năm. Gần đây, đảng này thực hiện nhiều chương trình nghị sự có phần cực hữu, tập trung vào vấn đề nhập cư.

Đảng Bảo thủ cũng vướng vào loạt vụ vấn đề nan giải, bao gồm vụ bê bối tổ chức tiệc giữa thời kỳ phong tỏa đại dịch COVID-19 dưới thời cựu Thủ tướng Boris Johnson và các kế hoạch kinh tế của cựu Thủ tướng Liz Truss gây hỗn loạn cho thị trường tài chính.

Ông Peter Ricketts – cựu quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Anh – nhận định: “Tôi nghĩ rằng có những chu kỳ trong chính trị và tôi nghĩ theo một cách nào đó, Anh đang thoát ra khỏi chu kỳ của một chính phủ khá dân túy kể từ cuộc bỏ phiếu Brexit”.

 Ông Rishi Sunak rời trụ sở đảng Bảo thủ hôm 5-7. Ảnh: REUTERS

Ông Rishi Sunak rời trụ sở đảng Bảo thủ hôm 5-7. Ảnh: REUTERS

Trong bối cảnh này, Công đảng được người dân tin tưởng giao quyền điều hành nước Anh.

Trên trang web của mình, Công đảng mô tả họ là tổ chức mang lại lợi ích cho người dân lao động và thay đổi nước Anh theo hướng tốt đẹp hơn. Công đảng cho biết mục tiêu của họ là mang lại tiếng nói cho người dân bình thường và cải thiện cuộc sống.

Trong bài phát biểu trước cuộc bầu cử, ông Starmer cho rằng các chính trị gia tiến bộ phải chứng minh rằng họ đã học được những bài học từ sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa dân túy.

“Chúng ta phải chứng tỏ ở Anh, trên khắp châu Âu và thế giới rằng chỉ những người cấp tiến mới có câu trả lời cho những thách thức mà chúng ta gặp phải” – ông Starmer nói.

Trong tuyên bố tranh cử, ông Starmer và Công đảng hứa tập trung giải quyết vấn đề nhập cư, cho phép những người nhập cư trái phép nộp đơn xin tị nạn và hứa sẽ giải quyết các hồ sơ tị nạn tồn đọng chưa được xử lý.

Đối với vấn đề kinh tế, Công đảng cam kết đầu tư vào công nghiệp và tạo ra môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp. Về mặt quản lý cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, Công đảng được dự đoán có thể tăng mức lương tối thiểu hoặc khuyến khích các thành phố áp dụng chính sách tiền lương.

Phía Công đảng cũng cho biết họ lựa chọn “cải thiện mối quan hệ thương mại và đầu tư của Anh với EU" bằng cách dỡ bỏ các rào cản thương mại không cần thiết, nhưng sẽ không tái gia nhập EU. Công đảng cũng cam kết sẽ cải thiện dịch vụ y tế.

Ngoài ra, Công đảng cũng quyết tâm đưa nước Anh trở thành siêu cường năng lượng sạch, hướng tới việc phát thải ròng bằng 0. Đảng này cũng cam kết giảm một nửa tội phạm bạo lực nghiêm trọng và nâng niềm tin của người dân vào cảnh sát và hệ thống tư pháp hình sự lên mức cao nhất

Theo trang tin Vox, việc Công đảng đưa ra cách tiếp cận mới đối với các vấn đề của nước Anh đã giúp đảng này nhận được sự ủng hộ lớn. Ngoài ra, việc đảng Bảo thủ gặp khó khăn trong quá trình quản lý đất nước cũng thúc đẩy cử tri bầu cho Công đảng.

KHOA ĐIỀM

Nguồn PLO: https://plo.vn/cong-dang-anh-lan-gio-nguoc-giua-xu-huong-cuc-huu-o-chau-au-post799179.html