Áo bà ba mưu sinh chợ nổi
Không chỉ bơi giỏi, lặn sâu, những người đàn bà ở khúc sông này còn như những 'kỵ sĩ' chèo đò không mệt mỏi. Cả đời họ ôm mái chèo, dầm nắng phơi sương trên sóng nước, không hẳn vì miếng cơm manh áo, mà còn là sự khẳng định giá trị của chính mình...
1. Chợ nổi Long Xuyên nằm trên dòng sông Hậu, cách Tp. Long Xuyên chừng 2km, là chợ đầu mối trên sông lớn nhất của tỉnh An Giang. Chợ nổi Long Xuyên không ồn ào, náo nhiệt và nổi tiếng như chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang) hay chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) nhưng, nơi này vẫn còn lưu giữ được văn hóa thương hồ mang đậm nét bình dị, chất phác của một làng quê miệt sông nước Cửu Long.
Chợ nổi Long Xuyên có lịch sử hình thành từ lúc nào, thế hệ buôn bán ngày nay không ai còn nhớ. Hơn 30 năm chèo đò ở đây, bà Nguyễn Thị Rớt (55 tuổi) đã lưu lại nhiều ký ức. Cuộc đời bà, buồn vui đều thổ lộ với dòng sông, bến nước và con đò nhỏ này. Sông Hậu có khi đầy khi cạn, lúc mưa gió tơi bời và bão lũ tràn về, thì con đò của bà Rớt vẫn vững chãi trên cánh sóng.
Mấy năm trở lại đây, du lịch chợ nổi phát triển, bà Rớt chuyển lên chiếc đò lớn hơn để chuyên chở khách thập phương tới tham quan chợ nổi. Mỗi cuốc đò, bà chở tối đa 10 người, với giá 200 ngàn đồng. Tính ra, mỗi người chỉ tốn 20 ngàn đồng cho một lượt vãn cảnh sông nước. Thời điểm dịch bệnh COVID-19, khách du lịch không có, con đò của bà Rớt neo mình cả ngày trên bến, buồn mênh mang. Người bản địa mách tôi, khoảnh khắc sôi động nhất ở chợ nổi bắt đầu từ 5 giờ sáng cho tới 8 giờ. Lúc ấy, mặt sông Hậu tràn ngập tàu bè với các hàng trái ăm ắp, xanh mướt. Bên cạnh đó là những con đò ngang, đò dọc bán hàng ăn uống hối hả chống chèo, hương vị đồng quê quyện trong mùi khói lan tỏa khắp vùng trời sông nước.
Chỉ một mình tôi nhưng bà Rớt vẫn vui vẻ ra bến, bà cười hồn hậu, lòng nhẹ tênh như con đò vắng khách. Tôi không trả giá nhưng bà Rớt đã nói một câu như để khách yên tâm: “Cho cô bao nhiêu cũng được, không sao đâu”.
Đôi tay bà Rớt mạnh mẽ quay máy đuôi tôm công suất 4 ngựa. Đây vốn là loại máy chạy tắc ráng nhưng từ khi nó lên đời chở khách du lịch, bà Rớt đã “độ” thêm chiếc chân vịt cỡ lớn để tăng thêm tốc độ.
Sông nước mênh mang lấp lánh dưới ánh bình minh vàng ươm nơi đường chân trời, cảnh buôn bán ở chợ nổi Long Xuyên là một nét sinh hoạt độc đáo mà không phải nơi nào cũng có được. Những chiếc xuồng chở nặng hàng hóa, rau củ, hoa trái... không bán lẻ, mà đổ sỉ. Mối hàng của họ đều là những “đò buôn” nhỏ lẻ tấp vào, lấy hàng rồi mang về các khu chợ ấp, xóm, cù lao hoặc bán trôi nổi theo các con kênh nội đồng.
Không có mặc cả, thêm bớt, người bán đưa giá như thế nào thì người mua lấy như thế. Bao nhiêu năm rồi, văn hóa mua bán là như thế. Bà Rớt cho biết, sở dĩ họ không mặc cả vì đa số dân buôn đều quen biết nhau, họ đặt niềm tin và tình cảm lên trên giá trị vật chất.
Suốt buổi rong ruổi trên sông, bà Rớt đã kể cho tôi nghe thật nhiều điều thú vị về văn hóa giao thương miệt sông nước. Theo đó, cây bẹo, chính là bảng hiệu quảng cáo của các xuồng buôn.
Khách có thể nhìn vào cây bẹo được treo lủng lẳng trước mũi xuồng để lựa chọn sản phẩm mình muốn mua. Mỗi chiếc xuồng sẽ treo một món hàng khác nhau, từ rau, củ, quả cho tới những vật dụng cần thiết cho cuộc sống thường ngày. Bán bí thì treo trái bí, bán dưa hấu thì treo trái dưa, bán hành thì treo củ hành...
Tuy nhiên, có 3 trường hợp ngoại lệ. Cái gì treo mà không bán? Chính là quần áo. Cư dân chợ nổi thường sống và sinh hoạt ngay trên thuyền, vì thế, quần áo họ thường phơi trên thuyền, do đó “mặt hàng” này họ không bán. Cái gì bán mà không treo? Chính là các thuyền bán hàng ăn uống và nước giải khát. Những thứ này không thể treo lên được.
Treo cái này, bán cái khác? Chính là treo lá dừa nhưng lại bán thuyền. Người dân muốn bán ghe thuyền thì sẽ treo lên thuyền một cây sào, trên đó có gắn một miếng lá dừa.
2. Giữa khung cảnh nhộn nhịp của phiên chợ đầu mối miệt sông, là những chiếc xuồng ba lá chèo bằng tay bán đồ ăn thức uống. Tôi muốn uống một ly trà đường. Lập tức, bà Rớt đưa tay lên miệng hú một tiếng, chiếc xuồng bé tí đang tròng trành cách khoảng 100m nhanh tay chèo tới. Thi thoảng bị một đợt sóng của tàu lớn đánh vào, xuồng lại dạt xa một chút nhưng chưa đầy 10 phút là “quán nước” đã tới.
Bà chủ bỏ chiếc nón lá ra, nở nụ cười giòn tan thay cho cái gật đầu, rồi bà nhanh tay lấy nước cho khách. Tôi còn đang ngắm nghía, vân vê cốc nước thì bà đã hối hả chèo đi, không màng đến 7 ngàn tiền nước. Tôi gọi với theo, bà Rớt nhanh nhảu nói: “Chút gửi tiền cho cô”. Tôi hỏi bà Rớt: “Các cô làm chung à?”. Bà xua tay: “Việc ai người đó làm, tiền ai người đó xài, chỉ là mình thu hộ thôi. Ở đây ai cũng vậy mà”.
Thì ra, bán hàng chạy xuồng là chạy theo con nước, theo làn gió. Nếu cứ chờ một vị khách ăn hết tô bún hay nhâm nhi xong ly cà phê thì không thể bán được bao nhiêu. Uống xong ly trà đường, tôi lại cặp vào “quán” bún của bà Năm. Bà Năm đã ngoài 60 tuổi và có trên 40 năm “bán mặt vào sông”. Chiếc xuồng ba lá của bà được bày biện gọn gàng, ngăn nắp, đủ đầy mọi thứ phục vụ cho quán bún di động. Nồi nước lèo khói bay nghi ngút, ngả nghiêng theo nhịp sóng triều lên, nhìn mong manh quá. Tôi hỏi bà, có khi nào bị đổ không? Bà bảo, đổ hoài.
Đó là khi cặp vào tàu lớn, bị ép nước khiến chiếc xuồng không giữ thăng bằng nghiêng lật. Khi ấy, không chỉ nồi nước lèo mà tất cả những gì có trên xuồng đều rơi xuống sông. Rồi gặp những cơn dông lốc, sức gió có thể thổi bay chiếc xuồng đi xa không bờ bến. Sức của bà Năm làm sao chống chọi được, gặp phải vũng xoáy ngoài cửa sông thì cũng “tong teo” một ngày.
Bà Năm là một tay bơi cừ khôi nên không sợ chết chìm nhưng mất cả một “cơ đồ” mưu sinh thì khổ đau khác nào cái chết. Bà cười, lý luận đúng theo cái chất “hai lúa”: “Mình chấp nhận thôi, buôn bán thì phải có may rủi chứ”.
Ngày nào cũng thế, bà Năm chèo đò từ 4 giờ sáng cho tới khi hoàng hôn khuất sau mặt nước. Thời điểm bán nhộn nhịp nhất chỉ được khoảng 3 tiếng buổi sáng. Thời gian tiếp theo, bà Năm lại chèo đò đi gom tô và thu tiền. Công việc kéo dài cho tới trưa, bà lại tiếp tục bán đợt tiếp theo. Một ngày của bà Năm quay tròn như thế. Những lúc vắng khách, bà Năm buông mái chèo, tựa chiếc đò vào hông một còn xuồng lớn, tranh thủ ăn miếng cơm và lấy bọc tiền lẻ ra đếm. Số tiền lời bà kiếm được mỗi ngày giao động từ 200-300 ngàn. Đó là một khoản khấm khá so với thu nhập của dân chạy chợ.
Hơn nửa đời người lao động, bà Năm vẫn ở một căn nhà nửa là dừa, nửa tôn, nửa xi măng. Trong nhà, bà phải lo cho 3 miệng ăn là ông chồng nay ốm mai đau và 2 đứa cháu ngoại, kết quả cuộc hôn nhân tan vỡ của người con gái duy nhất. Nếu như tài chèo đò, bơi lội trên sông nước của bà Năm khó ai sánh kịp thì ở trên bờ, bà lại chẳng bằng ai. Cả đời, bà không biết chạy xe máy, không biết xài điện thoại thông minh hay những cuộc vui chơi phố thị. Bà sống phẳng lặng như mặt hồ, chân chất bằng chính cái bản ngã nông dân thuần túy của mình.
3. Bà Rớt lại hú một tiếng, chiếc đò bán cơm tấm của vợ chồng chị Lê Thị Hiền (40 tuổi) nhanh chóng cập mé xuồng của chúng tôi. Đĩa cơm tấm đúng chất miệt sông, thứ gì cũng tươi và nóng hổi được làm ra từ chính bàn tay của chị Hiền. Cá kho, tôm rim là của anh Tấn, chồng chị đi đặt lợp hồi hôm.
Trước khi đến với nghề “đò cơm”, vợ chồng chị Hiền làm nghề “bà cậu” trôi nổi khắp nơi theo mùa nước nổi. Sau vụ tai nạn đường thủy, anh Tấn bị gãy chân, tài sản đánh cá mất sạch, vợ chồng lên bờ làm thuê làm mướn được vài tháng thì quyết định quay trở về nghề sông nước. Đứa con gái lên 5 gửi nhà ông bà nội. Còn hai vợ chồng ăn ở trên con đò cũ, nó vốn là phương tiện đánh cá trước kia được cải tạo lại.
Mỗi ngày, anh Tấn dậy từ 2 giờ sáng đi thu lợp, được bao nhiêu cá tôm anh mang về cho vợ nấu. 5 giờ sáng, hai vợ chồng chèo đò ra chợ nổi bán buôn hết ngày lại chèo về cập bến phà Ô Môi nghỉ ngơi. Mặc dù mới vào nghề được 4 năm nhưng “đò cơm” của chị Hiền đã chiếm được một vị trí nhất định ở chợ nổi. Dân ăn cơm của chị đều là tài công, phu vác và bạn hàng, đều là chỗ thân quen. Họ ăn góp cả tuần mới trả tiền một lần. Một dĩa cơm đặc biệt là 20 ngàn, còn bình dân là 15, cơm thêm miễn phí.
Chị Hiền thật thà cho biết, bán với giá đó, chị kiếm lời từ 5 đến 7 ngàn trên một phần ăn. Vì, thức ăn cá, tôm là thứ nhà làm ra được, chỉ phải mua thịt, trứng và mắm muối. Mỗi ngày, vợ chồng chị Hiền kiếm được 300-400 ngàn. “Chúng tôi thấy thu nhập như thế là quá tốt rồi, không mong gì hơn”, chị Hiền chia sẻ.
Chợt, nụ cười vụt tắt trên bờ môi khô ráp của người đàn bà chèo đò, chị nhìn xa xăm về phía thượng nguồn con sông Hậu, run rẩy nói: “Sắp tới mùa mưa bão rồi”.
Với những phụ nữ chèo đò, mùa bão là mùa buồn nhất trong năm. Mưa, đồng nghĩa với việc buôn bán ế ẩm, tai nạn sông nước rình rập. Mùa mưa năm ngoái, con đò của chị Hiền bị lật 2 lần, đổ sạch nồi cơm chưa kịp bán. Còn bà Năm, nhắc đến mùa mưa là khóe mắt bà rưng rưng, lo lắng, thấp thỏm từng ngày. Ngần ấy năm bôn ba sông nước, bà chẳng nhớ đã bao nhiêu lần chìm nổi cùng con đò nhỏ và mấy lần thoát khỏi lưỡi hái tử thần trong gang tấc. Dẫu là vậy thì những chuyến đò vẫn mải miết, lầm lũi ngược xuôi từng ngày theo con nước sông Hậu.
Bà Năm, chị Hiền chưa từng nghĩ đến ngày lên bờ. Họ vẫn là “phù sa của một đời sông, đêm ngày chở nặng nỗi lòng người đi”. Họ níu giữ, không hẳn vì miếng cơm manh áo, mà nơi này đã quá thân thuộc. Có một thứ gì đó, thật khó để gọi tên.
Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/phong-su/ao-ba-ba-muu-sinh-cho-noi-645721/