Áo bác bỏ cấm vận hoàn toàn với khí đốt của Nga

Ngày 5/4, Chính phủ Áo tuyên bố tiếp tục nhập khẩu khí đốt và dầu mỏ của Nga, bất chấp áp lực ngày càng tăng về việc áp đặt lệnh cấm vận đối với Moskva liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine.

Hệ thống khai thác khí đốt của Nga. Ảnh: TASS/TTXVN

Hệ thống khai thác khí đốt của Nga. Ảnh: TASS/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, trước đó Bộ trưởng Tài chính Áo Magnus Brunner cho biết ông bác bỏ việc áp đặt ngay lập tức lệnh cấm vận đối với năng lượng của Nga.

Tuyên bố trên của ông Magnus Brunner được đưa ra trước cuộc họp của Nhóm các nước khu vực đồng Euro (Eurogroup) tại Luxembourg ngày 4/4.

Ông Brunner cho biết Áo, cũng như Đức, phụ thuộc quá nhiều vào khí đốt của Nga. Mặc dù mục tiêu trung hạn của nước này là sẽ độc lập hơn về năng lượng, nhưng việc ngừng ngay lập tức nhập khẩu năng lượng từ Nga là “phi thực tế”.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Alexander Schallenberg cũng đã lên tiếng phản đối việc áp đặt lệnh cấm vận hoàn toàn khí đốt của Nga, cho rằng các lệnh trừng phạt sẽ là “sai lầm” vào lúc này.

Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Áo Leonore Gewessler tuyên bố nước này sẽ làm mọi cách cần thiết để giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt tự nhiên của Nga.

Tuy nhiên, bà Gewessler cũng phải thừa nhận rằng tình hình của Áo sẽ “cực kỳ khó khăn” so với những nước mua khí đốt khác vì Áo là quốc gia không giáp biển để có thể mở ga cuối tiếp nhận khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và hiện vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào hệ thống đường ống dẫn khí.

Về phần mình, Thủ tướng Áo Karl Nehammer cũng thừa nhận nước này hiện phụ thuộc tới 80% vào nguồn cung khí đốt từ Nga, do đó phương án ngừng nhập khẩu khí đốt hay dầu mỏ từ Nga ở thời điểm này là bất khả thi.

Các biện pháp trừng phạt đã và đang tác động tới nền kinh tế Nga, đặc biệt việc ngừng nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga sẽ dẫn đến thiệt hại đáng kể hơn nhiều không chỉ cho nền kinh tế mà còn gây áp lực lớn hơn cho Tổng thống Nga Vladimir Putin./.

Phương Hoa/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ao-bac-bo-cam-van-hoan-toan-voi-khi-dot-cua-nga/239414.html