Áo blouse trắng giữa vòng xoáy bạo lực

Ngày càng nhiều nhân viên y tế bị tấn công khi đang làm nhiệm vụ, cho thấy môi trường bệnh viện không an toàn, bạo lực y tế trở thành vấn nạn nhức nhối.

Tháng 8/2024, khi đang khám bệnh tại khoa Nhi của một bệnh viện tư nhân ở Đồng Tháp, bác sĩ N.T., 32 tuổi, nhận được cuộc gọi khẩn từ khoa Sản. Anh lập tức rời phòng khám, chạy nhanh đến khu vực phòng sinh.

Tại đây, bé sơ sinh vừa chào đời trong tình trạng nguy kịch: tím tái, không có phản xạ. Nhận thấy tính mạng trẻ bị đe dọa, bác sĩ T. lập tức đặt nội khí quản để cấp cứu và ổn định đường thở cho bé.

Hoàn tất can thiệp khẩn cấp, anh bình tĩnh giải thích tình trạng cho gia đình sản phụ, đồng thời đề xuất chuyển viện ngay lập tức để bé được chăm sóc tích cực hơn ở tuyến trên. Tuy nhiên, người cha phản ứng dữ dội, lớn tiếng chỉ trích bác sĩ và cáo buộc bệnh viện tắc trách khiến con ông rơi vào cảnh hiểm nghèo.

Người đàn ông bỏ ra ngoài, rồi quay lại với một chiếc kéo trên tay, định tấn công bác sĩ giữa phòng sinh. May mắn, hành động hung hãn của người cha được các nhân viên y tế và một số người nhà can ngăn kịp thời. Dù vậy, ông này vẫn không ngừng buông lời đe dọa: "Nếu con tôi có mệnh hệ gì, tôi sẽ quay lại xử lý".

Giữa khung cảnh hỗn loạn, bác sĩ T. cố gắng giữ bình tĩnh, tiếp tục làm công tác tâm lý với gia đình và phối hợp cùng đội ngũ đưa bé sơ sinh chuyển viện an toàn.

Khu vực cấp cứu tại một bệnh viện tuyến trung ương. (Ảnh: Như Loan)

Khu vực cấp cứu tại một bệnh viện tuyến trung ương. (Ảnh: Như Loan)

Hành hung nhân viên y tế không còn cá biệt

Từ cuối năm 2023 đến nay, nhiều vụ hành hung bác sĩ, điều dưỡng tiếp tục gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng mất an toàn trong môi trường y tế. Ngày 22/11/2023, tại Bệnh viện Quận 7 (TP.HCM), một bác sĩ bị đánh vào mặt ngay khi đang chuẩn bị khâu vết thương cho bệnh nhân. Chỉ hai tuần sau, cũng tại đây, một nhân viên y tế khác bị người nhà bệnh nhân say rượu đạp mạnh vào lưng trong lúc cấp cứu.

Tháng 7 và 8/2022, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) chứng kiến hai vụ tấn công liên tiếp: Bác sĩ bị bóp cổ khi đang gắp xương cá cho trẻ em và một nhân viên y tế khác bị đâm bằng vật nhọn tại khoa cấp cứu.

Gần đây, trong tháng 3/2025, bác sĩ tại khoa cấp cứu Trung tâm Y tế huyện Chư Sê (Gia Lai) bị đánh đến mức hoảng loạn tinh thần. Ngày 25/4, tại Trung tâm Y tế Thanh Ba (Phú Thọ), một nhóm bác sĩ bị xô đẩy khi đang cấp cứu bệnh nhi. Đầu tháng 5, một nhân viên tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định bị đấm vào mặt bởi người nhà bệnh nhân có biểu hiện mất kiểm soát.

Khảo sát của Bộ Y tế từng ghi nhận từ năm 2010 đến 2017 xảy ra 26 vụ phá rối nghiêm trọng trong bệnh viện. Nhiều bác sĩ bị thương tật vĩnh viễn, thậm chí có người không qua khỏi. Trong các vụ việc này, bác sĩ chiếm 70% số nạn nhân, điều dưỡng chiếm khoảng 15%.

Căng thẳng dồn nén và sự thiếu hụt từ hai phía

Theo Tiến sĩ Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), mỗi năm, hệ thống y tế tiếp nhận khoảng 200 triệu lượt khám chữa bệnh – tức mỗi ngày có tới hàng triệu bệnh nhân được xử lý. Trong khi đó, nhân lực và hạ tầng không đủ để đáp ứng, khiến nhân viên y tế thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải.

Người bệnh mong được khám nhanh, điều trị kỹ, nhưng thực tế không phải lúc nào cũng đáp ứng được kỳ vọng ấy. Sự bức xúc của thân nhân và áp lực nghề nghiệp của nhân viên y tế có thể dễ dàng bùng phát thành hành vi bạo lực.

Tuy nhiên, không phải mọi mâu thuẫn đều xuất phát từ người nhà bệnh nhân. PGS.TS Vũ Xuân Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, chỉ ra rằng trong nhiều tình huống, chính sự thiếu tinh tế trong giao tiếp, cách giải thích không thấu đáo từ phía nhân viên y tế đã góp phần đẩy sự việc đi xa.

Dù quy trình chuyên môn đúng, nhưng nếu không truyền đạt khéo léo, người nhà bệnh nhân có thể hiểu lầm rằng người thân của họ bị chậm trễ hoặc bỏ mặc.

Tiến sĩ Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế).

Tiến sĩ Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế).

Siết an ninh, nâng ứng xử

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng điều cần thiết lúc này là đạo luật riêng về chống bạo hành nhân viên y tế.

Ông đề xuất luật cần quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn của đội bảo vệ bệnh viện, điều khoản về tăng nặng khi quay, phát tán hình ảnh y bác sĩ mà chưa được phép, và quan trọng nhất là quy định chi tiết các hành vi xâm phạm thể chất, tinh thần nhân viên y tế trong mọi tình huống khám chữa bệnh.

“Ngành y tế xứng đáng có hành lang pháp lý đủ mạnh để bảo vệ đội ngũ của mình. Khi người thầy thuốc được yên tâm làm nghề, người bệnh mới thực sự được chăm sóc toàn diện”, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nói.

Bộ Y tế mới đây yêu cầu tất cả cơ sở khám chữa bệnh khẩn trương rà soát và tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn. Các bệnh viện cần xây dựng phương án phòng ngừa gây rối, lắp camera tại các khu vực trọng yếu như khoa khám bệnh, phòng cấp cứu, hành lang, phòng trực… Đồng thời, bố trí nhân sự bảo vệ trực 24/7 để kịp thời xử lý mọi tình huống phát sinh.

Nhân viên y tế cần được đào tạo thường xuyên về kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống, đồng thời nâng cao hiểu biết pháp luật và quy tắc ứng xử. Những trường hợp vi phạm chuyên môn hay thiếu chuẩn mực cũng sẽ bị xử lý nghiêm để không làm tổn hại hình ảnh ngành.

Như Loan

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/ao-blouse-trang-giua-vong-xoay-bao-luc-ar943337.html