Áo bóng đá bị cướp

Người hâm mộ nhận thấy chiếc áo bóng đá đang trở thành món đồ có thể giúp các nhà mốt thu về khoản tiền lớn.

“Những người hâm mộ bóng đá đang chú ý đến một vụ ‘cướp’. Ngày nay, chiếc áo bóng đá đã vượt ra ngoài sân vận động”, tạp chí GQ bình luận. Nó được mặc bởi nhiều người nổi tiếng và liên tục xuất hiện trên sàn catwalk. Chiếc áo vốn được mặc bởi cầu thủ, người hâm mộ bóng đá giờ trở thành món đồ thời trang. World Cup sắp bắt đầu và đây là thời điểm lý tưởng để chiếc áo bóng đá bùng nổ.

Không phải fan vẫn “bám trend”

Tại các buổi trình diễn Xuân - Hè 2023, nhiều bản sao của áo bóng đá đã được Burberry, Barragan và Ahluwalia biến tấu đa dạng. Món đồ này cũng được xem là yếu tố chủ chốt trong cuộc hợp tác giữa Palace với Gucci. Tên thương hiệu được in dạng chữ khối, trên nền những quả dâu tây cỡ lớn. AC Milan với Koche và Puma đã hợp tác, cho ra mắt những mẫu áo sơ mi dựa trên chiếc áo đấu cũ có cổ.

Một trong những sự hợp tác được chú ý nhất mùa này là Ajax với adidas và thương hiệu thời trang dạo phố nổi tiếng của Hà Lan - Daily Paper.

Nigo - Giám đốc sáng tạo mới được bổ nhiệm tại Kenzo - hợp tác với Hiệp hội bóng đá Nhật Bản (JFA) và adidas để thiết kế trang phục cho đội tuyển quốc gia Nhật Bản vào dịp World Cup sắp diễn ra. Nó được kết hợp giữa màu hồng, xanh lá cây phù hợp với sắc hoa anh đào và “Sakuramochi” (loại bánh kẹo theo mùa được người dân Nhật Bản yêu thích). Theo Highsnobiety, các thiết kế này chỉ được dùng cho các trận đấu giao hữu.

 Nhiều thương hiệu thời trang đang tạo ra các mẫu áo bóng đá có sự kết hợp màu sắc, hình ảnh bắt mắt. Ảnh: GQ.

Nhiều thương hiệu thời trang đang tạo ra các mẫu áo bóng đá có sự kết hợp màu sắc, hình ảnh bắt mắt. Ảnh: GQ.

Một minh chứng rõ nhất cho thấy áo bóng đá đang được săn lùng là thiết kế của KidSuper có màu hồng bubblegum cháy hàng khi chỉ mới ra mắt bốn ngày.

Ý tưởng về chiếc áo bóng đá được dùng làm món đồ thời trang cũng đã xuất hiện một thời gian. Từ lâu, có những chiếc áo trở thành biểu tượng. Kể cả không thích bóng đá, nhiều người vẫn muốn mặc nó. Ví dụ chiếc áo bóng đá màu "chuối thâm" được Arsenal sử dụng trong những năm 1990.

Sau này, vào năm 2019, một mẫu áo lấy cảm hứng từ nó cũng được cho ra mắt và gây nhiều chú ý. Hay bộ quần áo vàng xanh của Brazil cũng có thể xếp vào hàng "kinh điển". Chúng vượt qua ranh giới sân cỏ và xuất hiện bên ngoài đường phố như món đồ thời trang.

Thực tế, nhiều người dễ nhận thấy các thiết kế này không liên quan đến những gì đang xảy ra trên sân. Chính Martine Rose - nhà thiết kế nổi tiếng ở London (Anh) đứng sau chiếc áo lấy cảm hứng từ bóng đá bán chạy nhất - thừa nhận bản thân không phải là một người hâm mộ bóng đá. Thay vào đó, nhà thiết kế đã nói với Vice: “Tôi được truyền cảm hứng từ các nhân vật trong nền văn hóa đó”.

Cô cho rằng không chỉ những vận động viên trượt băng mới có thể mặc những bộ váy lấp lánh, cho thấy sự bay bổng. Bên cạnh đó, việc vận động viên trượt băng mặc đồ theo phong cách preppy và punk tạo nên nét mới mẻ và thu hút giới trẻ hơn. Rose nhận thấy giữa văn hóa hâm mộ bóng đá và thời trang tồn tại “hàng rào” vững chắc hơn. Tuy nhiên, với sự phát triển của nhiều nền tảng, ranh giới đó ngày càng mờ nhạt.

Người không yêu bóng đá nên chú ý gì khi mặc?

Ngày nay, những chiếc áo bóng đá được cho là phù hợp với xu hướng blokecore. Qua các video ngắn, nhiều người trẻ thể hiện khả năng phối áo bóng đá theo nhiều phong cách khác nhau, mang đến sự hoài niệm những năm 1990 đang “làm mưa làm gió”.

Bên cạnh đó, sự xuất hiện dày đặc của người mẫu trong những kiểu áo bóng đá cũng tạo nên sức ảnh hưởng lớn. Các cầu thủ bóng đá dần ăn mặc đẹp hơn trong những năm gần đây. GQ nhận định điều này đã mang lại hiệu ứng “hào quang” cho áo bóng đá. Các ngôi sao sân cỏ thường tuân theo công thức nguyên mẫu là kết hợp với quần jeans rách, túi xách Gucci. Hector Bellerin, Serge Gnabry có sự đổi mới khi mang đến hơi thở những năm 1980.

 Chiếc áo của đội tuyển Nhật Bản cho dịp World Cup 2022. Ảnh: GQ.

Chiếc áo của đội tuyển Nhật Bản cho dịp World Cup 2022. Ảnh: GQ.

Việc những người hoạt động trong giới giải trí lăng xê áo bóng đá cũng giúp xu hướng này đến gần với khán giả hơn. Nói về phong cách này, các tạp chí thời trang nhận xét Drake đang dẫn đầu. Anh đã mặc áo của các câu lạc bộ Liverpool, Chelsea và Juventus. Chalamet là một người hâm mộ Chelsea. Anh đã đội mũ có logo để chứng minh điều đó. Với Stormzy - cổ động viên của Man United - đã mặc áo đấu của Newcastle trong một buổi biểu diễn vào đầu năm nay.

Thực tế, bóng đá ngày càng trở nên phổ biến. Mọi người có thể mặc chiếc áo bóng đá chỉ đơn giản vì nó đẹp, trong khi họ chẳng yêu thích bộ môn này. Hay cũng có người mua cả áo của đội đối thủ để mặc chỉ vì thiết kế bắt mắt. Mọi thứ đều được chấp nhận trên khía cạnh thời trang. Tuy nhiên, GQ khuyên người mặc hãy nhớ có những quy tắc cơ bản không bao giờ được phạm phải.

Bóng đá là sự ganh đua và đôi khi kéo theo những cuộc ẩu đả giữa người hâm mộ. Dù áo đấu của Manchester City đẹp, đừng mặc nó đến sân Old Trafford của Manchester United nếu không muốn gặp rắc rối. "Suy cho cùng, thời trang chỉ là một yếu tố và bộ phận mặc áo bóng đá nhiều nhất vẫn là những người hâm mộ", cây bút Lauren Cochrane kết luận.

Dĩ An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ao-bong-da-bi-cuop-post1371715.html