Ao 'chết' giữa nội thành

Trong số 3.165 ao, hồ nằm trong danh mục không được san lấp vừa được UBND TP Hà Nội phê duyệt, các quận nội thành, nơi có mật độ dân số tập trung cao lại sở hữu ít ao, hồ nhất. Giữa 'cơn lốc' phát triển, những ao, hồ còn sót lại trở thành cứu cánh cho người dân, điều hòa không khí và làm đẹp cảnh quan sống. Vì thế, tận mắt chứng kiến ao Láng (quận Tây Hồ) nhiều năm nay cạn khô, trở thành bãi hoang, nhiều người dân sống xung quanh không khỏi xót xa.

Theo quy hoạch quận Tây Hồ trong chương trình phát triển TP Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn chiến lược đến năm 2050, quận Tây Hồ được xác định là trung tâm dịch vụ - du lịch, văn hóa, là vùng bảo vệ cảnh quan thiên nhiên của Thủ đô Hà Nội, khai thác tối đa các quỹ đất nông nghiệp, đất trống dành cho cây xanh để tôn tạo cảnh quan cho khu vực hồ Tây.

Ao Láng vốn có chức năng trồng hoa sen giờ biến thành bãi đất hoang cạn trơ đáy.

Ao Láng vốn có chức năng trồng hoa sen giờ biến thành bãi đất hoang cạn trơ đáy.

Theo đó, Tây Hồ sẽ chú trọng đến sự cân đối, hài hòa trong việc phát triển hệ thống giao thông, các công trình với sự bảo tồn vẹn nguyên các giá trị thiên nhiên và văn hóa lịch sử. Nhìn vào quy hoạch để thấy, không gian sống thoáng đáng, chú trọng cảnh quan thiên nhiên được coi là giá trị ưu việt của quận Tây Hồ. Và trong danh mục ao, hồ không được phép san lấp của Hà Nội, quận Tây Hồ sở hữu 18 ao, hồ.

Điều đáng nói, bên cạnh những hành vi lấn chiếm, san lấp ao hồ bị lên án, và đã được xử lý, trả lại cảnh quan cho Hồ Tây, ít ai biết, ở phường Quảng An còn một ao rộng là ao Láng, với chức năng trồng hoa sen nằm ngay ở vị trí đắc địa giữa góc cắt phố Xuân Diệu với phố Tô Ngọc Vân. Tuy nhiên, dù nằm trong danh mục không được san lấp nhưng nhiều năm nay, ao Láng cạn nước, thành bãi hoang, với những thân cây dại cao lút đầu người. Nhìn từ trên đường Xuân Diệu xuống, không ai nhận ra đây là một cái ao với diện tích gần 7.000m2.

Thậm chí, người dân xung quanh đã trồng chuối, và xuất hiện những lán tạm dưới ao không biết được dựng lên với mục đích gì. Chị Hà, một người dân sống lâu năm ở Quảng An cho biết, trước kia, khoảng gần chục năm trước, nơi đây vẫn là một ao rất đẹp của Quảng An. Thế nhưng, chừng vài năm trở lại đây, từ khi khách sạn sát ao được xây lên, không hiểu sao ao cứ ngày một cạn dần, đến nay đã trở thành một bãi đất hoang hóa.

“Không hiểu tại sao tự nhiên ao lại cạn nước. Trong khi ao Láng còn có cống thông với một ao khác ngay bên kia đường. Chúng tôi thấy rất kỳ lạ, không hiểu sao ao lại không còn nước như vậy. Chỉ đến khi vào mùa mưa mới có một ít nước không đáng kể, ở chỗ trũng nhất của ao mà thôi”, chị Hà cho biết. Phía ao tiếp giáp với đường Xuân Diệu được kè nhưng bên dưới lại rất nhiều đất được đổ mới vào, và trên phần đất đó “mọc” lên rất nhiều cây chuối.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trên giấy tờ ao Láng chính thức thuộc tổ 7, phường Quảng An có diện tích 6985,2m2; dung tích 13970m3. Đi tìm câu trả lời, chúng tôi đã tìm đến gặp ông Nguyễn Danh Thụ, Phó Chủ tịch Phường Quảng An. Ông Thụ cho biết, trên địa bàn phường Quảng An có 11 ao, hồ. Ngoài ra còn có ao Dệt Lụa ngay trên đường Đặng Thai Mai.

Theo quy hoạch mới của thành phố, ao này sẽ nằm ở tim đường, khả năng sẽ không còn, nên không đưa vào danh mục cấm san lấp. Đưa ra câu hỏi trực tiếp về vấn đề tại sao ao Láng không còn nước, nhìn gần như bị san lấp hết mặt hồ, mà vẫn nằm trong danh mục mới được ban hành? Phó Chủ tịch phường Quảng An khẳng định: “Ao Láng không có dấu hiệu lấn chiếm vì các nhà dân xung quanh đã tự làm tường bao. Còn phần đất mà mọi người đi qua nhìn thấy chỉ là do đơn vị thi công đường đổ đất để dựng vách đất bê tông, phục vụ thi công đường.

Cụ thể là Ban Quản lý dự án Tây Hồ thực hiện dự án”. Thế nhưng, vị này cũng thừa nhận, trước kia ao này rất sâu, có cống thông ra hồ đối diện bên đường. Ông Thụ cũng cho biết, không hiểu sao ao lại cạn sạch nước, cây cối mọc um tùm không nhìn ra hình hài của chiếc ao nữa. Phó Chủ tịch phường Quảng An thông tin thêm, do lịch sử để lại nên dù hồ cạn thì vẫn phải đưa vào danh sách quản lý của phường.

“Còn việc vì sao đất mới san phục vụ làm vách kè bê tông mà lại có nhiều cây chuối được trồng trên đó là do người dân sồng gần đó cố tình trồng. Phường đã nhắc nhở nhưng người dân chưa chấm dứt tình trạng này”, ông Thụ nói. Nói về giải pháp thời gian tới, ông Thụ cho rằng, về lâu dài sẽ kiến nghị quận lập dự án chỉnh trang. Còn trước mắt sẽ cho người phát quang cây.

Dư luận mong rằng, ao Láng sẽ sớm được chỉnh trang, có phương án cấp nước để ao được “hồi sinh”. Vì với tình trạng hiện nay, nhiều người lo ngại từ “ao chết” sẽ trở thành nơi lấn chiếm, sử dụng ao với mục đích khác như ao Thùy Dương trước đây hoặc ngay cả Hồ Tây, cũng từng bị lấn chiếm nhiều năm.

Huyền Yến

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/xa-hoi/ao-chet-giua-noi-thanh-i694490/