Áo dài của mẹ

Hồi còn làm công nhân xây dựng, thường ngày mẹ tôi hay mặc bộ quần áo bảo hộ màu xanh do công ty cấp phát. Bộ quần áo đã bạc màu sương gió bởi mấy chục năm mẹ gắn bó với nắng mưa, bụi khói công trường khắp miền Bắc - Trung - Nam.

Sau khi thoát ly, cuộc đời của mẹ là những chuyến đi xa. Đôi chân mẹ đến những công trường thủy điện miền Tây Bắc, những nhà máy đang xây dựng ở miền Trung và Tây Nguyên đại ngàn...

Trên những miền đất ấy, những cánh hoa ban khoe sắc bên dòng suối, những chiếc cọn nước xối lên nhịp chày giã gạo. Bầu trời trong xanh nắng như nhuộm vàng bãi cát bên bờ biển xanh, trái cà phê chín trên thềm đất bazan rực đỏ... Nhưng mẹ không có thời gian ngắm nhìn cảnh sắc tươi đẹp ấy bởi tối ngày còn bận rộn với công việc.

Ngoài thời gian làm việc ở công trường, mẹ còn tất bật cùng vườn rau cuốc xới từ miếng đất bỏ hoang ngổn ngang sỏi đá, rậm rạp cỏ cây. Sau quãng thời gian tảo tần của mẹ, mảnh đất cằn cỗi ấy thay đổi thành mảnh vườn vuông vức với đủ các loại rau và cây trái. Mẹ tận dụng không gian phía sau gian nhà tập thể chật hẹp để cơi nới thành chuồng lợn, chuồng gà.

 Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Mẹ là công nhân nhưng lam lũ như một người nông dân. Bởi từ nhỏ bàn tay mẹ đã quen với tính nết chịu thương, chịu khó của ông bà ngoại.

Mẹ thường bận rộn với công việc nên không có thời gian mặc những bộ quần áo đẹp. Ngay cả lúc đi chợ, những cô bác hàng xóm chưng diện bộ quần áo mới thì mẹ vẫn đến chợ cùng bộ quần áo bám mồ hôi, bụi khói. Chỉ khi trời tối mịt làm xong mọi công việc thì mẹ mới thay bộ quần áo mặc ở nhà đã cũ.

Trong tủ quần áo của mẹ chỉ duy nhất bộ quần áo dài truyền thống là còn mới bởi mẹ không có nhiều thời gian để mặc. Chiếc áo dài màu xanh da trời thêu hình bông hoa sen, mẹ may để dự tiệc cưới đồng nghiệp. Đến khi con trai của cô chú ấy đã hai tuổi mà mẹ chưa có dịp mặc lại chiếc áo dài.

Mẹ thường chọn mặc áo dài trong dịp đặc biệt để che đi những vết sẹo loang lổ trên đôi chân của mình. Đó là vết bỏng hơi từ nồi rượu mẹ nấu trong đêm khi còn mang bầu em gái tôi. Vết bỏng tạo thành vệt sần sùi, lồi lõm mang sắc màu đen, đỏ, trắng loang khắp đôi chân mẹ. Hồi nhỏ, tôi thường sợ hãi khi nhìn vết sẹo ấy. Nhưng lớn lên hiểu được mẹ vì gia đình mà vất vả. Tôi thường chọn mua tặng mẹ những bộ quần áo có thể che vết “khắc dấu” vất vả trên da thịt mẹ.

Giờ đây, mẹ đã nghỉ hưu sau mấy chục năm làm việc với nắng mưa công trường khắp các vùng miền. Mẹ chọn về quê ngoại để gia đình tôi được sống những ngày bình yên. Trên quê hương, mẹ vẫn bận rộn với việc chăm sóc vườn cây, đàn gà... Nhưng mẹ đã có thêm thời gian để mặc chiếc áo dài truyền thống. Đó là những hôm mẹ dự lễ thượng thọ của chị gái hay đi ăn hỏi đứa cháu họ.

Năm nay, tôi mua tặng mẹ một chiếc áo dài mới. Tôi thấy mẹ mặc áo dài vẫn duyên dáng như thuở nào đi dự đám cưới đồng nghiệp, dù thời gian đã mang đi những thanh xuân trên gương mặt mẹ. Mẹ bảo rằng, ngày lễ vu lan năm nay sẽ mặc chiếc áo dài tôi tặng đến chùa làng. Mẹ sẽ cài lên ngực áo bông hồng trắng để tưởng nhớ đấng sinh thành, cả cuộc đời vì gia đình hy sinh vất vả để cho mẹ và con cháu cuộc sống tươi đẹp hôm nay.

Kiều Xuân Quỳnh

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/ao-dai-cua-me-post389267.html