Áo dài - khát vọng và thông điệp hòa bình
Tôi yêu áo dài tha thiết nhưng theo cách riêng của mình. Dù ương bướng nhưng khi vừa bước vào lớp 6 Trường nữ Gia Long, tôi vẫn tuân theo cách đi lại, đứng ngồi khi mặc áo dài, rồi quen dần, rồi yêu mến áo dài tự lúc nào không rõ. Ra nước ngoài học tập, áo dài vẫn theo tôi trong từng 'trận chiến' thi văn nghệ với sinh viên các nước, bảo vệ luận văn tốt nghiệp, nhận bằng cử nhân…
Làm nghề bảo tàng suốt một đời, áo dài vẫn là bạn đồng hành thủy chung của tôi, đặc biệt là trong những chuyến đi diễn thuyết, hội thảo quốc tế. Tôi không chọn áo dài để làm mình đẹp; tôi chọn cách cố gắng thành công để làm cho áo dài đẹp hơn…
Năm 2014, triển lãm “Áo dài phụ nữ Việt Nam đi qua khói lửa chiến tranh” ở Công viên Văn hóa Đầm Sen thu hút khá đông khách. Nhiều người xúc động khi hiểu ra áo dài đã phải chịu đựng quá nhiều thử thách trong chiến tranh để có được ngày hôm nay. Và từ đó, chúng tôi lặn lội khắp cả nước như Bắc Giang, Phú Thọ, Hải Dương, Huế, Tiền Giang… để tìm về những chiếc áo dài quý báu của các nghệ nhân di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại: quan họ, hát xoan, ca trù, nhã nhạc cung đình Huế, đờn ca tài tử…, tìm mọi cách để trưng bày, giới thiệu với công chúng nhân Lễ hội Áo dài hàng năm. Ngoài các bộ sưu tập áo dài thời trang của các nhà thiết kế nổi tiếng, chúng tôi đã góp ý để Lễ hội Áo dài trình diễn quan họ, ví giặm, đờn ca tài tử, những di sản văn hóa gắn bó với áo dài.
Mỗi năm, cứ đến Lễ hội Áo dài, tôi vẫn thường nghe các phóng viên báo đài hỏi: “Lễ hội năm nay có gì mới?”. Nhưng có lẽ vì vốn làm nghề bảo tàng nên tôi quý cái cũ hơn chăng? Niềm vui của chị em xúng xính áo dài, tụ tập ở phố đi bộ Nguyễn Huệ múa tập thể, diễu hành tưởng như chẳng mới nhưng thực sự luôn là một niềm hạnh phúc, đặc biệt là sau 2 năm thành phố và cả nước gồng mình chống dịch. Được mặc áo dài cùng hàng ngàn chị em xuống phố bỗng trở thành một niềm tự hào, một động lực mới mẻ.
Từ nhiều năm qua, không chỉ tôi mà những người yêu mến áo dài Việt Nam luôn ao ước được nhìn thấy bên cạnh các nhà thiết kế lừng danh là những cô chú thợ may vô danh, mộc mạc, quê mùa mấy chục năm gò lưng làm nên những tà áo dài thướt tha, duyên dáng. Tôi đã ngạc nhiên nhưng rồi đồng ý với ông Kenji Fujji, Giám đốc Công ty Nihonwasou (đang may gia công kimono Nhật Bản tại TPHCM) khi ông nói: “Chính nhờ người thợ Việt Nam khéo léo khi may áo dài đã góp phần giúp chúng tôi bảo tồn luôn cả kimono”. Đúng là những người thợ lặng lẽ ấy xứng đáng được tôn vinh, dù chỉ một lần.
Tôi và những người yêu mến áo dài Việt Nam vẫn ước mơ thật nhiều về một Lễ hội Áo dài của 50 năm Việt Nam độc lập, tự do, hòa bình. Chúng tôi ước mơ về một đoàn diễu hành dẫn đầu bởi lớp trẻ, nam có, nữ có, trong tà áo dài màu xanh hòa bình, tay vẫy những lá cờ của tất cả các nước trên thế giới.
Áo dài là trang phục của dân tộc Việt Nam, một dân tộc yêu hòa bình và luôn góp phần giữ gìn hòa bình thế giới. Lễ hội Áo dài không chỉ là sản phẩm của TPHCM, của Việt Nam mà còn là khát vọng, là thông điệp của người Việt Nam gửi đến bạn bè quốc tế: “Chúng tôi yêu áo dài Việt Nam và chúng tôi yêu hòa bình!”.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ao-dai-khat-vong-va-thong-diep-hoa-binh-post681235.html