Áo dài màu chàm của dân tộc Tày

Không cầu kỳ, nhiều màu sắc và họa tiết hoa văn như các bộ trang phục dân tộc khác, áo dài chàm truyền thống của phụ nữ dân tộc Tày gần như chỉ có một màu chàm đơn giản. Bộ áo dài đó là biểu tượng của phụ nữ Tày với những giá trị nhân văn mang vẻ đẹp nữ tính thuần hậu và giản dị, hiền lành của người miền núi.

Là một trong những dân tộc sinh sống lâu đời và đông nhất ở Hà Giang, người dân tộc Tày sinh sống hài hòa, đoàn kết cùng các dân tộc anh em trên mảnh đất biên cương, từng ngày vẫn giữ những giá trị văn hóa riêng lưu truyền đến ngày hôm nay. Màu chàm đã trở thành một phần tạo nên biểu tượng của dân tộc Tày, những tà áo chàm đơn sơ nhưng bền bỉ đã góp phần cùng các dân tộc anh em làm nên mang màu đa sắc trên mảnh đất Hà Giang.

Phụ nữ Tày thôn Lúp, xã Phương Độ (thành phố Hà Giang) mặc áo dài dân tộc trong ngày lễ 8.3

Phụ nữ Tày thôn Lúp, xã Phương Độ (thành phố Hà Giang) mặc áo dài dân tộc trong ngày lễ 8.3

Áo dài truyền thống của phụ nữ Tày được nhuộm màu chàm tự nhiên theo phương thức cổ truyền. Áo có phần váy, phần thân xẻ tà chít eo tương tự như áo dài của người Kinh, người Tày cũng cài khuy ngang ở một bên nách. Các hạt khuy bấm ngày trước đây có thể làm bằng đồng, nhôm hoặc bạc. Đặc biệt ở một số vùng như Phương Độ (thành phố Hà Giang), Phương Tiến (Vị Xuyên) phụ nữ Tày có một áo ngắn tay mặc bên trong được may cầu kỳ với các hàng khuy ngang từ cổ áo xuống chiếc áo cộc tay này giúp tôn dáng cho họ khi mặc áo dài truyền thống. Khăn chàm và thắt lưng ngũ sắc là những phụ kiện đi kèm với áo dài chàm phụ nữ. Thắt lưng thường có nhiều màu tua rua hai đầu được dệt cầu kỳ với nhiều hoa văn mang nét riêng của dân tộc là thứ sặc sỡ nhất trong bộ trang phục Tày. Trước đây phụ nữ Tày thường dùng dây thắt lưng này để chít eo và đeo dao gài sau lưng khi mặc váy trong các dịp lễ, Tết quan trọng hoặc lao động bình thường.

Các cô gái Tày khi biết thêu thường sẽ được các mẹ, các chị truyền dạy nghề hái và nhuộm chàm của dân tộc. Những cây chàm được mang từ rừng về ủ với nước tro bếp cùng các phụ gia khác sẽ giúp những tẩm vải trắng được đổi thành màu chàm truyền thống của dân tộc. Sau khi nhuộm vải, may áo xong các cô gái Tầy sẽ học đan dệt dây thắt lưng từ sợi chỉ màu, chọn ngày đẹp để thợ chế tác vòng tay, kiềng bạc để làm trang sức đi kèm. Hoa tai, vòng bạc, kiềng thường là vật gia truyền, là của hồi môn mẹ dành lại cho con gái trong ngày trọng đại. Đây là những trang sức tuy đơn giản nhưng không thể thiếu của người phụ nữ Tày, màu trắng của bạc khi đeo cùng áo dài chàm sẽ làm tôn lên bộ trang phục truyền thống và nước da của phụ nữ miền sơn cước.

Ngày nay cùng xu thế phát triển của thời đại, bộ áo váy truyền thống của dân tộc dần ít xuất hiện trong đời sống thường ngày của người Tày. Những dịp lễ, Tết quan trong và đặc biệt trong đám cưới của người dân tộc Tày màu áo chàm vẫn được các cô gái Tày chọn để mặc trong ngày lễ quan trọng của mình. Bên cạnh đó, các tổ, nhóm sinh hoạt văn nghệ dân gian ở các địa phương bên cạnh truyền dạy và khôi phục các làn điệu hát Then, cọi của dân tộc thì áo dài chàm với cây đàn Tính cũng được xuất hiện trở lại nhiều hơn trên các sân khấu và chương trình phục vụ du khách tham quan các điểm du lịch.

Hình ảnh áo chàm với màu sắc bền bỉ khó phai trong hai câu thơ Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu:

Áo chàm đưa buổi phân ly

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay...

Màu chàm của dân tộc đã đi vào thơ ca như một biểu tượng của tình đoàn kết dân tộc của người miền núi với miền xuôi trong thời kỳ kháng chiến. Ngày nay, với những giá trị nhân văn sắc màu chàm của dân tộc Tày dù đơn giản không phô trương nhưng càng tôn lên vẻ đẹp hiền hòa, chịu khó, hiếu khách của phụ nữ Tày vùng cao. Cùng với cây đàn Tính, màu áo chàm vẫn đủ sức gợi tạo nên vẻ đẹp riêng đáng tự hào của cộng đồng người Tày trên khắp mọi miền.

Trọng Toan/Báo Hà Giang

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/ao-dai-mau-cham-cua-dan-toc-tay-217324.htm