“Trang phục phản ánh lịch sử, như vậy sẽ phản ánh cả văn hóa".
Nhưng, có thể hiểu thế nào là áo dài cổ? Hay nói đúng hơn là áo ngũ thân cổ đứng khuy cài?
Xu hướng tìm về nguyên bản của chiếc áo dài ngũ thân đang được mọi người yêu chuộng.
Hiện nay nếu tìm hiểu thông tin về cấu tạo của chiếc áo dài thì miêu tả phổ biến nhất được cung cấp là “áo dài được may vừa vặn, ôm sát thân của người mặc, chiết eo”, “có 2 tà (vạt - thân) trước và sau, tà áo dài quá gối”, “tay áo tính từ vai, may ôm sát cánh tay”, “cúc áo là cúc bấm”…
Những miêu tả trên không sai nhưng chưa đủ, bởi nó chỉ là miêu tả cấu tạo của loại áo dài cách tân hai thân mới xuất hiện từ những năm 30 của thế kỷ XX, vốn chịu ảnh hưởng của xu hướng thời trang Âu hóa đương thời.
Trong khi đó, áo dài đã có một lịch sử thăng trầm biến đổi hơn 300 năm, diện mạo và kết cấu của chiếc áo dài cổ truyền – mà cụ thể hơn là chiếc áo dài ngũ thân cố đứng - có sự khác biệt khá lớn với chiếc áo cách tân ta biết hiện nay.
Điểm khác biệt đầu tiên dễ nhận ra nhất là áo ngũ thân có phần thân áo rất rộng, không chiết eo và thân áo càng lượn xuống thì càng rộng. Khi trải chiếc áo ngũ thân ra, tà áo tạo ra một đường cong (sa tà). Đặc điểm tiếp theo là áo dài ngũ thân được cấu tạo với năm thân áo may ráp lại với nhau theo chiều dọc, hai thân trước và sau được may liền lại theo đường sống áo ở chính giữa, phía trước phần bên phải là thân kép, bên trong có một “thân con”, được tính là thân áo thứ năm. Bởi cấu tạo trên mà khi ta quan sát chiếc áo dài được may theo dáng cổ, sẽ dễ dàng thấy được một đường may thẳng chính giữa thân áo này.
Nếu như ở áo dài cách tân hai thân, tà áo có thể dài quá gối hoặc gần chấm gót, thì tà của áo dài ngũ thân chỉ dài chạm gối hoặc hơi quá gối.
Tay áo ngũ thân không được ráp trực tiếp vào bả vai như thường thấy mà được may nhờ vào phần vải dùng để làm thân áo, kéo dài tới nửa cánh tay, sau đó mới dùng một phần vải khác nối vào làm ống tay áo.
Do đó, nách áo rất rộng, chỉ bó lại ở phần cổ tay, trái với nách áo cách tân bó sát giúp người mặc cảm thấy thoải mái khi vận động.
Về khuy áo, áo ngũ thân chỉ sử dụng khuy cài chứ không dùng khuy bấm.
Có một thời, vào những năm 30 của thế kỷ XX, những chiếc khuy bấm trên áo dài cách tân nói riêng và các loại áo “tân thời” nói chung đã khiến lớp người đi trước không hài lòng vì cho rằng những chiếc khuy bấm dễ bung đó là một biểu hiện của sự thiếu đứng đắn, lai căng, xa rời truyền thống. Cuối cùng, chất liệu và màu sắc trên áo ngũ thân được phân biệt dựa theo tầng lớp trong xã hội. Đối với tầng lớp bình dân, chất liệu may áo chủ yếu là đũi, màu sắc đi theo tông trầm như nâu, đen.
Ngược lại, với tầng lớp cao trong xã hội như quý tộc, quan lại, tông thất… Chất liệu được sử dụng là các loại vải cao cấp như gấm, sa, đoạn, lụa với các họa tiết thêu, dệt tinh tế, màu sắc đa dạng thay đổi theo địa vị, đi kèm các phụ kiện như kim bài, kim khánh.
Ngày nay, đi cùng với làn sóng khôi phục văn hóa cổ truyền, những chiếc áo ngũ thân vốn được dùng cho tầng lớp tinh hoa xưa đã được phổ biến rộng rãi cho nhiều đối tượng hơn nhờ vào bối cảnh xã hội cởi mở, đổi mới./.
CTV Lê Huy Hoàng Hải/VOV.VN