Áo dài thổ cẩm: Xu hướng thời trang mới

Áo dài là trang phục truyền thống của người Việt, thường được sử dụng trong các nghi lễ long trọng. Bên cạnh áo dài truyền thống, chiếc áo dài thổ cẩm hiện rất được giới trẻ ưa thích.

Chiếc áo dài tôn vẻ đẹp duyên dáng, sang trọng của phụ nữ Việt Nam. Nếu áo dài đồng phục tạo gam màu đồng điệu thì áo dài cách tân làm nên bức tranh đa màu sắc. Trong đó, áo dài thổ cẩm khai thác chất liệu, hoa văn, màu sắc từ trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số. Loại trang phục này mang biểu tượng, bản sắc tộc người. Đây không chỉ thuần túy về thẩm mỹ mà còn chứa đựng thông tin về nhân học, di sản văn hóa của các dân tộc. Vẻ đẹp của phụ nữ dân tộc thiểu số càng được tôn vinh nhờ bộ trang phục truyền thống được chăm chút, trao truyền qua bao đời, là niềm tự hào của mỗi dân tộc.

Thổ cẩm chính là di sản quý giá, là tinh hoa của từng tộc người thể hiện ở chất liệu, màu sắc, kiểu dáng, các loại hoa văn và hệ biểu tượng của hoa văn trên trang phục. Người M’Nông có chiếc váy màu xanh lá rừng; người Jrai, Ê Đê, Giẻ Triêng có váy áo nền đen, điểm xuyết dải hoa văn màu đỏ; người Cơ Tu có hàng cườm trắng kết vào váy áo tạo ra bao lá hoa sáng chói...

Áo dài thổ cẩm trong buổi trình diễn thời trang “Hương rừng sắc núi” tại Festival Văn hóa thổ cẩm Đak Nông năm 2020. Ảnh: Tấn Vịnh

Áo dài thổ cẩm trong buổi trình diễn thời trang “Hương rừng sắc núi” tại Festival Văn hóa thổ cẩm Đak Nông năm 2020. Ảnh: Tấn Vịnh

Những dải màu, mô típ hoa văn của các dân tộc là “nhân” của chiếc bánh, là “nhụy” của bông hoa, tô điểm vẻ đẹp trang phục truyền thống, thể hiện tư duy thẩm mỹ, sự khéo tay, cần mẫn của người thợ dệt. Đây chính là chi tiết được khai thác và tạo cảm hứng cho các nhà thiết kế trong sáng tạo thời trang thổ cẩm. Nhiều kiểu thời trang thổ cẩm được sáng tạo, thiết kế như váy dạ hội, áo vét, áo ghi lê, áo choàng, áo dài... Các sản phẩm này được giới nghệ sĩ dùng để biểu diễn, tham gia các lễ hội, cuộc thi thời trang...

Đặc biệt, các trường dân tộc nội trú ở khu vực Tây Nguyên thường khuyến khích học sinh mặc đồng phục thổ cẩm vào những ngày quy định trong tuần và các sự kiện quan trọng. Nhiều trường mua vải thổ cẩm và đặt may đồng phục theo trang phục của từng dân tộc, nhưng có cải biên, cách điệu để phù hợp với từng lứa tuổi và môi trường học đường.

Hiện nay, phụ nữ có xu hướng tân thời, diện áo dài thổ cẩm. Trong những lễ hội truyền thống ở buôn làng hay ngày hội giao lưu văn hóa lớn đều thấy xuất hiện áo dài thổ cẩm. Trong các cuộc thi người đẹp và nữ sinh duyên dáng, áo dài thổ cẩm thường được các thí sinh trình diễn trong phần thi “trang phục tự chọn”.

Các nhà thiết kế thời trang trong nước và thế giới đặc biệt quan tâm đến chất liệu thổ cẩm. Nhiều bộ sưu tập thời trang thổ cẩm váy dạ hội, áo dài thổ cẩm được người mẫu chuyên nghiệp trình diễn trong các cuộc thi thời trang, thi người đẹp, Festival văn hóa thổ cẩm... Nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh được coi là người tiên phong đưa thổ cẩm các dân tộc thiểu số lên nhiều sàn diễn thời trang trong nước và quốc tế.

Thổ cẩm là chất liệu nguyên gốc của từng dân tộc, là sản phẩm để trao đổi nhằm đảm bảo cái ăn cái mặc, tạo thành bản sắc riêng biệt của các tộc người. Thổ cẩm là chất liệu xưa cũ và là nguồn cảm hứng tạo nên mốt thời trang cách tân.

Sở dĩ, áo dài thổ cẩm gây được hứng thú cho các nhà thiết kế và người sử dụng là nhờ kết hợp giữa nét truyền thống và hiện đại, giữa cổ điển và cách tân. Mốt thời trang này chẳng những làm đẹp cho nữ giới mà còn tôn vinh, trân trọng vốn liếng, di sản văn hóa dân tộc. Những tấm thổ cẩm của đồng bào dân tộc thiểu số trở nên hữu dụng, là “thổ cẩm ứng dụng”, tạo “đất sống” cho nghề dệt truyền thống, cơ hội việc làm cho thợ dệt thủ công và làm đa dạng các sản phẩm du lịch.

TẤN VỊNH

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/742/202103/ao-dai-tho-cam-xu-huong-thoi-trang-moi-5726040/