Diện áo dài "xúng xính" đến phố ông đồ chụp ảnh kỉ niệm.
Ghi nhận của phóng viên Báo Tin tức, phố ông đồ năm nay được tổ chức công phu và mới mẻ hơn các năm trước với những gian hàng bài trí đẹp mắt, đặc biệt là sự xuất hiện của khoảng 30 ông đồ, bà đồ rất trẻ… Phố ông đồ còn bày bán các bức thư pháp viết sẵn, các bức tranh linh vật hổ, tượng đa dạng, đào - mai khoe sắc...
Ông đồ Lê Kỳ Phong kỳ vọng, dù mới mở cửa nhưng ngày nào cũng có nhiều người dân diện áo dài đến đây chụp ảnh. "Trung bình một ngày, tôi bán được khoảng 15 bức thư pháp viết về các câu chúc đầu xuân. Hi vọng, dịch bệnh được kiểm soát chặt để phố ông đồ được hoạt động suôn sẻ cho đến hết Tết 2022", ông đồ Phong chia sẻ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Phúc, Giám đốc Nhà văn hóa Thanh niên TP Hồ Chí Minh cho biết: "Năm nay, phố ông đồ thuộc không gian của Lễ hội Tết Việt ở TP Hồ Chí Minh, đây là một địa điểm thân thuộc của người dân mỗi dịp Tết đến xuân về. Vì vậy, để tạo không gian vui chơi đón Xuân cho người dân, chúng tôi đã trang trí các không gian Lễ hội Tết Việt trong khuôn viên sân khấu 4A khá đẹp mắt với khung cảnh làng quê Việt Nam và những tán lá dừa, những cây mai giả, cây đước, chậu hoa cúc mâm xôi rất lạ và đẹp. Ngoài ra, chúng tôi cũng đặt nhiều đèn lồng từ phố cổ Hội An mang vào, treo trên những giàn tre, khung tre hoặc tạo ra các mô hình bằng rơm, những thuyền hoa, thuyền trái cây thiết kế trên cao tạo nên một "không gian đặc biệt" cho du khách chụp hình”...
Báo Tin tức xin gửi đến độc giả những hình ảnh du xuân sớm của người dân tại phố ông đồ TP Hồ Chí Minh:
Phố ông đồ được tổ chức với nhiều không gian hơn để du khách chụp ảnh, du Xuân.
Phố ông đồ năm nay quy tụ khoảng 30 ông đồ, bà đồ rất trẻ.
Bạn Minh Anh (24 tuổi) có 3 năm làm bà đồ cho chữ tại phố ông đồ cho biết, ông đồ, bà đồ cho chữ tại đây đều phải test COVID-19 trước khi đón khách và đeo khẩu trang thường xuyên trong thời gian làm việc.
Nhiều ông, bà đồ còn bày bán các bao lì xì có viết chữ thư pháp và những món đồ trang trí với giá dao động từ 50.000 đến 100.000 đồng/cái.
Chỉ cần vài phút, bà đồ trẻ có thể viết xong một chữ thư pháp theo yêu cầu của người mua. Các chữ cầu may mắn, bình an như: Phúc, Lộc, Thọ, Như Ý, Cát Tường được khách đặt mua nhiều nhất.
Phố ông đồ tại Nhà văn hóa Thanh niên là điểm đến quen thuộc người dân tại TP Hồ Chí Minh mỗi dịp Tết đến Xuân về.
Xung quanh phố ông đồ có đường mai Tết với khoảng 120 gốc mai, được phân bố dọc đường Phạm Ngọc Thạch và sân 4A Nhà văn hóa Thanh niên để người dân đến đây chụp ảnh kỉ niệm.
Các bạn trẻ thướt tha trong tà áo dài tại khu vực đường mai Tết.
Các bạn trẻ đến với phố ông đồ có thể thuê các bộ áo dài để chụp ảnh kỉ niệm cùng bạn bè, người thân. Giá các dịch vụ cho thuê áo dài Tết để khách chụp hình khoảng 100.000/2 tiếng/bộ người lớn và trang phục trẻ em có giá 50.000 đồng/2 tiếng/bộ.
Khu vực tiểu cảnh với nhiều chậu cúc mâm xôi cũng là điểm "check in" lý tưởng cho các gia đình trẻ.
Ban tổ chức đã đặt mấy trăm chiếc đèn lồng ở phố cổ Hội An mang vào treo trên những giàn tre, khung tre để tạo nên một không gian đa dạng cho người dân TP Hồ Chí Minh tha hồ thỏa sức sáng tạo, "check-in".
Một bạn trẻ check-in tại khu vực tiểu cảnh.
Phố ông đồ và đường mai sẽ đón khách từ nay đến 12 giờ trưa 29 Tết (tức ngày 31/1) nhưng vẫn duy trì các không gian chụp hình cho đến hết mùng 5 Tết. Lễ khai mạc ‘Lễ hội Tết Việt năm 2022’ đã diễn ra tại Nhà văn hóa Thanh Niên TP Hồ Chí Minh vào tối 16/1.
Ngay sau lễ khai mạc, người dân đổ đi chơi và chụp ảnh tại không gian này.
Chùm ảnh, clip: Mạnh Linh- Hoàng Tuyết/Báo Tin tức