Áo dài trong dòng chảy công nghiệp văn hóa
Áo dài Việt Nam mang giá trị văn hóa, bản sắc, thể hiện về hình ảnh người phụ nữ Việt Nam. Qua nhiều thời kỳ phát triển, tà áo dài luôn biến đổi trong đời sống đương đại, không chỉ khẳng định giá trị truyền thống mà còn cho thấy tiềm năng về phát triển kinh tế, thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp văn hóa.
Lễ hội Áo dài Hà Nội vừa diễn ra trong 3 ngày đã thu hút hơn 60.000 lượt người dân và du khách tham dự với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội đã tạo cơ hội cho các nhà thiết kế giới thiệu những sáng tạo mới nhất, đồng thời, góp phần quảng bá văn hóa, du lịch của Thủ đô và cả nước
Áo dài là sự kết hợp tổng hợp của các lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, thiết kế, thời trang, lại là sản phẩm phục vụ trực tiếp cho du lịch văn hóa nên được nhiều địa phương đặc biệt quan tâm. Và vượt lên một trang phục truyền thống, áo dài từ lâu đã trở thành một thương hiệu, một đại sứ du lịch.
Trong những năm trở lại đây, một số tác phẩm điện ảnh xuất sắc khai thác chủ đề về đời sống và văn hóa trang phục của người Việt như Lều chõng, Long Thành cầm giả ca, Áo lụa Hà Đông, Cô Ba Sài Gòn ... đã tạo ra những cơn sốt trên thị trường phim ảnh, thu hút hàng triệu lượt người trong và ngoài nước quan tâm. Ở lĩnh vực thiết kế, áo dài Việt đang ngày càng tạo dấu ấn mạnh mẽ trong các sự kiện thời trang, các sự kiện quảng bá, giao lưu quốc tế.
Theo các chuyên gia, biến áo dài thành một sản phẩm công nghiệp văn hóa hoàn toàn có tính khả thi. Có thể nói, chiếc áo dài đã đạt đến một sản phẩm văn hóa đặc trưng mang đậm bản sắc dân tộc, là biểu tượng khi nhắc tới Việt Nam
Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!
Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/ao-dai-trong-dong-chay-cong-nghiep-van-hoa-197881.htm