Ảo giác chiều sâu ở tuyển Việt Nam
Chiều sâu lực lượng của tuyển Việt Nam có thực sự mang tới tác dụng hay đó chỉ là con số trên giấy?
Ba trong 4 đội tuyển có mặt ở bán kết AFF Cup đã mang tới giải đấu 30 cầu thủ, con số tối đa mà ban tổ chức cho phép. Đội duy nhất có 28 người là chủ nhà Singapore vốn không chịu ảnh hưởng bởi khoảng cách địa lý và các quy định xuất nhập cảnh. Đây là sự chuẩn bị cần thiết của cả 4 đội cho giải đấu đường dài với lịch thi đấu dày đặc.
Nhưng không phải đội tuyển nào cũng tận dụng được hết lực lượng đông đảo ấy.
Chiều sâu thực sự của tuyển Việt Nam
Trong 4 đội tại bán kết AFF Cup, tuyển Việt Nam là đội sử dụng ít cầu thủ nhất với 20 cái tên đã vào sân từ đầu giải. Singapore (22) và Indonesia (24) đều cao hơn Việt Nam. Thái Lan đứng đầu trong số này khi đã dùng gần hết quỹ nhân sự của họ (27 trên 30 người).
Nếu coi 45 phút, khoảng thời gian tương đương một hiệp, là cột mốc cần thiết để cầu thủ có đủ cảm giác thực chiến, tuyển Việt Nam thực chất có 17 người đủ năng lực đóng góp. Con số tương tự của Indonesia là 20 người, còn Thái Lan là 23 người. Khác biệt đó nghĩa là trong trận đối đầu trực tiếp, HLV Alexandre Polking có nhiều hơn ông Park Hang-seo 6 người trên băng ghế huấn luyện.
6 người ấy sẽ đem tới bao nhiêu phương án chiến thuật, sẽ mở ra bao nhiêu lựa chọn, sẽ đem lại lợi thế lớn chứng nào trong 2 trận bán kết tới?
Nguyên tắc thép trong bóng đá là không bao giờ thay đổi công thức chiến thắng. Nếu đội tuyển chơi tốt, HLV không có lý do nào để tạo ra xáo trộn lực lực lượng. Nhưng tuyển Việt Nam không thuộc trường hợp này. Trận hòa trước Indonesia và chiến thắng không trọn vẹn trước Campuchia cho thấy tuyển Việt Nam đã không hoàn thành mục tiêu đề ra. Chúng ta bị đẩy xuống nhì bảng, gặp Thái Lan và chịu nhiều bất lợi trong cuộc đua đường dài.
Những kết quả đó nói phương án A hiện tại ở đội tuyển là chưa đủ tốt. Chúng ta cần thêm những phương án B cho chặng đường dài. Và đó chính là vấn đề.
9 bàn tuyển Việt Nam đã ghi ở vòng bảng đều được thực hiện bởi nhóm cầu thủ đá chính. 8 bàn trong số đó được ghi trong 60 phút đầu. Nghĩa là trong khoảng 30 phút cuối trận, tuyển Việt Nam gần như bất lực. Nghĩa là trong 1/3 phía sau của trận đấu, mọi quyết định thay người, mọi thay đổi chiến thuật mà ông Park thực hiện đều không phát huy hiệu quả.
Sự bất lực của tuyển Việt Nam trong 1/3 cuối trận liên quan chặt chẽ tới chất lượng con người trên ghế dự bị.
Các cầu thủ dự bị được sử dụng quá ít nên không có cảm giác thực chiến. Không có thực chiến nên khi vào sân không phát huy hiệu quả. Cảm giác thi đấu của cầu thủ được đá thường xuyên, cách anh ta chạm bóng, lựa chọn xử lý trong từng tình huống, độ chính xác, nhạy cảm không gian sẽ khác biệt hoàn toàn với một cầu thủ ít được thi đấu.
Cảm giác thực chiến càng trở nên quan trọng hơn với tuyển Việt Nam vì V.League đã dừng lại từ giữa tháng 5. Nên các trận đấu của đội tuyển trở thành cơ hội duy nhất cho học trò của ông Park trải nghiệm thực tế. Với những cầu thủ không được thi đấu, các đợt tập trung của tuyển Việt Nam chẳng hơn nhiều hoạt động tập luyện thường ngày tại CLB. Lấy Đức Chinh (29 phút từ đầu giải) hay Minh Vương (31 phút) làm ví dụ, với nhỏ giọt thời gian thi đấu, khó đòi hỏi họ tạo nên khác biệt khi được vào sân.
Năng lực ghi bàn cuối trận
Khi tuyển Việt Nam dự vòng loại World Cup, vấn đề chiều sâu lực lượng không được bộc lộ rõ vì khoảng cách rất xa giữa mỗi trận đấu. Nhưng bước vào AFF Cup với 8 trận tối đa trong chưa đầy một tháng, lực lượng thực sự trở thành yếu tố sinh tử với các đội tuyển. Đội bóng nào duy trì đội ngũ sung mãn, giữ thể trạng tốt cho các trụ cột sẽ nắm lợi thế đến ngôi vương. Đấy là điều tuyển Việt Nam không làm tốt so với các đối thủ.
Trước Lào hay Campuchia, tuyển Việt Nam vẫn tung ra sân những đội hình rất mạnh. Bộ ba tấn công Hoàng Đức, Văn Đức, Công Phượng đã đá chính tất cả trận từ đầu giải. Quang Hải chỉ nghỉ một trận vì chấn thương. Dù đối thủ mạnh hay yếu, ông Park vẫn tung hết những trụ cột vào sân. Điều đó khiến chúng ta phải đặt câu hỏi: Các đối thủ có thực sự mạnh đến vậy hay tuyển Việt Nam đang quá cầu toàn?
Nuối tiếc nằm ở chỗ dù đã cầu toàn đến vậy, tuyển Việt Nam vẫn không có được điều mình cần, vẫn đứng nhì bảng và vẫn gặp đối thủ mạnh nhất.
Hạn chế của tuyển Việt Nam lại là thứ các đối thủ đang xử lý gọn gàng. Thái Lan mạnh dạn tung đội hình dự bị nhưng vẫn đè bẹp đội chủ nhà. Indonesia thực ra đang dùng đội hình trẻ tại AFF Cup, còn chủ nhà Singapore không cần mang đủ 30 cầu thủ tới giải. Khác biệt nằm ở chỗ ông Polking và HLV Shin Tae-yong đều trao nhiều niềm tin cho nhóm dự bị. Họ không ngại dùng đội hình phụ trước những đối thủ lớn, không ngại mang nhiều tài năng trẻ đến giải. Họ dám tin tưởng, trao cơ hội và đã nhận lại thành quả.
Indonesia của Shin Tae-yong mang đội hình U23+ tới AFF Cup nhưng đã vào bán kết với tư cách đội đầu bảng.
Trong 10 bàn của Thái Lan, có 4 bàn được ghi ở thời gian 1/3 cuối trận. Singapore, Indonesia cũng đã có 3 bàn trong khoảng thời gian này. Năng lực làm bàn trong giai đoạn cuối hiệp 2 thường được xem là đặc trưng của các đội tuyển lớn. Nó vừa thể hiện sức mạnh thể chất vượt trội của cầu thủ, vừa cho thấy khả năng xoay chuyển cục diện từ băng ghế chỉ đạo.
Năng lực này liên quan chặt chẽ tới chất lượng cầu thủ trên ghế dự bị, điều mà Việt Nam đang làm chưa tốt. Đây từng là điểm mạnh của nhà đương kim vô địch ở kỳ AFF Cup trước nhưng chưa được thể hiện tại giải đấu năm nay.
Trước Indonesia và Campuchia, tuyển Việt Nam đều chịu kết quả bất lợi vì không thể ghi bàn trong khoảng thời gian này. Những cú đấm quyết định ở các thời điểm then chốt là điều còn thiếu của Quang Hải và đồng đội.
Chúng ta phải cải thiện điều đó ngay lập tức bởi phía trước là ngọn núi mang tên Thái Lan.