'Áo mới' Phong Dụ Thượng

Xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên nằm trên thượng nguồn ngòi Hút và là xã vùng sâu của huyện nên giao thông không thuận lợi, đời sống nhân dân trước đây khó khăn về mọi mặt. Vậy mà, sau 13 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM), xã đã vươn mình chuyển biến mạnh mẽ với hệ thống đường sá thuận tiện, sáng, xanh, sạch, đẹp hơn; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên, đưa bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới.

Ruộng bậc thang Khe Táu - tiềm năng lớn cho phát triển du lịch của Phong Dụ Thượng.

Ruộng bậc thang Khe Táu - tiềm năng lớn cho phát triển du lịch của Phong Dụ Thượng.

Vào một ngày đầu tháng 7, chúng tôi ngược dòng ngòi Hút với gần 30 km từ cửa ngòi trên sông Hồng về xã Phong Dụ Thượng. Con đường lầy lội men theo bờ ngòi Hút của những năm trước giờ chỉ còn lại trong ký ức và thay vào đó là con đường đã được trải nhựa đen bóng, rút ngắn thời gian đi từ trung tâm huyện lỵ Văn Yên đến xã Phong Dụ Thượng từ nửa ngày trước đây còn hơn 1 giờ đi bằng xe máy.

Phong Dụ Thượng hôm nay, từ các thôn quanh trung tâm xã như: Làng Chạng, Làng Than, Cao Sơn đến những thôn cách xa trung tâm xã như: Thượng Sơn, Khe Mạng, Khe Táu, Khe Dẹt, Bản Lùng đều là màu xanh của những rừng quế, đồng ruộng và rừng tự nhiên. Dọc theo các tuyến đường bê tông đi các thôn là màu đỏ, tím, vàng của nhiều loài hoa trồng ở ven đường. Cảnh quan, môi trường, đường làng, ngõ xóm luôn sạch sẽ, thoáng mát với các nếp nhà truyền thống của người Tày, Thái, Mông, Dao, tạo lên khung cảnh quê vừa mộc mạc, thanh bình lại vừa đổi mới phát triển.

Rót chén nước mời khách, ông Lương Văn Thu - Chủ tịch UBND xã cho biết: "Là một trong những xã vùng sâu của huyện, Phong Dụ Thượng cách xa trung tâm huyện gần 40 km. Trước đây, giao thông đi lại trong xã và từ xã ra huyện gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, cùng với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và nhờ thực hiện chương trình XDNTM đã tạo đà mạnh mẽ giúp xã nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn, từng bước đưa đời sống mọi mặt vươn lên. Đặc biệt, ngoài các nguồn vốn đầu tư thông qua các chương trình, dự án hằng năm thì riêng thực hiện chương trình XDNTM trong giai đoạn 2011 - 2023, xã đã huy động được tổng 123,775 tỷ đồng gồm: nguồn ngân sách Nhà nước trên 108,599 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 87,7%; nguồn nhân dân đóng góp được 14,166 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 11,4%; nguồn các doanh nghiệp đóng góp được 1,5 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,9% để XDNTM”.

Cùng đó, xã cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động giúp nhân dân nâng cao nhận thức về mọi mặt, tích cực ủng hộ, đóng góp, tham gia các hoạt động xây dựng quê hương. Ngoài đóng góp tiền của, công, nhiều hộ còn sẵn sàng chặt cây, tháo dỡ công trình hiến đất để xây dựng, nâng cấp các công trình công cộng.

Chủ tịch xã Lương Văn Thu phấn khởi chia sẻ thêm: "Cái được ở Phong Dụ Thượng không chỉ là ở cơ sở vật chất, hạ tầng nông thôn, mà hơn cả là nhận thức, ý thức của người dân đã đổi thay lên một tầm cao mới. Nhân dân không chỉ tham gia tích cực trong các hoạt động tập thể, xây dựng xóm làng, mà còn phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh tại chỗ để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bảo đảm an ninh lương thực, trồng quế, bảo vệ rừng để phát triển kinh tế gia đình theo hướng ổn định, bền vững. Điển hình là bà con đã tập trung khai thác tiềm năng du lịch như: thác Bản Lùng, suối nước nóng thôn Cao Sơn, ruộng bậc thang thôn Khe Táu... và đã thu hút được nhiều du khách trong, ngoài tỉnh đến với xã”.

Là thôn đặc biệt khó khăn của xã, nhưng với sự quan tâm của Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương cùng sự nỗ lực vươn lên của mỗi người dân, Khe Táu đã "thay da, đổi thịt” trông thấy.

Bí thư Chi bộ Khe Táu - Lù A Dờ trao đổi: "Thôn có 100% dân số là người Mông. Với sự quan tâm của các cấp, ngành, sự nỗ lực tự vươn lên của từng người dân, Khe Táu đã phát triển, đổi mới nhanh chóng trong vài năm gần đây. Hiện, thôn có 98 hộ và hết năm 2023 số hộ nghèo giảm còn 46 hộ; thôn có 26 ha ruộng nước thì 23 ha được cấy 2 vụ/năm; 100% hộ dân đều được sử dụng điện lưới quốc gia bảo đảm an toàn; được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; trục đường chính từ xã đến thôn đã được đổ bê tông...”.

Cầu qua ngòi Hút tại trung tâm xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên được xây dựng mới giúp nhân dân đi lại, giao thương thuận lợi, an toàn.

Cầu qua ngòi Hút tại trung tâm xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên được xây dựng mới giúp nhân dân đi lại, giao thương thuận lợi, an toàn.

Bên cạnh phát triển kinh tế, là thôn có khu ruộng bậc thang đẹp, bản sắc văn hóa truyền thống của người Mông phong phú, đặc sắc, hấp dẫn, đã tạo nên tiềm năng lớn về phát triển du lịch cộng đồng, nên nhân dân luôn chú trọng các hoạt động tạo cảnh quan, môi trường để thu hút du khách. Trong đó, để có môi trường xanh, sạch, đẹp, nhân dân Khe Táu đã tích cực hưởng ứng Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, tổ chức vệ sinh, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, trồng cây xanh, hoa nhằm làm đẹp cho các tuyến đường trong thôn. Mỗi gia đình đều thực hiện ăn ở sạch; có nhà vệ sinh bảo đảm tiêu chuẩn; có hố xử lý rác thải sinh hoạt; xây dựng chuồng trại chăn nuôi xa nhà; đồng ruộng có bể xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật...

Ngoài ra, với lợi thế của tuyến đường nối quốc lộ 32 đoạn qua xã Gia Hội, huyện Văn Chấn với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai tại nút giao IC 15 và tuyến đường nối huyện Mường La, tỉnh Sơn La và huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai cũng tại nút giao IC15 thuộc địa bàn huyện Văn Yên đều đi qua trung tâm xã, nên Phong Dụ Thượng lại càng có thêm cơ hội để thu hút đầu tư, đánh thức tiềm năng của địa phương trỗi dậy chuyển mình.

Ông Nguyễn Văn Hùng - du khách đến từ Hà Nội nhận định: "Là xã nằm ở cửa ngõ phía Tây Yên Bái, sau khi hoàn thành đưa vào khai thác các tuyến đường dẫn nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đặc biệt là đường nối với cụm các huyện: Mù Cang Chải, Văn Chấn, Trạm Tấu, thị xã Nghĩa Lộ của tỉnh Yên Bái, huyện Mường La của tỉnh Sơn La thì Phong Dụ Thượng không chỉ là điểm dừng chân lý tưởng, mà với tiềm năng du lịch, các hoạt động sản xuất, nuôi trồng cây, con đặc sản của xã sẽ góp phần quan trọng thu hút, níu giữ chân du khách để thưởng thức, trải nghiệm các dịch vụ của nơi giao thoa giữa vùng thấp với vùng cao có bản sắc văn hóa, đặc sắc, phong phú, đa dạng”.

Nhờ triển khai, thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; về xây dựng nông thôn mới; về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn... không chỉ giúp xã Phong Dụ Thượng thay "áo mới”, mà hơn hết giúp người dân có thêm động lực yên tâm lao động, sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng đời sống vật chất, tinh thần và vươn lên làm giàu. Hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 42 triệu đồng; số hộ nghèo giảm còn 167 hộ/1.318 hộ; 100% đường trục xã được rải nhựa, bê tông hóa; trên 97% hộ sử dụng điện lưới quốc gia an toàn; xã không còn nhà tạm, nhà dột nát; điều kiện về y tế, giáo dục, an sinh xã hội được bảo đảm; xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí về XDNTM…

Chia tay Phong Dụ Thượng, chúng tôi rộn lên một niềm tin, với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và tinh thần đoàn kết, nỗ lực vươn lên của người dân nơi đây, không lâu nữa sau khi những tuyến đường nối các huyện thị phía Tây Yên Bái và nối tỉnh Sơn La với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai hoàn thành, đưa vào khai thác sẽ càng tạo thuận lợi, động lực cho Phong Dụ Thượng bứt phá đi lên.

Ngoài các hoạt động sản xuất truyền thống như trồng lúa, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng quế thì hiện tại xã Phong Dụ Thượng đã thu hút nhiều tập thể, cá nhân đầu tư vào khai thác tiềm năng du dịch cộng đồng, nuôi trồng thủy sản đặc sản như cá tầm, cá hồi. Điển hình là mô hình nuôi cá tầm của Hợp tác xã Hùng Định ở thôn Khe Mạng; Hợp tác xã Hoàng Khoa và Hợp tác xã Cá tầm Khe Dẹt ở thôn Khe Dẹt; hoạt động khai thác du lịch của Hợp tác xã Du lịch Phong Dụ Thượng tại khu vực ruộng bậc thang thôn Khe Táu; tắm suối khoáng nóng ở thôn Cao Sơn và Hợp tác xã Du lịch Quỳnh Thiệp đang phát triển du lịch cộng đồng... tạo ra triển vọng lớn cho kinh tế - xã hội của xã phát triển thời gian tới.

A Mua

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/325704/ao-moi-ph111ng-du-thuong.aspx