Áo mới Tây Giang

Ông Zơ Râm Tuấn bưng mâm cơm vừa soạn sửa đãi khách lên đặt giữa nhà. Cách đây 2 năm, khi cả thôn Agrí chuyển về bản mới làm lại mặt bằng theo chủ trương của huyện Tây Giang, Quảng Nam, bà con cả thôn và BĐBP đã góp được 60 triệu đồng và 5 con bò để dựng lên căn nhà này. Đó là một dấu mốc đổi đời cho gia đình ông già Cờ Tu nhỏ yếu. Bữa cơm với gia đình ông trưa hôm đó đã khiến chúng tôi hiểu hơn về cuộc sống của bà con dân tộc Cờ Tu ngàn đời gắn bó với núi rừng Trường Sơn.

Bản Agrí được mùa lúa mới trên bản mới.

Kỳ 1: Bơi bùn đỏ lên biên giới

Kỳ 2: Phố giữa đại ngàn

Điểm trang cả núi rừng

Thôn Agrí có 45 hộ, 23 nhân khẩu, sinh sống ở đây từ năm 1973. Nhìn từ xa, cả thôn chỉ như một chấm vàng cúc áo giữa màu xanh mênh mông của núi rừng. Càng lại gần mới càng ngạc nhiên. Cả làng đã được quy hoạch mạch lạc, đâu ra đó. Toàn những ngôi nhà gỗ còn mới, gọn ghẽ, thành hình vòng cung xung quanh một quảng trường rộng mà tâm là một nhà gươl cũng mới được dựng lại. Cả làng không có lấy một chút ít rác rưởi nào.

Nhà nào dưới cầu thang gỗ cũng có xếp giầy dép bỏ ngoài trước khi vào nhà. Trước sân là những khoảnh đất trống, dành để lót tấm cót phơi thóc. Lũ trẻ con mặt mũi sáng sủa, sạch sẽ tụm lại chơi trò đá cầu ở trước cửa nhà gươl. Đại úy Zơ Râm Ký, Chính trị viên phó Đồn BP Axan đi cùng tôi đến đây bảo: Bản Agrí bây giờ đẹp nhất Tây Giang đấy. Các bản khác đang quy hoạch lại rồi đây còn đẹp hơn bản này. Thuận lợi nhất là bà con Cờ Tu có cách sống quần tụ thành làng bản từ lâu đời. Khi quy hoạch lại, vẫn giữ lại vị trí của làng, chỉ gom một số gia đình ở xa về trung tâm để bà con có cơ hội đỡ đần nhau, cùng giúp nhau lúc no lúc đói.

Đó cũng là lý do ông Zơ Râm Tuấn mừng rỡ khi nhìn thấy chúng tôi tới chơi. Ông cảm kích tấm lòng của BĐBP, bởi lúc về bản mới, gia đình ông neo người, không tiền dành dụm. Cả hai ông bà ốm đau, việc làm nhà phó mặc cho bộ đội và bà con họ hàng. Đại úy Ký chia sẻ: “Lúc đó, chúng tôi vận dụng chủ trương làm nhà giúp dân và tận dụng sức trẻ của thanh niên, vận động thêm bà con làng bản giúp những gia đình khó khăn. Riêng nền nhà lát bằng gạch hoa như nhà ông Tuấn đây là do Đoàn Thanh niên của Đồn làm giúp. Có được bản làng khang trang như hôm nay không biết bao nhiêu công sức của quân và dân đã đổ xuống trên miền núi cao này...”.

Buổi trưa giữa hạ trên dãy Trường Sơn, tiếng đóng mộng, bào gỗ vẫn vẳng đến từ vài ba ngôi nhà đang dựng. Nhiều gia đình dù đã về bản mới gần hai năm nay mà vẫn chưa làm được nhà mới. Ông Zơ Râm Tuấn gọi những thợ mộc làm nhà tới cùng dùng bữa. Thì ra họ cũng chẳng phải người lạ, đều là các thanh niên trong bản, học được nghề mộc của cha anh, giờ lấy làm nghề kiếm sống. Chủ nhà cứ lo đủ gỗ là xấu đẹp gì đều phụ thuộc cả vào những thợ mộc còn rất trẻ này.

Chúng tôi cùng ăn và cùng trò truyện về kỹ thuật dựng nhà. Một thanh niên mới vào nghề kể: Khó nhất là dựng được cái khung nhà vuông chắc chắn, còn bào cưa, xẻ gỗ, ghép mộng đều rất dễ làm. Làm xong căn nhà này, anh sẽ dẫn tốp thợ sang Nam Giang khởi công một ngôi nhà Cờ Tu mới. Tay thợ mộc trẻ trầm ngâm như một ông già: “Mùa mưa còn chưa qua, đường sá lầy lội thế này, chúng tôi không dám nhận làm công cho những ngôi nhà xa. Vì chẳng biết vận chuyển máy cưa, máy bào như thế nào. Thuê xe tải lớn để chở thì chi phí đắt quá, đều làm nhà cho bà con mình cả, lấy công đắt làm sao được...”.

Hai thế hệ người Cờ Tu ở bản mới. Ảnh: TTH

Sải rộng cánh bay trên dãy Trường Sơn

Tôi gặp ông Briu Liếc, Bí thư Huyện ủy Tây Giang hôm huyện tổ chức Lễ thượng cờ trên đỉnh Ch’Nóc, giáp biên giới Việt - Lào, đích đến của con đường khổ ải Tây Quảng Nam. Ông vui mừng cho hay: Cửa khẩu Tây Giang - Kà Lừm đã mở, giờ cột cờ lớn dựng trên đỉnh đồi Tranh - cửa ngõ cheo leo trên dãy Trường Sơn này. Tất cả chỉ còn chờ đón khách. Tây Giang đang khoác lên người tấm áo mới, chờ vận hội mới...

Đêm hôm đó, bà con khắp các xã biên giới Tây Giang tưng bừng văn nghệ chào mừng con đường mới khai mở và thông xe. Nhưng tôi phải nhấn mạnh là chỉ đảm bảo thông xe trong mùa không có mưa. Mùa mưa Tây Giang kéo dài từ tháng 7 đến tháng 12 hàng năm làm ngưng trệ và ngày càng kéo lùi miền núi, khiến nơi này mỗi ngày thêm cách biệt và xa xôi.

Ngược lại, vì giao thông cách trở nên Tây Giang hầu như còn giữ nguyên những giá trị văn hóa vật thể mà quý nhất là hàng trăm ngôi nhà gươl lâu năm nằm ở các bản làng. Trong những ngôi nhà đó, những hình khắc, trạm trổ vẫn còn tươi mới, sống động. Cả thế giới quan của người Cờ Tu thể hiện trên những hình vẽ trang trí mô tả cảnh săn thú, đâm trâu mừng lúa mới, đám cưới, uống rượu, bếp lửa, tra hạt trên rẫy...

Có một hình khắc đồng thời là một cột nhà gươl mà tôi bắt gặp ở bản Ca nool 2 làm tôi không thể rời mắt là hình một phụ nữ Cờ Tu có cái cổ phình to như mỏ bồ nông. Ông Ker Tíc, nghệ nhân điêu khắc nhà gươl ở thôn Ca nool 2 giải thích rằng, chính ông đẽo cái cột nhà gươl ấy từ thực tế. Ông thấy rất nhiều phụ nữ Cờ Tu bị bướu cổ vì thiếu i ốt. Cái thời miền núi thiếu muối, thiếu gạo ấy còn chưa xa khiến cho những cái bướu phình to ở cổ vô hình trung đã đi vào cả đời sống văn hóa, tinh thần của họ, mãi mãi không thể phai nhòa.

Thế còn hình khắc con chim màu trắng sải cánh rộng trên xà chính của ngôi nhà gươl là biểu tượng gì? – Tôi hỏi. Ông lão Cờ Tu tài hoa trầm ngâm: Loài chim này từ lâu không còn thấy ở rừng. Thanh niên Cờ Tu thường được ví như những con chim bồ cành dũng mãnh sải cánh tới hơn 1m này. Rừng càng nghèo, chim lớn càng không có chỗ tung hoành. Nếu như không có những hình vẽ trên xà đó, có khi lũ trẻ Cờ Tu bây giờ không biết chim bồ cành hình dáng ra sao. Điêu khắc trên nhà gươl còn có thêm một giá trị nữa, giá trị lưu giữ lại lịch sử, đồng thời ghi chép lại thời đại mà chính những con người làm ra nó không hề biết.

Ở Tây Giang bây giờ, vẫn thường xuyên có lễ đâm trâu dù chính quyền và cả người dân đều tìm mọi cách hạn chế bớt vì quá tốn kém. Vào mùa cưới, hết bản này lại sang bản khác có lễ đâm trâu, rừng vui lúc nào cũng vui như hội đốt lửa, uống rượu bên những ngôi nhà gươl.

Những cái cọc buộc trâu, cây nêu, lá phướn bằng tre khô thường thì vẫn gác trên tường của nhà gươl được gỡ xuống thường xuyên hơn. Những ngôi nhà gươl vẫn ẩn chứa những bí mật của người Cờ Tu giữa đại ngàn. Trong những hốc gỗ vẫn còn chứa đồ gốm làm bằng tay, những chiếc sọ trâu rừng, vuốt lợn rừng mà trai làng săn được đã tổ chức liên hoan cả làng chính ngôi nhà đặc biệt này.

Tất cả bất động như một pháo đài vững chãi mà không có cuộc chuyển dời nào có thể tàn phá được. Hồn cốt của bản làng vẫn còn đó, chỉ khoác tấm áo mới đẹp hơn, tiện lợi hơn mà thôi.

Trương Thúy Hằng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/ao-moi-tay-giang-cr8/