Ðảo Ngọt

Hòn Khoai - cụm đảo tiền tiêu có vị trí hết sức đặc biệt xuyên suốt tiến trình lịch sử của mảnh đất Cà Mau. Hòn Khoai đặc biệt không chỉ vì vị trí địa lý, mà bao đời gắn bó máu thịt với con người vùng địa đầu cực Nam Tổ quốc; ở đó, có những thời khắc lịch sử bất tử và mở ra trang sử hào hùng cho vùng đất cực Nam Tổ quốc.

Khởi nghĩa Hòn Khoai trong tiến trình lịch sử cách mạng Cà Mau
Chào cờ đặc biệt tại A2 - Hòn Đá Lẻ
Rạng ngời hải đảo cuối trời Nam

Trong địa bạ Triều Nguyễn, Hòn Khoai là một trong những địa danh được nhắc đến sớm nhất khi nói về Cà Mau và được gọi là Ðảo Vu. Dân gian có nhiều tên gọi khác về đảo này như Ba Tiêu Viên, Giáng Hương, Ðảo Ngọt... Ðiều ngạc nhiên là trong những ghi chép hải trình của người nước ngoài đến nước ta ở đầu thế kỷ XIX, Hòn Khoai đã được chú ý đến như một cụm đảo có vị trí chiến lược về hàng hải, giàu có tài nguyên và được gọi tên là Pulo Obi.

Cụm đảo Hòn Khoai gồm các đảo: Hòn Khoai, Hòn Sao, hòn Ðồi Mồi, Hòn Tượng, hòn Ðá Lẻ, cách đất liền khoảng 20 km. Từ rất sớm, cư dân vùng Tân Ân - Rạch Gốc, Rạch Tàu đã vượt biển chở nước ngọt từ Hòn Khoai về để sử dụng trong mùa hạn. Hòn Khoai được mô tả là nơi hội tụ tàu thuyền của ngư dân tứ xứ đánh bắt cá tôm, quang cảnh hùng vĩ, tươi đẹp với núi đá, rừng cây, chim muông và vô vàn sản vật có giá trị khác.

Hòn Ðồi Mồi. Ảnh: H.L

Hòn Tượng. Ảnh: H.L

Hòn Ðá Lẻ thuộc cụm đảo Hòn Khoai. Ảnh: HUỲNH LÂM

Hòn Ðá Lẻ thuộc cụm đảo Hòn Khoai. Ảnh: HUỲNH LÂM

Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, nhận thấy vị trí đắc địa của Hòn Khoai, chúng đổ quân chiếm đảo, xây đồn bót, nhà dây thép, tháp đèn pha (năm 1899). Ðây được coi là cứ điểm quan trọng để khống chế cả vùng biển Ðông Nam Mũi Cà Mau, đồng thời phục vụ hệ thống hàng hải của giặc.

Tại Hòn Khoai, tội ác của bè lũ thực dân cướp nước còn hằn sâu trong tâm trí người dân vùng Tân Ân - Rạch Gốc, Rạch Tàu, Viên An. Những tên chúa đảo người Pháp, mà dân ta gọi là “Tây Hòn” ra lệnh cản trở, cấm đoán không cho người dân chở nước ngọt về đất liền. Hàng trăm ngôi mộ dân phu phải gởi thân ở đảo vì phục dịch công việc nặng nhọc, nguy hiểm cho âm mưu của bè lũ thực dân cướp nước.

Ánh sáng của Ðảng soi đường, lịch sử đã lựa chọn người anh hùng Phan Ngọc Hiển để ươm mầm, gieo những hạt giống đỏ cách mạng tại mảnh đất Cà Mau, ở vùng rừng biển xa xôi Tân Ân - Rạch Gốc. Ông Nguyễn Công Trực (Tư Trực), cán bộ lão thành cách mạng xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, bồi hồi: “Giáo Hiển chính là người mang ánh sáng của con chữ, của lý tưởng cách mạng để soi rọi khắp mảnh đất này. Anh hùng Phan Ngọc Hiển mãi mãi bất tử với bà con vùng Rạch Gốc - Tân Ân, với Cà Mau từ cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai”.

Từ khi có mặt ở Tân Ân - Rạch Gốc, giáo Hiển trở thành “linh hồn” của phong trào đấu tranh cách mạng của vùng này. Tháng 6/1940, giáo Hiển bước chân lên đảo Hòn Khoai. Nhiệm vụ của Tỉnh ủy giao cho đồng chí Phan Ngọc Hiển là ra Hòn Khoai gầy dựng cơ sở cách mạng. Những nhân viên làm việc trên đảo nhanh chóng được cảm hóa, trở thành đầu mối cơ sở cách mạng của ta. Tất cả chuẩn bị cho một sự kiện trọng đại, một mốc son chói lọi và bất tử của lịch sử cách mạng Cà Mau.

Và thời khắc thiêng liêng đã tới. Ngày 12/12/1940, đồng chí Phan Ngọc Hiển nhận được quyết định khởi nghĩa của Tỉnh ủy do đồng chí Bông Văn Dĩa chuyển ra. Ngay trước thời điểm cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai nổ ra, các đồng chí Ðỗ Văn Sến, Nguyễn Văn Ðắc (cơ sở của ta trong lòng địch) được vinh dự kết nạp vào Ðảng. Ðêm 13/12/1940, lực lượng ta tiêu diệt tên chúa đảo ác ôn Olivier, cuộc khởi nghĩa giành thắng lợi hoàn toàn, nhanh chóng.

Ðoàn quân chiến thắng từ Hòn Khoai trở về rực rỡ cờ đỏ búa liềm và tấm băng với dòng chữ “Mặt trận Dân tộc Thống nhất phản đế muôn năm”. Dù bị giặc Pháp đàn áp sau đó, nhưng tầm vóc và ý nghĩa của khởi nghĩa Hòn Khoai vô cùng to lớn. Chiến thắng này có tầm ảnh hưởng lâu dài, cổ vũ phong trào cách mạng tỉnh nhà trong những giai đoạn kế tiếp. Ngày 13/12 đã trở thành ngày truyền thống cách mạng vẻ vang của Ðảng bộ, quân và dân tỉnh nhà.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Hòn Khoai cũng là nơi giặc dùng mọi thủ đoạn để chiếm đóng. Chiến công nối tiếp chiến công, năm 1960, Hòn Khoai được chọn làm một trong những điểm mở đầu phong trào Ðồng khởi tại Cà Mau. Ngày 3/2/1960, một đơn vị của Tiểu đoàn Ngô Văn Sở cùng lực lượng du kích ngụy trang dưới ghe buồm lẫn trong đoàn thuyền đánh cá của ngư dân, bất ngờ đột nhập lên Hòn Khoai nổ súng tiêu diệt một trung đội địch tại chân hòn. Lực lượng ta hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, rút về đất liền an toàn.

Cũng trên vùng biển trời Tây Nam Tổ quốc, tuyến đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển được khai mở gắn liền với tên tuổi của Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Bông Văn Dĩa, người đã trao lệnh Khởi nghĩa Hòn Khoai cho Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Phan Ngọc Hiển năm nào. Bến Vàm Lũng, “bến cảng giữa lòng dân” vùng Tân Ân - Rạch Gốc, nơi đứng chân của Ðoàn 962 đã tiếp nhận và chi viện hơn 4.400 tấn vũ khí, trang thiết bị cho khắp chiến trường miền Nam từ năm 1962 đến 1970, góp phần cho ngày toàn thắng.

Miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước hoàn toàn thống nhất với đại thắng mùa xuân 1975. Hòn Khoai lại trở về với máu thịt quê hương Cà Mau. Hòn Khoai hiện diện sừng sững, hiên ngang là lời khẳng định cho chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ðảo Ðá Lẻ, cụm đảo Hòn Khoai là nơi đặt điểm A2 - điểm cực Nam đường cơ sở trên biển của nước ta. Giữa biển trời lộng lẫy, Hòn Khoai lấp lánh vẻ đẹp hùng vĩ, trù phú, thanh bình như bao đời vẫn vậy.

Ngọn Hải đăng Hòn Khoai. Ảnh: H.L

Ngọn Hải đăng Hòn Khoai. Ảnh: H.L

Trong chiến lược phát triển, tỉnh Cà Mau được quy hoạch trở thành trung tâm kinh tế biển của cả nước; là địa phương gắn với biển, hướng ra biển và làm giàu từ biển cả. Theo đó, Hòn Khoai là điểm nhấn đặc biệt. Nay mai thôi, Hòn Khoai sẽ có cảng biển tổng hợp nước sâu lớn nhất trong hệ thống cảng biển Việt Nam. Không chỉ vậy, Hòn Khoai với tiềm năng du lịch, hệ sinh thái đa dạng sẽ là những điểm nhấn mà du khách về Cà Mau khó có thể bỏ qua.

Với đất và người Cà Mau, Hòn Khoai, “mắt biển” phương Nam vẫn thủy chung, mãi mãi ngời sáng trên quê hương trong chặng đường đã qua và tương lai phía trước.

Phạm Quốc Rin

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/-ao-ngot-a31259.html