Áp dụng công nghệ để bảo đảm nguồn nước trong công nghiệp, sinh hoạt, đô thị

Biến đổi khí hậu và quá trình công nghiệp hóa khiến Việt Nam phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng, chất lượng nước suy giảm. Bởi vậy, theo các chuyên gia, việc áp dụng công nghệ là cách để bảo đảm nguồn nước trong công nghiệp, sinh hoạt và đô thị…

Những năm gần đây, Việt Nam đang phải đối mặt với hiện tượng khan hiếm nguồn nước và biến đổi chất lượng nguồn nước, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh…Do vậy, yêu cầu đặt ra là cần có những nghiên cứu đổi mới công nghệ tiên tiến để quản lý, phân bổ hợp lý nguồn tài nguyên nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

Việc ứng dụng quản lý nước thông minh mang lại nhiều lợi ích to lớn, từ góc độ đơn vị sản xuất, cấp nước, quản lý vận hành, chủ đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh đến người tiêu dùng. Đồng thời, đây cũng là công cụ hiệu quả để cơ quan quản lý Nhà nước kiểm tra, giám sát, chia sẻ thông tin giữa các hệ thống cấp nước, triển khai giải pháp điều tiết nước phù hợp, tạo hành lang pháp lý phát triển quản trị nước thông minh...

Đông đảo doanh nghiệp quốc tế và khách tham quan chuyên ngành về ngành Cấp thoát nước, Công nghệ Lọc nước và xử lý nước thải tại Việt Nam - Vietwater 2024 và Triển lãm về Xử lý chất thải và công nghệ môi trường tại Việt Nam

Đông đảo doanh nghiệp quốc tế và khách tham quan chuyên ngành về ngành Cấp thoát nước, Công nghệ Lọc nước và xử lý nước thải tại Việt Nam - Vietwater 2024 và Triển lãm về Xử lý chất thải và công nghệ môi trường tại Việt Nam

Từ thực tế này, các chuyên gia cho rằng, áp dụng công nghệ để bảo đảm cải thiện nguồn nước trong công nghiệp, sinh hoạt, đô thị được xem là vấn đề cấp bách hiện nay.

Ngày 6/11, phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm về ngành Cấp thoát nước, Công nghệ Lọc nước và Xử lý nước thải tại Việt Nam - Vietwater 2024 và Triển lãm về Xử lý chất thải và công nghệ môi trường tại Việt Nam - WETV 2024, ông Nguyễn Hồng Hiếu - Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá cao việc tổ chức gian hàng trưng bày sản phẩm, công nghệ tại triển lãm, giúp nâng cao trải nghiệm của khách tham quan.

"Đồng thời thông qua chuỗi hội thảo quốc tế mang đến những giải pháp góp phần vào phát triển bền vững ngành nước, môi trường tại Việt Nam” - ông Nguyễn Hồng Hiếu nhấn mạnh.

Còn theo bà Nguyễn Vân Nga - Trưởng đại diện Văn phòng Bộ Công Thương tại miền Nam, Bộ luôn cam kết đồng hành, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước ứng phó với biến đổi khí hậu.

Vietwater 2024 sẽ diễn ra từ ngày 6-8/11, tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), quận 7, TP Hồ Chí Minh. Sự kiện là nơi trưng bày các công nghệ và giải pháp tiên tiến nhất trong lĩnh vực cấp thoát nước, công nghệ lọc nước và xử lý nước thải, xử lý chất thải, môi trường.

Ước tính, Vietwater 2024 kết hợp cùng WETV 2024, thu hút hơn 450 đơn vị trưng bày đến từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, cùng hơn 10,000 khách tham quan chuyên ngành.

Bên cạnh đó, WETV - triển lãm đồng hành cũng sẽ mang đến nhiều đơn vị, chuyên gia chia sẻ về công nghệ thu gom, vận chuyển phế thải, phân loại, tái chế, quản lý và xử lý chất thải; các công nghệ giám sát, đo lường môi trường hay công nghệ tạo năng lượng từ vật liệu phế thải, cùng nhiều hạng mục sản phẩm liên quan đến nước, chất thải.

Tiểu Thúy

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ap-dung-cong-nghe-de-bao-dam-nguon-nuoc-trong-cong-nghiep-sinh-hoat-do-thi.html