Áp dụng công nghệ để số hóa ngành xây dựng

Các ngành nghề đều cùng lúc đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, và tất nhiên, ngành xây dựng cũng không phải ngoại lệ. Một trong những ứng dụng công nghệ nổi bật là Mô hình thông tin công trình BIM - đây được xem là giải pháp quan trọng được ngành xây dựng triển khai trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay.

Doji Tower - một công trình kiến trúc độc đáo tại Thủ đô. Đây là tòa nhà hình viên kim cương lớn nhất và điểm xuyết nhiều đá quý nhất Việt Nam

Với thiết kế mặt đứng phức tạp gồm nhiều hình khối độc lạ, việc triển khai thi công bằng phương pháp truyền thống sẽ kéo theo rất nhiều sai sót về thông số. Bởi vậy, Công ty thiết kế của dự án đã ứng dụng BIM (Mô hình thông tin công trình) - là một trong những giải pháp được nhiều công ty xây dựng đang áp dụng. Bởi, công cụ này đã giúp giảm thiểu lỗi từ con người trong việc tạo ra các bản vẽ kiến trúc và triển khai kỹ thuật xây dựng tòa nhà. Từ đó, các chuyên gia thiết kế sẽ tạo ra bản vẽ có độ chính xác cao, phức tạp và xây dựng mô hình tổng thể của tòa nhà. Nhờ đó các đơn vị thi công có cái nhìn trực quan và chi tiết từ đầu để tính toán được cụ thể từ vật liệu đến bố trí nhân công hợp lý khi thi công. Và công trình được đảm bảo tiến độ và chất lượng được nâng cao.

Anh Đào Khánh Lâm - Giám đốc Công ty Point Group cho biết: “Khi chúng ta đã chuyển đổi và áp dụng BIM chúng ta đi kèm với chuyển đổi số, chúng ta sẽ sử dụng công nghệ để chúng ta đưa ra các thông tin chính xác và đáng tin cậy, chúng ta sẽ giảm thiểu được các cái liên quan đến thời gian để xử lý các phần về thủ tục giấy tờ, hoặc các sai sót không đáng tin cậy."

Áp dụng công nghệ để số hóa ngành xây dựng

Hiện nay, mô hình thông tin công trình đã được ứng dụng ở nhiều dự án quan trọng như Trụ sở Tập đoàn công nghiệp - Viễn thông Quân đội, Trụ sở làm việc của Chính phủ và Văn phòng Chính phủ, Nhà ga hành khách cảng hàng không Quốc tế Phú Bài,…

Có thể thấy đối với ngành xây dựng, chuyển đổi số đồng nghĩa với việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số và các công cụ tương ứng để số hóa dữ liệu dự án và quy trình quản lý. Đảm bảo sự liên kết thông tin giữa công trường và văn phòng, giữa công trường và kho, cũng như giữa các bộ phận khác nhau. Sự ứng dụng này không chỉ giúp số hóa bản vẽ và dữ liệu thiết kế xây dựng mà còn hỗ trợ các linh vực khác của ngành xây dựng như mua bán BĐS, vật liệu xây dựng nhằm cung cấp thông tin nhanh chóng, chính xác đến khách hàng.

Tại Việt Nam tháng 3/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 258 phê duyệt Lộ trình áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số nào cũng sẽ gặp không ít khó khăn.

Việc triển khai áp dụng mô hình thông tin công trình đòi hỏi một khoản đầu tư ban đầu khá lớn để cập nhật phần mềm, mua các thiết bị; đào tạo nhân viên và nâng cao năng lực cho các bộ phận trong doanh nghiệp. Chi phí đầu tư ban đầu này có thể là một rào cản đối với các doanh nghiệp xây dựng vừa và nhỏ.

Không chỉ có mô hình thông tin công trình, công cuộc số hóa ngành xây dựng cũng đang diễn ra rất sôi nổi. Điều này góp phần rút ngắn thời gian, tăng độ chính xác và giúp nâng cao chất lượng công trình nhà ở tại Việt Nam. Song, quan trọng nhất vẫn là sự chung tay của các bên, từ doanh nghiệp đến Nhà nước, cùng nhau phát triển, tạo môi trường cạnh tranh minh bạch. Có như vậy, ngành xây dựng nói chung,thị trường bất động sản nói riêng của nước ta sẽ ngày càng phát triển vững mạnh và bền vững.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/ap-dung-cong-nghe-de-so-hoa-nganh-xay-dung-235180.htm