Áp dụng công nghệ 'sông trong ao', hướng đi bền vững phát triển nuôi trồng thủy sản

Trong bối cảnh diện tích đất không còn nhiều trong khi nhu cầu sản lượng ngày càng lớn và cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp có sự thay đổi, sử dụng công nghệ trong sản xuất và nuôi trồng thủy sản sẽ là hướng đi bền vững trong tương lai. Công nghệ 'sông trong ao' (IPRS) đáp ứng được các tiêu chí trên, góp phần tăng sản lượng và chất lượng thủy sản, thân thiện với môi trường. Mặc dù vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, tỷ lệ áp dụng thành công của công nghệ này tại Việt Nam chưa cao.

Công nghệ "sông trong ao" (IPRS) đáp ứng được các tiêu chí góp phần tăng sản lượng và chất lượng thủy sản, thân thiện với môi trường. (Ảnh: Baokhanhhoa.vn)

Công nghệ "sông trong ao" (IPRS) đáp ứng được các tiêu chí góp phần tăng sản lượng và chất lượng thủy sản, thân thiện với môi trường. (Ảnh: Baokhanhhoa.vn)

Công nghệ "sông trong ao", hướng phát triển sản xuất xanh, sạch, an toàn

Trang trại nuôi cá rộng 20ha của anh Bùi Văn Tùng nằm ven con đê sông Châu Giang, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, với hệ thống ao cá được đầu tư nuôi bài bản theo mô hình áp dụng công nghệ cao, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 6/2020. Sau khi tìm hiểu những mô hình nuôi thâm canh công nghệ cao, anh Tùng nhận thấy IPRS là mô hình hoàn toàn phù hợp với những tiêu chí mà mình hướng tới. Trải qua quá trình vận hành, anh Tùng nhận thấy sự khác biệt, tính ưu việt rõ rệt giữa IPRS và nuôi truyền thống.

Anh chia sẻ: “Mô hình IPRS giúp quản trị được sự thất thoát ngay từ khâu con giống, giải quyết được căn bản những yếu tố như: tổn thất đầu con, những yếu tố ngoại lai xâm phạm. Đồng thời, diện tích nuôi nhỏ giúp thuận lợi hơn trong quản trị và khâu chăm sóc. Điều này cũng đồng nghĩa với việc một nhân công có thể bao quát được mô hình, tiết kiệm đáng kể về chi phí lao động.

Theo anh Tùng, sử dụng công nghệ nuôi "sông trong ao" rủi ro dịch bệnh được hạn chế tối đa. Khi có phát sinh vấn đề dịch bệnh việc xử lý cũng dễ dàng và tiết kiệm chi phí hơn, bởi cá được nuôi trong diện tích nhỏ, các yếu tố nuôi được kiểm soát một cách dễ dàng.

Mô hình IPRS giúp quản trị được sự thất thoát ngay từ khâu con giống, giải quyết được căn bản những yếu tố như: tổn thất đầu con, những yếu tố ngoại lai xâm phạm. (Ảnh: Nongnghiep.vn)

Mô hình IPRS giúp quản trị được sự thất thoát ngay từ khâu con giống, giải quyết được căn bản những yếu tố như: tổn thất đầu con, những yếu tố ngoại lai xâm phạm. (Ảnh: Nongnghiep.vn)

Bên cạnh đó, chu kỳ chăn nuôi ngắn, sản phẩm luôn bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, sau thu hoạch cá cho phép thả con giống mới ngay mà không cần phải xử lý đáy ao…

Mặt khác, với diện tích nuôi nhỏ, thuận lợi cho việc thu hoạch, IPRS giúp giảm được 2% chi phí đánh bắt, thu hoạch; giảm được từ 7-10% chi phí hao hụt trọng lượng cá trong khâu thu hoạch (cá bị stress). Tiêu thụ điện năng tính trên giá thành đầu con giảm nhiều so với nuôi truyền thống (sử dụng guồng quạt).

Đặc biệt, cá được nuôi theo mô hình IPRS đem lại chất lượng vượt trội. Môi sinh cá luôn tiếp xúc với lượng ô-xy tươi mới, cá không bị stress, thường xuyên vận động biến đổi cơ tính, không tiếp xúc với bùn, đáy. Tất cả những yếu tố trên giúp chất lượng cá có sự khác biệt vượt trội so với nuôi thông thường. Thịt cá thơm ngon, chắc thịt và đặc biệt không có mùi tanh.

Cá được nuôi theo mô hình IPRS đem lại chất lượng vượt trội.

“Cá rô phi nuôi ở ao, bùn thải nhiều sẽ khiến cá hình thành lớp màng đen ở khoang bụng, khiến cá có mùi tanh. Đó là một trong những lý do cản trở việc xuất khẩu cá rô phi Việt Nam sang thị trường quốc tế. Cá nuôi theo mô hình 'sông trong ao' không xuất hiện màng đen, thịt thơm, chắc”, anh Tùng chia sẻ thêm.

Chia sẻ tại Hội thảo “Nuôi trồng thủy sản bền vững quy mô công nghiệp với công nghệ "sông trong ao" do Cục Thủy sản tổ chức mới đây ông Châu Ái Hoan, Giám đốc kỹ thuật nuôi trồng thủy sản của USSEC cho biết: USSEC đã triển khai mô hình đầu tiên tại Trung Quốc vào năm 2013 dựa trên nguyên lý của ao truyền thống và máng nuôi. Ưu điểm của công nghệ này là giúp nâng cao năng suất và tỷ lệ sống, cải thiện hệ số chuyển đổi thức ăn và hiệu quả cho ăn, giảm thiểu thuốc và hóa chất, bảo đảm an toàn thực phẩm, kiểm soát lượng cá tốt hơn với tỷ lệ thu hoạch 100% mà không cần rút nước. Ngoài ra, mô hình này cũng thả nuôi được nhiều loài cá như trắm cỏ, cá vược nước ngọt, trắm đen, vược nhật, cá chép, cá chim trắng, cá diếc, cá rô phi, chép Wuchang, cá lăng đen, cá trê trắng... Bên cạnh đó, IPRS còn giúp phân lọc chất thải và tái sử dụng làm phân bón cho cây trồng.

Từ khi USSEC triển khai thành công mô hình đầu tiên năm 2013, tính đến nay đã có 20 tỉnh, thành phố tại Trung Quốc áp dụng triển khai với tổng số máng nuôi tăng từ 3 máng lên khoảng 13.000 máng vào năm 2023.

Theo ông Hoan một trong những điều kiện tiên quyết trước khi thả mà người nuôi cần phải bảo đảm đó là yếu tố “ba sạch”: ao sạch, nước sạch, cá sạch. Những hợp phần quan trọng tạo nên mô hình IPRS bao gồm: máng nuôi, vùng nước tĩnh/thu gom chất thải, bửng chắn, cổng chắn, đơn vị nước trắng, hệ thống sục khí đáy, thiết bị thu gom chất thải, máy cho ăn tự động, máy phát dự phòng, dụng cụ thu hoạch, thiết bị báo động. Tuy nhiên, theo ông Hoan, dù sử dụng công nghệ nào thì USSEC cũng cam kết 3 điều “thân thiện với môi trường, an toàn thực phẩm và phát triển bền vững”.

Nhiều khó khăn đưa công nghệ IPRS vào sản xuất tại Việt Nam

Mặc dù vậy việc áp dụng công nghệ "sông trong ao" tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn. Theo TS Bùi Ngọc Thanh, Giám đốc kỹ thuật, đại diện khu vực miền bắc và miền trung – USSEC cho biết: “Hiện tại, mô hình IPRS đang gặp trở ngại về vốn đầu tư ban đầu và đầu tư cho vận hành. Vì hầu hết hộ dân là nông dân nuôi cá, khó khăn trong điều kiện kinh tế để có thể đầu tư dài hạn. Rất nhiều người sau khi nghe giới thiệu về công nghệ đều rất muốn áp dụng, nhưng khi đi sâu vào chi phí, người nuôi rất đắn đo.

Cá được nuôi theo mô hình IPRS luôn tiếp xúc với lượng ô-xy tươi mới, cá không bị stress, thường xuyên vận động biến đổi cơ tính, không tiếp xúc với bùn, đá, đem lại chất lượng vượt trội. (Ảnh: Nongnghiep.vn)

Cá được nuôi theo mô hình IPRS luôn tiếp xúc với lượng ô-xy tươi mới, cá không bị stress, thường xuyên vận động biến đổi cơ tính, không tiếp xúc với bùn, đá, đem lại chất lượng vượt trội. (Ảnh: Nongnghiep.vn)

Đặc biệt, một số người mạnh dạn đầu tư, nhưng chưa đúng mức do điều kiện tài chính không đủ. Điều này dẫn đến xu hướng cắt bớt một số khâu/yếu tố khiến mô hình vận hành không đúng nguyên lý, do vậy không đạt được hiệu quả như mong muốn. "Sông trong ao" phù hợp hơn cho những trang trại quy mô lớn, hướng tới sản xuất hàng hóa, đề cao chất lượng sản phẩm và tính bền vững môi trường.

Công nghệ "sông trong ao" được coi là nền tảng giúp chúng ta bước chân được vào những thị trường tiêu thụ khó tính và tiềm năng. Thực chất, đối với tiêu dùng nội địa, Việt Nam có nhiều điều kiện sản xuất thủy sản nhưng chúng ta chưa thiết lập được kênh tiêu thụ.

Theo ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn): IPRS đã có một thời gian dài được triển khai tại một số địa phương phía bắc, phía nam và Tây Nguyên của Việt Nam trong đó có mô hình nuôi cá tầm ở Lâm Đồng cho kết quả tốt. Theo Cục trưởng, chúng ta đã tiếp thu công nghệ nước ngoài, tuy nhiên với nuôi quy mô công nghiệp thì IPRS là một xu hướng tất yếu khi đến một lúc nào đó diện tích đất không còn nhiều trong khi nhu cầu sản lượng ngày càng lớn và cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp có sự thay đổi.

Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân cho rằng: IPRS sẽ góp phần tạo ra thương hiệu cho các sản phẩm thủy sản và muốn làm được điều đó thì trong khâu tổ chức sản xuất cần tạo ra các sản phẩm đồng đều về chất lượng, phải có sự kết nối giữa những người dân với nhau để đưa sản phẩm đến với thị trường. Ngoài ra, Cục trưởng nhấn mạnh khi nuôi cần lựa chọn thời điểm xuống giống cho phù hợp, không phải chỉ tăng mãi sản lượng mà cần đi sâu vào chất lượng và hiệu quả kinh tế, đáp ứng vấn đề bảo vệ môi trường và bảo đảm an sinh cho con cá.

Công nghệ "sông trong ao" được coi là nền tảng giúp chúng ta bước chân được vào những thị trường tiêu thụ khó tính và tiềm năng. Thực chất, đối với tiêu dùng nội địa, Việt Nam có nhiều điều kiện sản xuất thủy sản nhưng chúng ta chưa thiết lập được kênh tiêu thụ. Để làm được điều này thì ngành nuôi trồng thủy sản cần có một nền tảng để phát triển. IPRS là một nhân tố thúc đẩy, tạo đà cho sự phát triển của ngành thủy sản Việt Nam.

Công nghệ "sông trong ao" là công nghệ nuôi bền vững với mật độ cao giúp tăng năng suất nuôi bằng việc sử dụng ít diện tích nuôi, do vận dụng nguyên lý nước lưu thông trong ao, có thể nuôi, thả cá liên tục quanh năm. Công nghệ này được phát minh bởi Đại học Auburn và được Hội đồng xuất khẩu Đậu tương Hoa Kỳ (USSEC) phổ biến tới người nuôi nhằm tăng sản lượng và chất lượng thủy sản một cách hiệu quả, bền vững.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ap-dung-cong-nghe-song-trong-ao-huong-di-ben-vung-phat-trien-nuoi-trong-thuy-san-post785784.html