Áp dụng hóa đơn điện tử với hoạt động kinh doanh vàng mang lại nhiều lợi ích
Theo Luật sư Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA), việc áp dụng hóa đơn điện tử với hoạt động kinh doanh vàng mang lại nhiều lợi ích về mặt quản lý nhà nước, với doanh nghiệp, với người tiêu dùng, đặc biệt là chống được nhập lậu vàng.
Văn phòng Chính phủ vừa phát đi Văn bản số 231/TB-VPCP ngày 18/5 thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, thị trường vàng, tỷ giá, lãi suất và huy động vốn cho đầu tư phát triển.
Tại Văn bản này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát, thực hiện nghiêm quy định pháp luật về hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế theo từng lần trong hoạt động kinh doanh, mua, bán vàng, hoàn thành chậm nhất trước ngày 15/6/2024. Đồng thời, xử lý nghiêm, kiên quyết rút, thu hồi ngay giấy phép kinh doanh đối với các doanh nghiệp, đơn vị không thực hiện đúng quy định về hóa đơn điện tử và xử lý theo pháp luật hiện hành…
Liên quan đến chỉ đạo này của Thủ tướng Chính phủ, Tạp chí Tài chính đã có phỏng vấn với Luật sư Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA).
Phóng viên: Thưa ông, thời gian qua, chúng ta đã quyết liệt triển khai việc xuất hóa đơn theo từng lần bán hàng đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu. Ông có đánh giá gì về kết quả này?
Luật sư Phạm Ngọc Hưng: Trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, tôi được biết cũng có hệ thống buôn bán sang tay phiếu mua đầu vào lòng vòng rồi mới tới cây xăng bán lẻ. Do đó, nhiều cây xăng không thực hiện nhập hàng chính thống mà nhập hàng trôi nổi.
Chính nhờ việc áp dụng hóa đơn điện tử với hoạt động mua bán xăng dầu đã giải quyết nên đã kiểm soát được doanh thu của từng cây xăng; Nhà nước thu được thuế và cũng chống được buôn lậu xăng dầu.
Phóng viên: Ông nhìn nhận ra sao về lợi ích của việc áp dụng hóa đơn điện tử đối tử đối với Nhà nước, doanh nghiệp và thị trường vàng?
Luật sư Phạm Ngọc Hưng: Thứ nhất, về tình trạng đầu vào của vàng, ngoài nhập chính ngạch thì vàng nhập lậu rất nhiều. Tôi từng làm luật sư cho một vụ án nhập 51 kg vàng lậu ở An Giang. Theo vụ án đó, tôi được biết những tiệm vàng ở An Giang, TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ lô vàng lậu đó.
Nếu là vàng lậu, đầu vào không rõ thì đầu ra cũng sẽ bán mập mờ. Như vậy, có hóa đơn điện tử, bắt buộc đơn vị bán phải xuất hóa đơn đầu ra. Theo đó, sẽ hạn chế được việc buôn lậu vàng, vì buôn lậu thì làm gì có đầu vào để hợp thức hóa.
Thứ hai, với doanh nghiệp, việc buôn bán dùng hóa đơn điện tử sẽ đóng thuế đàng hoàng. Thuế qua vàng buôn bán với khối lượng lớn nhưng cơ sở kinh doanh né thuế nhiều. Do đó, có hóa đơn điện tử bắt buộc đơn vị kinh doanh vàng phải khai báo thuế. Như vậy, Nhà nước không bị thất thu thuế qua hoạt động kinh doanh vàng.
Thứ ba là với người mua. Khi cần bán lại sản phẩm vàng, nếu có hóa đơn điện tử kèm theo sẽ chứng minh được nguồn gốc sản phẩm, tránh được việc bị “ép” tuổi vàng. Có hóa đơn, người mua cũng bảo vệ được quyền lợi của mình khi giao dịch.
Thông qua hóa đơn điện tử, chúng ta có phần mềm quản lý, sẽ giúp cơ quan quản lý theo dõi được thị trường vàng. Kể cả địa phương nào đang đẩy giá vàng lên, thông qua việc bán bán có hóa đơn điện tử sẽ quản lý được lên xuống kinh doanh vàng.
Nhưng theo tôi, cái được lớn nhất khi áp dụng hóa đơn tiện tử trong kinh doanh vàng đó là chống được buôn lậu.
Phóng viên: Để chống nhập lậu, chúng ta có nên bỏ độc quyền nhập khẩu vàng không, thưa ông?
Luật sư Phạm Ngọc Hưng: Chúng ta vẫn thấy tin tức về các vụ buôn lậu qua biên giới ở An Giang, Tây Ninh… với trữ lượng lớn. Tôi cho rằng, muốn xử lý nhập lậu, chúng ta đừng độc quyền về nhập khẩu vàng. Vì vẫn còn độc quyền nhập nên vẫn còn tình trạng buôn lậu. Các thành phần điều chỉnh giá lên xuống làm nhà nước rất khó kiểm soát thị trường này.
Phóng viên: Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến ngày 15/6 tới đây, đơn vị nào không thực hiện hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế trong mua bán vàng thì rút giấy phép. Ông có đánh giá gì về chỉ đạo này?
Luật sư Phạm Ngọc Hưng: Tôi cho rằng đây là chỉ đạo là chính xác!
Cơ quan thuế là nơi theo dõi quan sát được hoạt động này. Vấn đề là làm thế nào để nhanh chóng triển khai lắp đặt thiết bị để liên kết giữa cơ quan quản lý thuế và cơ sở kinh doanh vàng nhằm theo dõi, quản lý việc áp dụng hóa đơn điện tử. Tôi cho rằng, việc lắp đặt cũng dễ, bởi lâu nay chúng ta đã áp dụng hóa đơn điện tử với các ngành khác, có thể thấy đã áp dụng thành công với kinh doanh xăng dầu.
Tôi nghĩ là cần phải kiểm tra gắt gao việc tuân thủ áp dụng hóa đơn điện tử với hoạt động kinh doanh vàng. Cần vào sự quyết liệt, phối hợp của các ban ngành về quản lý thị trường, thanh tra tài chính, thuế…
Một điều quan trọng không kém là cần tuyên truyền để người dân ý thức được khi mua vàng cần yêu cầu phía bán xuất hóa đơn, điều này cũng nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân.