Áp dụng 'kỳ họp không giấy' nhưng luôn cần công chức '4T'

Sáng 12-7, kỳ họp thứ 15 HĐND TPHCM khóa IX bước sang ngày làm việc thứ hai, với phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM.

Trong phiên thảo luận, đại biểu (ĐB) HĐND TPHCM hoan nghênh HĐND TPHCM tiên phong áp dụng “kỳ họp không giấy” và TPHCM có nhiều nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin để cải cách hành chính (CCHC). Tuy nhiên, để TPHCM thực hiện CCHC, xây dựng đô thị thông minh thành công, ĐB HĐND TPHCM cho rằng, quan trọng nhất vẫn là thái độ, sự phục vụ của công chức.

Cần công chức “4T”

ĐB Nguyễn Mạnh Trí bày tỏ phấn khởi khi được trải nghiệm “kỳ họp không giấy” và TPHCM có nhiều nỗ lực áp dụng công nghệ thông tin trong CCHC.

Trong thời buổi công nghệ, theo ĐB Trí, việc tiếp nhận thông tin có thể nói là siêu tốc, tuy nhiên, vấn đề chính là xử lý thông tin, giải quyết công việc như thế nào để ra kết quả sớm nhất cho người dân, thì vẫn là con người. Cùng với áp dụng công nghệ, cần có các công chức xứng đáng, đó là những công chức có thái độ thân thiện, làm việc tận tâm, tận lực và tận tình.

ĐB Nguyễn Mạnh Trí gọi đó là những công chức "4T", có như vậy, việc CCHC, xây dựng thành công đô thị thông minh mới hiệu quả.

Quan tâm việc hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, ĐB Vương Đức Hoàng Quân góp ý, các doanh nghiệp FDI thời gian qua góp phần quan trọng cho sự phát triển của TPHCM, nên chăng thống kê xem các doanh nghiệp này hỗ trợ như thế nào cho doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo ở TPHCM.

Về tờ trình của UBND TP về quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B đối với dự án Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, ĐB Hoàng Quân góp ý, Trung tâm này không chỉ là một tòa nhà với một số chức năng như tờ trình nêu, mà nó cần được nâng lên thành một định chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo, là cầu nối để các tổ chức chính phủ, phi chính phủ toàn cầu cùng với chính quyền TP thực hiện đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Cần phạt lao động công ích người xả rác

ĐB Trần Quang Thắng quan tâm tới vấn đề rác thải. Ông đề nghị bên cạnh việc tuyên truyền vận động cần phạt nặng hành vi xả rác bừa bãi, cộng thêm phạt lao động công ích. Chẳng hạn, nếu vứt 1kg rác thì phải thu gom 10kg rác. Còn tiền xử phạt có thể dùng để trả lương cao cho những người thực thi nhiệm vụ.

Đại biểu Trần Quang Thắng phát biểu thảo luận. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đại biểu Trần Quang Thắng phát biểu thảo luận. Ảnh: VIỆT DŨNG

ĐB Vũ Thanh Lưu nêu thực tế, có nhiều người xả rác không bị xử phạt. Vì thế, đang có nghịch lý: một mặt vận động nhiều người dân không xả rác; mặt khác, người xả rác lại không bị phạt nghiêm, khiến việc vận động không xả rác ít nhiều giảm ý nghĩa.

ĐB Vũ Thanh Lưu đề nghị các địa phương cần xử phạt nghiêm các hành vi xả rác, đổ nước thải, để súc vật phóng uế, để tiếng ồn ảnh hưởng xung quanh… Đồng thời, HĐND TPHCM cần giám sát các địa phương xem các địa phương có xử lý nghiêm hay không.

Đại biểu Vũ Thanh Lưu phát biểu thảo luận. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đại biểu Vũ Thanh Lưu phát biểu thảo luận. Ảnh: VIỆT DŨNG

Trao đổi với các đại biểu về vấn đề rác thải, Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường Nguyễn Toàn Thắng cho biết, việc phân loại rác tại nguồn hiện đang được thực hiện theo lộ trình TP đề ra. Cụ thể, từ cuối 2018 đến hết năm 2019 tập trung cho công tác tuyên truyền, đồng thời chuẩn bị các điều kiện về phương tiện thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sau phân loại. Mục tiêu đến năm 2020, ít nhất có 50% hộ dân TPHCM thực hiện phân loại rác tại nguồn.

Giám đốc Sở Tài Nguyên Môi trường Nguyễn Toàn Thắng phát biểu thảo luận. Ảnh: VIỆT DŨNG

Giám đốc Sở Tài Nguyên Môi trường Nguyễn Toàn Thắng phát biểu thảo luận. Ảnh: VIỆT DŨNG

Các ĐB nói cử tri không hài lòng khi gia đình đã phân loại rác nhưng đến khi thu gom lại bỏ chung một xe, ông Thắng thông tin thêm, TP đã ban hành quy định mẫu xe, trong đó có 4 mẫu, giá từ 10-200 triệu đồng tùy mẫu. Đồng thời hỗ trợ lãi suất cho vay để các đơn vị thu gom có điều kiện chuyển đổi phương tiện theo quy định. Với hơn 2.200 đường dây rác, ông Thắng cho biết đã chuyển đổi được 700 đường dây thành hợp tác xã và 185 đường dây thành công ty.

Liên quan đến công tác xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết, 6 tháng đầu năm, TP đã xử phạt 50 doanh nghiệp vi phạm, với tổng số tiền 8 tỷ đồng, với vi phạm chủ yếu về nước thải và khí thải.

Giải pháp nào đối với “tín dụng đen”?

Trước thực trạng tín dụng đen, cho vay nặng lãi diễn biến phức tạp, đi liền là các tội phạm liên quan phát sinh, ĐB Nguyễn Thị Tố Trâm phân tích, đáng nói là hầu hết vụ việc chỉ bị xử lý hành chính, ít vụ được khởi tố. ĐB Nguyễn Thị Tố Trâm đề nghị Công an có giải pháp xử lý hiệu quả các đối tượng hoạt động tín dụng đen.

ĐB Tăng Hữu Phong cho rằng, tín dụng đen thời điểm này đã bớt gay gắt, nhưng vẫn còn gây bức xúc trong nhân dân, có nguy cơ gây ra những điểm nóng. ĐB Phong đề nghị UBND TP và Công an TP thông tin đầy đủ hơn về tình hình, kết quả thực hiện, 6 tháng cuối năm có giảm được không để cử tri được rõ.

ĐB Nguyễn Mạnh Tríkiến nghị TPHCM khi thực hiện chính sách ưu đãi vốn vay cho người nghèo, cần ban hành các thủ tục thật gọn, để người nghèo tiếp cận các chính sách một cách dễ dàng, đơn giản, nhanh chóng. Qua đó, tạo ra hiệu quả thiết thực, góp phần hạn chế nguy cơ người nghèo rơi vào “bẫy” tín dụng đen.

Trao đổi về giải pháp trước thực trạng “tín dụng đen”, Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TPHCM cho biết, Công an TPHCM đã có kế hoạch chuyên đề về “tín dụng đen”. Trong đó, có hướng dẫn cụ thể về hướng xử lý hình sự cũng như xem xét xử lý hành chính trong trường hợp không xử lý hình sự được. Đồng thời, Công an TPHCM thu thập, tìm hiểu mối liên hệ giữa các tổ chức có liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi, rà soát các đối tượng có hoạt động đòi nợ thuê.

Giám đốc Công an TPHCM Lê Đông Phong phát biểu thảo luận. Ảnh:VIỆT DŨNG

Giám đốc Công an TPHCM Lê Đông Phong phát biểu thảo luận. Ảnh:VIỆT DŨNG

Trung tướng Lê Đông Phong cho hay, 6 tháng vừa qua, số vụ việc, vụ án liên quan đến “tín dụng đen” đã giảm 20%; số vụ tạt chất bẩn, la ó ồn ào, uy hiếp nạn nhân đã giảm 22%.

Trung tướng Lê Đông Phong cũng tán đồng với đề nghị của các ĐB là TP cần có các chính sách hỗ trợ vốn ưu đãi cho người nghèo một cách thiết thực.

Cần đánh giá lại biện pháp cai nghiện tại cộng đồng

Liên quan đến tình trạng tội phạm, tệ nạn ma túy diễn biến phức tạp, Trung tướng Lê Đông Phong cho biết, Công an TPHCM đang tăng cường giải pháp ngăn chặn “cung” ma túy. Công an TPHCM không chỉ thụ động đấu tranh ở trên địa bàn TPHCM mà còn chủ động phối hợp với địa phương bạn để phòng chống từ xa. Đồng thời, về “cầu” ma túy, đang rà lại khách quan số người nghiện ma túy để tính toán các biện pháp phù hợp.

Giám đốc Công an TPHCM đề nghị TPHCM xem xét, đánh giá một cách thực tế, khách quan biện pháp quản lý cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Trung tướng Lê Đông Phong khẳng định, việc đưa đi cai nghiện tập trung là tốt cho cả người nghiện ma túy và tốt cho xã hội. TPHCM nên kiên trì, kiên quyết các giải pháp hữu hiệu hơn, nhanh chóng hơn trong cai nghiện ma túy.

MINH PHONG - MAI HOA - MẠNH HÒA

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/ap-dung-ky-hop-khong-giay-nhung-luon-can-cong-chuc-4t-604374.html