Áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo trong nhân giống gà Đông Tảo
Những năm gần đây, thụ tinh nhân tạo là phương pháp được nhiều hộ chăn nuôi gà Đông Tảo, Đông Tảo lai trên địa bàn tỉnh áp dụng. Phương pháp nhân giống gà này dễ áp dụng, tỷ lệ trứng có phôi, tỷ lệ ấp nở cao hơn so với gà sinh sản tự nhiên, chất lượng con giống tốt, đồng đều giúp giảm bớt chi phí trong chăn nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân.
Anh Vũ Văn Hoàn ở thôn Chấn Đông, xã Hoàn Long (Yên Mỹ) chia sẻ kỹ thuật thụ tinh nhân tạo trên đàn gà Đông Tảo, Đông Tảo lai
Nhận thấy nhu cầu của thị trường về con giống gà Đông Tảo, Đông Tảo lai lớn, cùng với đầu tư chuồng trại khép kín, từ năm 2018, anh Vũ Văn Hoàn ở thôn Chấn Đông, xã Hoàn Long (Yên Mỹ) mạnh dạn áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo cho đàn gà sinh sản. Trại gà rộng hơn 900m2 của gia đình anh được chia thành các khu chăn nuôi riêng cho gà hậu bị, gà trống, gà mái đẻ trứng. Trang trại có 1.500 con gà đẻ (giống Đông Tảo lai) nhưng anh chỉ nuôi 30 gà trống (giống Đông Tảo). Với kỹ thuật thụ tinh nhân tạo đang được áp dụng, một con gà trống có thể phối giống cho 50 con gà mái, tỷ lệ trứng có phôi đạt tới 95%. Nếu như cách phối giống tự nhiên, một con gà trống chỉ phối giống được cho 5-10 con gà mái, tỷ lệ phôi của trứng chỉ đạt 60-70%.
Anh Hoàn cho biết: Mỗi ngày trại gà của gia đình tôi cho thu hơn 500 quả trứng, toàn bộ số trứng sẽ được đưa vào lò ấp. Mỗi ngày tôi cung cấp 350 con giống cho thị trường trong và ngoài tỉnh với giá từ 25.000 đến 30.000 đồng/con. Ngoài ra, mỗi năm tôi còn xuất bán hàng chục tấn gà thịt với giá từ 120.000 đồng/kg trở lên. Từ trại gà này, mỗi năm mang lại cho gia đình tôi lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng.
Năm 2019, anh Hoàng Anh Dũng ở thôn Vân Nội, xã Đồng Tiến (Khoái Châu) bắt đầu nuôi gà Đông Tảo. Từ đó đến nay, anh tiếp tục mở rộng quy mô, đầu tư xây dựng hơn 3.000m2 chuồng trại khép kín, có lắp đặt hệ thống quạt thông gió, nước làm mát, máy ấp trứng, máy phát điện, hầm biogas xử lý chất thải chăn nuôi. Hiện nay, trong chuồng thường xuyên có trên 14.000 con gà đẻ giống Lương Phượng, 600 con gà trống Đông Tảo. Anh áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho gà sinh sản và ấp nở bằng máy.
Anh Dũng cho biết: Gà Đông Tảo có trọng lượng lớn, chân to, chậm chạp, nếu để sinh sản tự nhiên, tỷ lệ trứng có phôi và tỷ lệ gà nở thấp. Nếu áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo, tỷ lệ trứng có phôi đạt 95% – 97%, tỷ lệ gà nở so với số trứng cho ấp đạt khoảng 75%. Gà con nở ra đồng đều, sinh trưởng, phát triển tốt, bảo tồn được nhiều đặc điểm quý như: Chân to, mã đẹp, trọng lượng lớn. Chi phí sản xuất thấp hơn 20% – 25% so với phương pháp nhân giống tự nhiên nên mang lại lợi nhuận cao hơn. Trong quá trình nuôi, tôi chú ý tiêm vắc xin phòng bệnh cho gà định kỳ; vệ sinh máng ăn, dụng cụ chứa nước uống cho gà, vệ sinh nền chuồng thường xuyên; tiêu độc khử trùng toàn bộ trại nuôi bằng vôi bột định kỳ một tuần/lần, hạn chế người lạ ra, vào khu vực chăn nuôi…
Theo thông tin từ Phòng Chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và PTNT), hiện nay tổng đàn gà toàn tỉnh là 6,2 triệu con với các giống như: Gà Đông Tảo, Đông Tảo lai, Lương Phượng, Ai Cập… Kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho gà được các hộ chăn nuôi trong tỉnh áp dụng khoảng 7 năm nay, chủ yếu trên đàn gà Đông Tảo và Đông Tảo lai. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 10 trang trại áp dụng phương pháp này để nuôi gà sinh sản. Đây là phương pháp mang lại hiệu quả cao, góp phần bảo tồn và phát triển giống gà quý hiếm này.
Phương pháp thụ tinh nhân tạo cho gà mang lại hiệu quả cao hơn so với việc đàn gà phối giống tự nhiên, giúp hộ chăn nuôi chọn được con giống tốt, tăng nhanh đàn và tăng giá trị trên 30%. Đàn gà con sau khi ấp trứng sinh ra có tỷ lệ đậu đạt 98%, sau 16 tuần gà có tỷ lệ sống đạt 95%; trong khi gà được phối giống tự nhiên chỉ đạt 88%. Phương pháp thụ tinh nhân tạo không đòi hỏi kỹ thuật phức tạp đã giúp cho người chăn nuôi tăng nhanh đàn gà và bảo vệ được nguồn giống thuần chủng. Ngành Nông nghiệp và PTNT khuyến khích người dân ứng dụng kỹ thuật này trên diện rộng.