Áp dụng thành công hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu là kinh nghiệm tốt để triển khai với các dịch vụ khác
Tính đến ngày 2/4, trên toàn quốc đã có 15.931/15.935 cửa hàng xăng dầu xuất hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng. Hiện chỉ còn 4 cửa hàng ở vùng sâu, vùng xa chưa thực hiện, dự kiến sẽ được lắp đặt các thiết bị phục vụ xuất hóa đơn điện tử trong tuần tới.
Đây là thông tin được Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết tại cuộc họp báo Chính phủ tháng 3 diễn ra chiều 3/4.
Bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo điều hành
Tại cuộc họp báo, phóng viên báo Pháp luật TP. HCM đề cập đến kết quả các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên toàn quốc đã thực hiện xuất hóa đơn được 96,99% và hoàn thành trong vòng 3 tháng thay vì 2 năm.
Nêu thông tin tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ sáng 3/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đánh giá rất cao kết quả này và coi đây là bài học trong việc chỉ đạo điều hành, phóng viên đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Công thương cho biết cụ thể hơn về kết quả triển khai hóa đơn điện tử và bài học kinh nghiệm rút ra từ công tác này.
Trả lời câu hỏi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, tính đến ngày 2/4, trên toàn quốc đã có 15.931/15.935 cửa hàng xăng dầu xuất hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng.
Đến nay, chỉ còn 4 cửa hàng chưa thực hiện, đây là những cửa hàng ở vùng sâu, vùng xa, dự kiến trong tuần tới khi các thiết bị phục vụ việc triển khai xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng về, các đơn vị sẽ khẩn trương thực hiện. Trong thời gian tới, ngành Thuế sẽ tiếp tục chỉ đạo toàn bộ hệ thống, phối hợp với sở ban ngành, địa phương để giám sát hoạt động của các cây xăng, thực hiện đúng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Chia sẻ về bài học kinh nghiệm trong triển khai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, việc triển khai hóa đơn điện tử đã có nền tảng pháp lý được thực hiện từ năm 2021 với Luật Quản lý thuế số 38, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ và thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Hiện nay, các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh đã cơ bản thực hiện 100% hóa đơn điện tử. Cơ quan thuế cũng đã có công nghệ nền tảng để lưu giữ 7,5 tỷ các giao dịch của người dân và doanh nghiệp từ năm 2021.
Nêu rõ xăng dầu là mặt hàng nhạy cảm, thuộc diện quản lý đặc biệt của Nhà nước, Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh cho biết, trong quá trình triển khai, Thủ tướng Chính phủ đã có 4 công điện chỉ đạo. Ngành Thuế cũng đã tham mưu với Bộ Tài chính có văn bản chỉ đạo toàn bộ hệ thống cơ quan thuế, cũng như phối hợp với các sở công thương các địa phương triển khai đồng bộ tại 63 cục thuế và 115 chi cục, giám sát chặt chẽ hoạt động của các cây xăng.
Nâng cao nhận thức người tiêu dùng, thúc đẩy chuyển đổi số
Một yếu tố nữa góp phần vào thành công này là có hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin phát triển, cùng với việc triển khai đồng bộ Đề án 06 do Bộ Công an chủ trì, từ đó đã thúc đẩy triển đổi số tại các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
“Chúng tôi đánh giá cao các công ty công nghệ đã có giải pháp kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp xăng dầu. Các doanh nghiệp xăng dầu cũng đã nhận thức được ý nghĩa của quá trình chuyển đổi số nên đã đầu tư thích đáng cải tiến công nghệ tại các cây xăng” - Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh cho hay.
Cuộc họp báo diễn ra chiều 3/4
Cùng với đó, ông Đặng Ngọc Minh cũng nhấn mạnh, đây là kết quả sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hỗ trợ của hệ thống thông tin truyền thông báo chí, qua đó đã nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng để người tiêu dùng hiểu về việc cần thiết xuất hóa đơn, thúc đẩy việc chuyển đổi số tại mỗi doanh nghiệp.
Việc triển khai hóa đơn điện tử tại các cửa hàng xăng dầu lần này cũng là điều kiện để các cơ quan quản lý chặt chẽ hơn mặt hàng xăng dầu, tạo điều kiện tăng cường quản trị lĩnh vực xăng dầu, chống gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu.
"Với những kinh nghiệm này, thời gian tới, ngành Thuế sẽ tiếp tục tham mưu với Chính phủ trong việc quản lý chặt chẽ thương mại điện tử và triển khai hóa đơn điện tử với các hoạt động dịch vụ" - ông Đặng Ngọc Minh thông tin thêm.
Trước đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và các cơ quan, ban, ngành thuộc và trực thuộc tại trung ương và địa phương đã đưa ra nhiều chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện hóa đơn điện tử từng lần bán hàng tại các cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp, cửa hàng xăng dầu nhỏ lẻ của tư nhân trước đây vẫn e ngại thực hiện quy định do sợ phải đầu tư hạ tầng, thiết bị tốn kém, lỗi thiết bị... Bên cạnh đó, hoạt động của một số điểm kinh doanh xăng dầu không thật sự minh bạch về doanh thu, hóa đơn. Một số sai phạm, gian lận vẫn xảy ra trong hoạt động kinh doanh xăng dầu…
Chính vì vậy, việc xuất hóa đơn điện tử cho khách hàng sau mỗi lần bán xăng dầu được coi là giải pháp giúp cơ quan thuế tăng cường kiểm soát việc phát hành hóa đơn và quản lý doanh thu với các đơn vị kinh doanh xăng dầu. Từ đó, nâng cao tính tuân thủ của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong việc kê khai, nộp thuế. Đồng thời, ngăn chặn tình trạng gian lận trong kinh doanh xăng dầu, hạn chế thất thu ngân sách nhà nước…
Sau hai Công điện số 1123 và Công điện số 1284 được ban hành vào cuối năm 2023, ngày 26/3/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp tục ký ban hành Công điện số 26/CĐ-TTg về việc tăng cường các biện pháp quản lý mặt hàng xăng dầu, thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.
Tại Công điện số 26/CĐ-TTg, Thủ tướng giao Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường chỉ đạo các sở, ban ngành tại địa phương phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng về thuế, công an, công thương và cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác quản lý, kiểm tra giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không thực hiện hoặc cố tình không thực hiện quy định về hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế thông qua chuyển đổi số đối với hoạt động bán lẻ xăng dầu tại địa phương theo đúng các chỉ đạo của Chính phủ.