Áp dụng thành công phương pháp thụ tinh nhân tạo trên đàn trâu

Theo số liệu thống kê, đến tháng 10/2019, tổng đàn trâu toàn tỉnh có 22.200 con, chủ yếu là giống trâu địa phương. Việc phát triển đàn trâu chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Nguyên nhân chính là do thiếu trâu đực giống và chăn nuôi trâu mang tính truyền thống, chủ yếu là chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ, chăn thả tự do nên xảy ra hiện tượng giao phối cận huyết. Bên cạnh đó, nguồn giống không được chọn lọc thường xuyên nên đàn trâu đang có nguy cơ thoái hóa, tầm vóc và sức sản xuất của đàn trâu giảm, dẫn tới hiệu quả kinh tế chăn nuôi trâu chưa cao. Từ thực tế đó, năm 2019 lần đầu tiên Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai thực hiện chương trình 'Cải tạo đàn trâu bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo'.

 Trâu được thụ tinh nhân tạo sinh ra trâu nghé có ngoại hình đẹp, khỏe mạnh. Ảnh: PVT

Trâu được thụ tinh nhân tạo sinh ra trâu nghé có ngoại hình đẹp, khỏe mạnh. Ảnh: PVT

Qua một năm thực hiện, bước đầu đã khẳng định được chương trình cải tạo đàn trâu rất thiết thực và phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của người dân, góp phần nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi, giúp người dân chủ động cải tạo con giống, từng bước nâng cao chất lượng đàn trâu. Kết quả phối giống cho thấy, tỉ lệ phối giống thụ tinh nhân tạo đạt gần 90%. Trâu lai sinh ra có ngoại hình đẹp, tăng trọng nhanh, ưu thế lai nổi trội. Hiện Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã chỉ đạo đội ngũ dẫn tinh viên các huyện trên địa bàn tỉnh phối được 103 con trâu.

Những năm qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã thực hiện thành công chương trình cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo nên đội ngũ dẫn tinh viên cho đàn trâu không phải qua đào tạo nhiều. Mạng lưới dẫn tinh viên cho đàn bò chỉ cần đào tạo bổ sung công tác truyền tinh nhân tạo cho trâu. Thực hiện chương trình cải tạo đàn trâu, anh Trần Đình Đạt, ở thôn Xuân Lâm, xã Hải Lâm, một dẫn tinh viên của huyện Hải Lăng cho biết: “Năm qua đội ngũ dẫn tinh viên của huyện đã phối được 43 con trâu, tỉ lệ phối đạt rất cao vì vậy nhận thức của người dân đã được nâng lên. Người chăn nuôi trâu hiện nay không còn lo thiếu đực giống, nên không bán trâu nữa mà đã chủ động liên hệ với dẫn tinh viên để phối trâu. Những con nghé sinh ra có ngoại hình rất đẹp, người dân rất phấn khởi.”

Con nghé nhà ông Lê Minh Giảng ở thôn Trà Lộc, xã Hải Xuân, huyện Hải Lăng ra đời bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo đến nay đã được 20 ngày tuổi. Ông Giảng cho biết: “Trước đây trâu cái nhà tôi cho nhảy đực giống không rõ nguồn gốc nên trâu con sinh ra có tầm vóc nhỏ, việc nuôi cũng khó. Qua cán bộ khuyến nông xã tôi biết được hiện nay Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai thực hiện chương trình cải tạo đàn trâu bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Trâu nhà tôi được dẫn tinh viên thụ tinh nhân tạo bằng giống trâu Murrah có nguồn gốc Ấn Độ, thể trạng lớn hơn hẳn so với giống địa phương. Thời gian tới tôi sẽ tiếp tục cho trâu mẹ phối bằng phương pháp này”.

Có thể nói việc cải tạo đàn trâu bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo đã đưa tiến bộ kĩ thuật về giống vào sản xuất, đem lại năng suất và hiệu quả kinh tế. Trâu lai F1 Murrah đến khi trưởng thành có trọng lượng cao hơn từ 25% - 30% so với trâu nội, tỉ lệ thịt xẻ cao hơn 5% - 6%. Thành công của chương trình cải tạo đàn trâu sẽ cải thiện đáng kể hiệu quả của hoạt động chăn nuôi trâu thịt của các hộ dân.

Trao đổi với chúng tôi, kĩ sư Hoàng Thị Hương, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị cho biết: “Trong quá trình triển khai chương trình cải tạo đàn trâu bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, chúng tôi đã hỗ trợ giúp người dân trên địa bàn tỉnh tiếp cận khoa học kĩ thuật, mạnh dạn áp dụng lai tạo giống trâu địa phương với giống trâu Murrah có nguồn gốc Ấn Độ hoặc một số giống trâu nội tuyển chọn để nâng cao tầm vóc, chất lượng và sức sản xuất của đàn trâu, tạo ra con nghé F1 có năng suất, chất lượng tốt. Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các dẫn tinh viên tiếp tục kiểm tra theo dõi, đánh giá chất lượng của nghé lai ra đời, đồng thời khuyến cáo người dân giữ lại trâu cái giống sau khi đẻ để làm đàn nái nền phục vụ tốt cho công tác giống sau này.”

Việc triển khai chương trình cải tạo đàn trâu bằng biện pháp thụ tinh nhân tạo ngoài việc khắc phục triệt để tình trạng thiếu trâu đực giống và đực giống tốt, suy thoái đàn trâu đang diễn ra do cận huyết, còn góp phần tăng tầm vóc thể trạng và sức sản xuất của đàn trâu, nâng cao năng suất, mở ra hướng đi mới nhiều triển vọng trong chăn nuôi trâu lấy thịt theo hướng hàng hóa. Công tác thụ tinh nhân tạo đã tăng hiệu quả của nghề chăn nuôi trâu thông qua việc chủ động phối giống cho đàn trâu, rút ngắn chu kì sinh sản của đàn trâu, tăng tỉ lệ số trâu cái được phối giống trong năm, thúc đẩy phát triển nghề chăn nuôi trâu, tạo thêm việc làm cho người dân các vùng nông thôn.

Phan Việt Toàn

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=145216