Áp dụng thử thách '1 tháng không mua gì', tôi học được cách chi tiêu khôn ngoan hơn
1 tháng không mua gì có thể giúp thiết lập lại chi tiêu và bắt đầu sử dụng đồng tiền cho những việc thực sự quan trọng.
Elizabeth Helen Spencer là một nhà văn và người nghiên cứu tài chính cá nhân sống tại Philadelphia. Cô đã áp dụng phương pháp "tháng không mua gì" để cải thiện chi tiêu của bản thân. Cùng lắng nghe những chia sẻ về trải nghiệm của Elizabeth Helen Spencer ngay dưới đây.
Tôi đã nghe tới tháng không mua gì từ một bài báo của Ann Patchett vào năm 2017. Nhưng tôi nghĩ bản thân không có cách nào làm được điều đó. Bởi khi sinh bé thứ hai, chồng và tôi đã dành phần lớn thu nhập của mình vào việc chăm sóc.
Nhưng khi bé lớn hơn, ý tưởng về việc áp dụng phương pháp này cũng tăng lên. Không những thế, người bạn của tôi là Patchett đã tham gia thử thách không chi tiêu và cô ấy kể rất nhiều về điều tốt đẹp đã nhận được. Tôi tự hỏi liệu việc tham gia có phải là một ý tưởng tốt.
Thói quen mua sắm bốc đồng
Tôi có một thói quen khá tệ, đó chính là mua sắm bốc đồng. Việc chi tiêu của tôi không bị bạn bè và gia đình coi là “ngoài tầm kiểm soát”, nhưng tôi biết mình không thể tiếp tục mua sắm theo cách này. Tôi mất một thời gian để nhận ra rằng thói quen chi tiêu này không phù hợp với cuộc sống mà tôi muốn sống.
Tôi là một người nghiêm túc và khôn ngoan trước những quảng cáo mua hàng. Nhưng vào một buổi chiều, đọc một bài viết của bạn bè đăng ảnh đi chơi chẳng hạn, tôi sẽ nghĩ mình cần một thứ gì đó và lập tức mua mà không do dự.
Tôi có muốn những thứ đó không? Có. Nhưng đó không phải là vấn đề. Thực tế tôi có đủ khả năng chi trả nhưng nó làm tôi không thoải mái. Bởi tôi có thể tiết kiệm nhiều hơn và dành tiền cho những việc quan trọng.
Tháng không mua gì nên hiểu ra sao?
Tiền đề của phương pháp này chính là "Ngày không mua gì" được khởi xướng bởi nhà báo Ted Dave vào tháng 9/1992 như một cách để phản đối việc tiêu dùng quá mức và cần suy nghĩ về cách bạn mua sắm.
Cuối cùng, mọi người bắt đầu mở rộng ý tưởng thành thử thách không chi tiêu kéo dài một tháng, sáu tháng hoặc thậm chí một năm. Thách thức trở thành cơ hội để kiểm tra, hạn chế chi tiêu không cần thiết, tiết kiệm tiền và giảm lãng phí.
Ý tưởng đằng sau phương pháp này không phải là để khoe khoang với bạn bè rằng vài tuần bạn đã không mua những món đồ. Mà nó giúp bạn thiết lập lại chi tiêu của mình và bắt đầu sử dụng tiền cho những thứ thực sự quan trọng.
Quy tắc cho tháng không mua gì
Mọi phương pháp đều cần quy tắc, bao gồm cả việc ngừng mua sắm. Về cơ bản, bạn chỉ mua những gì thực sự cần mà thôi. Đối với thử thách một tháng không chi tiêu, tôi đã đưa ra cho mình quy tắc sau:
- Tôi có thể mua các mặt hàng thay thế cho những thứ sử dụng thường xuyên nếu chúng bị vỡ hoặc bị hư hỏng.
- Tôi có thể mua cho con mình những thứ chúng cần, chẳng hạn như đồ dùng học tập, giày dép hoặc quần áo.
- Tôi có thể mua đồ ăn như bình thường (bao gồm cả đồ ăn mang đi).
- Ngoài ra, những thứ muốn mua còn lại, tôi sẽ viết vào danh sách. Sau khi hết 1 tháng không tiêu gì, tôi sẽ xem lại danh sách đó. Nếu bản thân vẫn muốn mua, tôi sẽ thanh toán.
Tôi đã thay đổi thói quen chi tiêu như thế nào
Tôi rất thích thử thách tháng không mua gì đến nỗi muốn tiếp tục áp dụng nó. Tôi biết coi trọng vào chất lượng và ý nghĩa của một món đồ hơn. Tôi sẽ mua sắm ít hơn nhưng chất lượng. Tôi thà có một chiếc áo len tốt còn hơn là 4 chiếc rẻ với cùng một mức giá. Điều tương tự cũng xảy ra với những món đồ nội thất và thứ khác.
Thật thú vị, thực hiện tháng không mua gì cũng giúp tôi giải phóng bản thân khỏi những quyết định mua bốc đồng. Đối với quần áo, tôi đã làm việc tại nhà gần một năm và có khả năng sẽ giữ nguyên như vậy. Tôi có thể mặc cùng một bộ đồ mỗi ngày mà không ai thực sự để ý hay quan tâm. Nhưng tôi vẫn tự cho phép bản thên mua thêm một vài món đồ mới vào tủ quần áo mỗi mùa.
Để thực sự tận dụng tối đa thử thách tháng không mua gì, điều quan trọng là điều khiển lại hành vi mua sắm, dành thời gian sau khi hoàn thành thử thách để khảo sát lại ngân sách. Tôi đã thấy sự thay đổi đáng kể.
Theo moneyunder30