Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam cần làm gì để duy trì tính cạnh tranh?
Nếu Việt Nam áp dụng thuế tối thiểu toàn, các biện pháp ưu đãi thuế sẽ không còn nhiều tác dụng, từ đó đặt ra thách thức không nhỏ đối với việc duy trì tính cạnh tranh về môi trường đầu tư của Việt Nam
Thuế tối thiểu toàn cầu là gì?
Tháng 10/2021, Việt Nam cùng 135 quốc gia khác đã đồng ý với đề xuất cải cách hệ thống thuế toàn cầu gồm hai trụ cột của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), dự kiến sẽ có hiệu lực vào năm 2024.
Một trong những nội dung quan trọng, đó là việc đánh thuế 15% đối với những doanh nghiệp đa quốc gia có doanh thu toàn cầu trên 750 triệu euro (tương đương 815 triệu USD) và có tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên tổng doanh thu từ 10% trở lên.
Nếu được hưởng mức thuế thấp hơn 15% tại quốc gia đang đầu tư thì doanh nghiệp sẽ phải nộp phần thiếu hụt còn lại cho quốc gia mà họ có trụ sở chính để đủ mức 15%.
Hiểu một cách đơn giản, những doanh nghiệp đa quốc gia lớn khi đầu tư tại Việt Nam đều sẽ phải nộp thuế 15%. Trong khi đó, ở thời điểm hiện tại, với các chính sách ưu đãi về thuế, các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam đang chịu mức thuế dưới 15%. Vì vậy, nếu thuế tiêu thụ toàn cầu được áp dụng tại Việt Nam, thì những ưu đãi này sẽ không còn là điểm nhấn hấp dẫn.
Trong Hội thảo về thuế tối thiểu toàn cầu, diễn ra vào sáng 18/4, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, để thu hút vốn FDI, Việt Nam đã đã có nhiều ưu đãi về thuế, như ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế nhập khẩu, miễn giảm tiền sử dụng đất, khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được khấu trừ khi tính thu nhập chịu thuế.
“Các ưu đãi này được nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là hấp dẫn so với các nước trong khu vực. Riêng trong năm 2020, nhờ các chính sách ưu đãi này, Việt Nam lần đầu tiên vào nhóm 20 nước thu hút FDI hàng đầu thế giới. Đến năm 2021, vốn FDI vượt mốc 31 tỷ USD và năm 2022 tiếp tục nhận thêm 30 tỷ USD”, ông Minh nói.
Ông Minh nhấn mạnh: Nếu Việt Nam áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới dòng vốn FDI, do đó Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút FDI thông qua ưu đãi thuế.
Qua thống kê cho thấy, hiện có khoảng 335 dự án với số vốn đăng ký trên 100 USD, hoạt động trong nhiều lĩnh vực đang nhận ưu đãi thuế thấp hơn 15%. trong đó có nhiều “ông lớn” nước ngoài như Samsung, Intel, LG, Sharp, Panasonic, Foxconn,...
“Đấy đều là những doanh nghiệp sẽ phải chịu thuế tối thiểu toàn cầu, nếu không có những giải pháp kịp thời, chắc chắn Việt Nam sẽ mất lợi thế cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư nước ngoài và ảnh hưởng mở rộng đầu tư của dự án”, ông Minh nói.
Nhấn mạnh về vấn đề này, ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết: Việt Nam hiện có 1.015 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Trong đó, có hơn 70 doanh nghiệp có khả năng chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu khi được áp dụng từ năm 2024.
“Nếu các quốc gia có công ty mẹ đều thực thi thuế tối thiểu toàn cầu thì các quốc gia này sẽ được thu thêm phần thuế chênh lệch năm 2024 ước tính khoảng hơn 12.000 tỷ đồng. Như vậy, các biện pháp ưu đãi thuế sẽ không còn nhiều tác dụng, từ đó đặt ra thách thức không nhỏ đối với việc duy trì tính cạnh tranh về môi trường đầu tư của Việt Nam”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhận xét.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, trước thách thức trên, năm 2022, Thủ tướng đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu của OECD.
Tiếp đó, tháng 2/2023, Bộ Tài chính đã thành lập Nhóm giúp việc Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu của OECD.
Gần đây nhất, ngày 31/3, Bộ Tài chính đã báo cáo trực tiếp Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc họp về thuế suất tối thiểu toàn cầu, tác động và ảnh hưởng đối với Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh, hiện nay, Bộ Tài chính đang khẩn trương tiếp tục nghiên cứu, đề xuất triển khai các giải pháp ứng phó cho Việt Nam.
Ứng phó thế nào?
Bàn về các giải pháp ứng phó, ông Đặng Ngọc Minh cho rằng: Việt Nam cần có các giải pháp hỗ trợ tài chính trực tiếp hoặc gián tiếp nhưng phải đảm bảo không vi phạm quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu.
Một số giải pháp ông Minh đưa ra như hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư cơ sở hạ tầng cơ bản cho sản xuất, đầu tư hình thành tài sản cố định cho sản xuất công nghiệp, hỗ trợ nhà cho công nhân, hỗ trợ bảo hiểm xã hội, y tế cho người lao động,....
“Để thực hiện được các nhiệm vụ này, Nhà nước cũng cần bố trí các nguồn lực tài chính, đất đai, đào tạo nguồn nhân lực để duy trì sức hấp dẫn và ổn định trong môi trường đầu tư”, ông Minh nói.
Đồng tình với đề xuất này, bà Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính cho rằng: Chính phủ cần rà soát, hoàn thiện chính sách ưu đãi thuế nhằm tiếp tục thu hút vốn đầu tư FDI tại Việt Nam.
“Điều quan trọng nhất là rà soát, chỉnh sửa quy định trong Luật Đầu tư để tạo ra các chính sách, ưu đãi khác, tạo điểm nhấn hấp dẫn cho nhà đầu tư nước ngoài yên tâm rót vốn vào Việt Nam”, bà Quỳnh nói.