Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu: Xem xét chuyển hình thức ưu đãi đầu tư
Bộ Tài chính đang soạn thảo nghị định của Chính phủ về thực hiện nghị quyết Quốc hội về thực thi Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam. Để giữ được lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài, GS. TSKH Nguyễn Mại cho rằng, Việt Nam cần xem xét chuyển từ các hình thức ưu đãi đầu tư bằng thuế thu nhập doanh nghiệp sang ưu đãi hỗ trợ chi phí, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và Nhà nước.
Ban hành kịp thời cơ chế, chính sách giữ chân nhà đầu tư
Thông tin tại hội thảo quốc tế “Thực hiện trụ cột 2 Thuế tối thiểu toàn cầu ở Việt Nam” được tổ chức mới đây, GS. TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết, chính sách thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam nhất quán trên các nguyên tắc cơ bản: lợi ích đất nước với lợi ích của nhà đầu tư nước ngoài; lợi ích bên Việt Nam với lợi ích bên nước ngoài; lợi ích người sử dụng lao động với lợi ích người lao động.
Bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư, không vi phạm các cam kết quốc tế
“Việc ban hành chính sách, cơ chế mới cần được xem xét cẩn trọng để đảm bảo tính công bằng cho các doanh nghiệp thuộc phạm vi và không thuộc phạm vi điều chỉnh của Trụ cột 2, đảm bảo thống nhất với quy định về bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư, cũng như không vi phạm các cam kết quốc tế và quy định của OECD mà Việt Nam đang tham gia” - GS. TSKH Nguyễn Mại.
Việt Nam thu hút FDI nhằm thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của các chiến lược phát triển. Còn nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam chủ yếu nhằm mục đích lợi nhuận. Do vậy, trong bối cảnh đang diễn ra cuộc cạnh tranh thu hút FDI khá gay gắt đòi hỏi Nhà nước phải xây dựng thể chế, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn để hài hòa được lợi ích đất nước với lợi ích nhà đầu tư thì mới có thể thu hút được nhiều FDI.
Để thực thi quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu, ngày 29/11/2023, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 107/2023/QH15 về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Đồng thời, để thống nhất quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp, Quốc hội yêu cầu Chính phủ khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Với việc ban hành kịp thời các cơ chế, chính sách, các tổ chức quốc tế, nhà đầu tư và doanh nghiệp FDI chịu tác động của Thuế tối thiểu toàn cầu đánh giá cao năng lực của Nhà nước Việt Nam đối với việc ban hành chính sách kinh tế, trong đó có chính sách thu hút FDI liên quan đến sự thay đổi của thế giới như Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu, đồng thời mong muốn Chính phủ bảo đảm nguyên tắc hài hòa lợi ích khi thực thi tại Việt Nam.
Đánh giá về sự chuẩn bị của Việt Nam cho việc thực thi Trụ cột 2 - Thuế tối thiểu toàn cầu, ông Jonathan Pemberton - Chuyên gia cấp cao của Trung tâm Đầu tư và thuế quốc tế (ITIC), cựu chuyên gia cơ quan thuế của Anh HMRC và OECD cho biết, Hàn Quốc là quốc gia đầu tiên ban hành mức thuế tối thiểu toàn cầu trong luật pháp của mình.
Việt Nam là quốc gia dẫn đầu trong khu vực. Cụ thể, tháng 11/2023, Quốc hội Việt Nam đã đưa ra nghị quyết về thực thi Thuế tối thiểu toàn cầu và mục tiêu là hoàn thành soạn thảo quy định chi tiết vào cuối tháng 5 và đưa vào thực thi từ tháng 10 tới đây. Việc này sẽ giúp các công ty đa quốc gia, với tư cách là các đơn vị nộp thuế lớn, có thể tương đối dễ dàng biết được mình phải tuân thủ những gì, hiểu hệ thống nộp thuế và các quy định cụ thể sẽ có hiệu lực trước cuối năm 2024.
Rà soát, đánh giá khả năng thu thuế bổ sung
Bộ Tài chính đang soạn thảo nghị định Chính phủ về thực hiện nghị quyết Quốc hội về thực thi Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang soạn thảo nghị định Chính phủ về sửa đổi một số luật liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu và nghị định sửa đổi chính sách ưu đãi đầu tư từ chủ yếu ưu đãi thuế, sang ưu đãi tài chính, chi phí đối với dự án ưu tiên.
Góp ý cho việc xây dựng các nghị định Chủ tịch VAFIE đưa ra khuyến nghị, cần nhanh chóng rà soát các doanh nghiệp FDI chịu ảnh hưởng; đánh giá khả năng thu thuế bổ sung, mức độ tác động tới môi trường đầu tư; rà soát toàn bộ quy định hiện hành về chính sách ưu đãi đầu tư, để loại bỏ những chính sách không còn phù hợp với quy định thuế tối thiểu toàn cầu. Chỉ khi xác định đầy đủ mức độ tác động thì mới có thể có giải pháp phù hợp.
Bên cạnh đó, Nhà nước chủ động giành quyền đánh thuế bổ sung bằng việc nội luật hóa Quy định thuế tối thiểu toàn cầu; khẩn trương nghiên cứu áp dụng cơ chế Thuế tối thiểu nội địa đủ điều kiện (QDMTT), theo tiêu chuẩn của OECD từ năm 2024. Để giữ được lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam cần xem xét chuyển từ các hình thức ưu đãi đầu tư bằng thuế thu nhập doanh nghiệp sang ưu đãi hỗ trợ chi phí, trong đó có các hình thức như: khấu hao nhanh, hỗ trợ bằng tiền theo một tỷ lệ nhất định cho hoạt động R&D, hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng, đào tạo nhân lực…
Đồng thời, cần thay đổi chính sách khuyến khích FDI theo hướng tập trung vào nâng cao năng lực cạnh tranh từ các yếu tố như cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư - kinh doanh, nhất là thủ tục hành chính, đào tạo lao động có kỹ năng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ và các doanh nghiệp vệ tinh..., vốn là các yếu tố cơ bản khi các tập đoàn đưa ra các quyết định đầu tư thay vì áp dụng các ưu đãi về thuế.
"Việt Nam cần chủ động đề xuất các nước ASEAN đề ra giải pháp chung cho cộng đồng ASEAN trong việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, tạo đồng thuận về những tiêu chuẩn tối thiểu chung đối với các chính sách ưu đãi đầu tư nhằm ngăn chặn tình trạng cạnh tranh thu hút FDI không lành mạnh giữa các nước thành viên" - ông Nguyễn Mại khuyến nghị./.