Áp dụng tiến bộ kỹ thuật và 'dòng chảy ngược' bệnh nhân tim mạch ở Việt Nam
Trước đây, nhiều bệnh tim bẩm sinh ở Việt Nam không thể phẫu thuật được, những gia đình có điều kiện thường đưa con sang nước ngoài điều trị.
Hiện nay, hầu hết các bệnh lý về tim mạch đều có thể chữa trị tại Việt Nam. Thậm chí, bác sĩ tim mạch ở một số nước trong khu vực đã đến Việt Nam học tập và nhiều trường hợp bệnh nhân nước ngoài đã được chữa trị thành công các bệnh lý tim mạch ở Việt Nam.
Cú "nhảy vọt" trong lĩnh vực tim mạch
Nhận định về những tiến bộ của nền tim mạch học Việt Nam trong thời gian qua, TS.BS. Nguyễn Công Hựu - Giám đốc Bệnh viện E chia sẻ: Hiện tại, nền y tế của Việt Nam có rất nhiều tiến bộ trong tất cả các lĩnh vực, trong đó lĩnh vực tim mạch có nhiều thay đổi tích cực trong khoảng 15 năm trở lại đây. Trước đây, có những việc chúng ta chưa từng dám nghĩ đến, nhưng hiện tại nền tim mạch học của Việt Nam đã hội nhập, làm được rất nhiều từ chẩn đoán, điều trị cho đến dự phòng.
Trước hết phải kể đến những tiến bộ trong chẩn đoán, hình ảnh học tim mạch. Sự phát triển công nghệ cho ra đời các thiết bị y tế hiện đại, tích hợp các phần mềm xử lý, ứng dụng trí tuệ nhân tạo giúp việc phát hiện, chẩn đoán xác định, tiên lượng bệnh ngày càng thuận tiện, chính xác. Mới đây, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E vừa tiếp nhận một ca bệnh lóc động mạch chủ type A cấp tính vô cùng phức tạp ở người bệnh trẻ tuổi. Bệnh nhân đã được chẩn đoán, hội chẩn và chỉ định mổ cấp cứu ngay trong đêm, đến nay đã hoàn toàn bình phục. Nếu không có những kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, phân tích sâu bằng các phần mềm chuyên dụng, các bác sĩ sẽ gặp khó trong việc phát hiện kịp thời và đánh giá hết các tổn thương phối hợp để nhanh chóng ngay lập tức đưa ra phương án điều trị tốt nhất cho người bệnh.
Hay như lĩnh vực điều trị tim mạch, tim mạch can thiệp có bước tiến vượt bậc, có thể nói là sự bùng nổ trong công nghệ, phương tiện kỹ thuật trong thời gian gần đây. Phương pháp xâm lấn tối thiểu, sử dụng các dụng cụ có kích thước rất nhỏ đưa qua đường mạch máu ngoại vi để giải quyết các thương tổn trong tim và mạch máu mà trước đây phải giải quyết bằng các ca mổ phức tạp, nhiều sang chấn cho cơ thể. Việc sử dụng robot trong can thiệp nội mạch máu cũng đã được áp dụng trong lâm sàng. Ðây là tương lai gần của ngành Tim mạch học can thiệp hiện đại. Thậm chí, phương pháp không xâm lấn sử dụng sóng siêu âm qua thành ngực cho điều trị bệnh lý vôi hóa hẹp khít van động mạch chủ cũng đã được các nhà khoa học công bố.
Nói đến mổ tim thông thường chúng ta thường nghĩ ngay đến các phương án mổ mở với vết mổ dài mở dọc giữa xương ức, để lại vết sẹo hàng chục cm. Thế nhưng nhờ áp dụng công nghệ, kỹ thuật cao trong điều trị tim mạch, hiện nay phương pháp mổ nội soi với công nghệ 3D, hỗ trợ của robot với đường mở rất nhỏ, hạn chế tối đa các sang chấn phẫu thuật cho người bệnh đã được triển khai rộng rãi, thay thế dần cho các cuộc mổ truyền thống. Hay phương pháp Hybrid kết hợp giữa mổ và can thiệp tim mạch nhằm tận dụng tối đa các thế mạnh của mỗi kỹ thuật, đạt được mục tiêu điều trị cao nhất, giảm thiểu tối đa các ảnh hưởng bất lợi cho cơ thể là xu hướng được lựa chọn cho các ca bệnh phức tạp.
Trong điều trị suy tim giai đoạn cuối, các thuốc, các máy móc hỗ trợ giúp kéo dài tuổi thọ quả tim, nâng cao sức khỏe, cải thiện chất lượng cuộc sống cũng đang được ứng dụng, phát triển mạnh mẽ. Ngành ghép tạng đang hướng tới công nghệ đột biến gene để đa dạng hóa nguồn tạng, đáp ứng nhu cầu rất cao các nguồn tạng thay thế, trong đó có ghép tim.
TS.BS. Nguyễn Công Hựu chia sẻ thêm: "Hiện tại, hầu hết các bệnh lý về tim mạch đều có thể chữa trị tại Việt Nam, giảm tối đa các tình huống "không có phương án điều trị" như trước kia. Về mặt kỹ thuật, các bác sĩ tim mạch ở Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với các nước trong khu vực. Ðặc biệt, trong lĩnh vực tim mạch học can thiệp, phẫu thuật nội soi chúng ta có những chuyên gia đầu ngành, có uy tín trong khu vực và quốc tế. Tuy chúng ta còn nhiều khó khăn, bất cập trong hạ tầng cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật, hệ thống đào tạo, công tác nghiên cứu khoa học… nhưng chúng ta đã hội nhập được về nhiều mặt: Kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật, kinh nghiệm lâm sàng - một trong những yếu tố quan trọng khác biệt của ngành y học so với nhiều ngành nghề khác. Các bác sĩ ở Việt Nam có kinh nghiệm, có lâm sàng, có kỹ thuật, có sự khéo léo và sáng tạo".
Nhiều bệnh nhân nước ngoài đến Việt Nam để chữa trị
Với những hiểu biết ngày càng sâu về tim mạch học cùng sự hỗ trợ về phương tiện, việc chẩn đoán sớm, sàng lọc để đưa ra những tư vấn, dự phòng bệnh cũng tốt hơn trước. Khi tuổi thọ người dân ngày càng cao, số lượng dân số già đồng nghĩa gánh nặng về vấn đề sức khỏe cũng tăng lên trong đó có các bệnh lý về tim mạch, do vậy vấn đề dự phòng nguy cơ được xem là vấn đề bức thiết. Ngành Tim mạch học Việt Nam đã bắt nhịp kịp với những tiến bộ của thế giới. Chúng ta đã chủ động, tích cực áp dụng các tiến bộ công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo vào chẩn đoán, điều trị và dự phòng các vấn đề về tim mạch ngày càng phát triển, nâng cao chất lượng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Không những vậy, các tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện nay đã giúp hạ thấp tỷ lệ tử vong hay biến chứng ở các bệnh nhân nặng. Ví dụ như trường hợp ca bệnh lóc tách động mạch chủ, trước kia tỷ lệ tử vong/biến chứng lên đến 30% thì hiện tại chỉ còn dưới 10%. Khi các bác sĩ ngày càng đối mặt với nhiều ca bệnh khó, tích lũy được kinh nghiệm lâm sàng, lại thêm sự hỗ trợ của thuốc, công nghệ… sẽ giúp hạ thấp tỷ lệ rủi ro, biến chứng ở các ca bệnh nặng.
Tại Việt Nam, chi phí điều trị các bệnh lý tim mạch thấp hơn hẳn so với nước ngoài (những nước phát triển). Nếu như một ca mổ thay 1 van tim được thực hiện ở Việt Nam chi phí dưới 100 triệu (<4.000 USD), thì ở nước ngoài chi phí này có thể gấp hàng chục lần. Những năm 2000, cả nước chỉ có vài cơ sở thực hiện mổ tim với khoảng 1.000 -2.000 ca phẫu thuật/năm. Ở thời điểm hiện tại, ở Việt Nam có tới gần 40 cơ sở y tế, thực hiện hàng chục nghìn ca phẫu thuật mỗi năm. Trước đây nhiều bệnh tim bẩm sinh ở Việt Nam không thể phẫu thuật được, những gia đình có điều kiện thường đưa con sang nước ngoài điều trị. Hiện nay, hầu hết các bệnh lý về tim mạch đều có thể chữa trị tại Việt Nam. Thậm chí, bác sĩ tim mạch ở một số nước trong khu vực đã đến Việt Nam học tập, người dân ở các nước cũng đến Việt Nam để chữa trị các bệnh lý tim mạch.
"Nếu như trước đây, người bệnh tim mạch ở Việt Nam phải ra nước ngoài để điều trị thì nay có nhiều trường hợp người bệnh ở các nước khác đã được chữa trị thành công các bệnh lý tim mạch ở Việt Nam. Chúng tôi mong muốn và hy vọng sẽ có dòng "chảy ngược" trong lĩnh vực này cùng với sự phát triển của đất nước - TS.BS. Nguyễn Công Hựu tâm sự.