Áp dụng triệt để công nghệ thông tin
PTĐT - Điểm mới nhất trong cuộc Tổng điều tra lần này là áp dụng triệt để công nghệ thông tin trong khai thác thông tin đầu vào, biên soạn, xử lý và công bố thông tin, đó là khẳng định của ông Nguyễn Hiền Minh - Quyền Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tổng Điều tra kinh tế và cơ sở hành chính trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Phú Thọ điện tử đã có cuộc trò chuyện với ông Minh.
Cuộc Tổng điều tra kinh tế và điều tra cơ sở hành chính năm 2021 (viết gọn là cuộc Tổng điều tra) trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được thực hiện theo Quyết định số 307/QĐ-TTg ngày 27 tháng 02 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức Tổng điều tra kinh tế năm 2021 và Quyết định số 1096/QĐ-BNV ngày 23 tháng 12 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về tổ chức điều tra cơ sở hành chính năm 2021. Cuộc Tổng điều tra lần này được tiến hành trên phạm vi cả nước nhằm thu thập thông tin cơ bản về các đơn vị sản xuất, kinh doanh, hoạt động sự nghiệp, Đảng, đoàn thể, hiệp hội chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam, cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể phi nông, lâm nghiệp và thủy sản, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, cơ sở hành chính. Ngoài các thông tin về định danh, các thông tin cơ bản của cơ sở được thu thập bao gồm: (1) Thông tin về lao động, thu nhập của người lao động; (2) Thông tin về kết quả, chi phí sản xuất kinh doanh, thu, chi của cơ sở; (3) Thông tin về tình hình ứng dụng công nghệ thông tin; (4) Thông tin về tình hình tiếp cận tài chính, hội nhập kinh tế quốc tế; (5) Một số thông tin chuyên đề khác.
So với các cuộc tổng điều tra trước, cuộc Tổng điều tra lần này có một số điểm mới là:
Thứ nhất,
cuộc Tổng điều tra kinh tế áp dụng xu hướng của thế giới đó là triệt để khai thác hồ sơ hành chính, phối hợp với các Bộ, ngành trong việc khai thác thông tin đầu vào. Đồng thời, cập nhật phương pháp luận của quốc tế chuẩn vào trong đơn vị, cơ sở.
Thứ hai,
ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong quá trình thu thập, biên soạn, xử lý và công bố thông tin.
Thứ ba,
đổi mới trong công tác phối hợp. Cụ thể, sẽ phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành như Sở Nội vụ, Sở Tài chính … trong quá trình xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện Tổng điều tra.
Thưa ông, cuộc Tổng điều tra có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Thọ?
Kết quả cuộc Tổng điều tra có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc đánh giá toàn diện thực trạng và xu hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và mỗi địa phương; là căn cứ quan trọng để đánh giá sự phân bổ của các cơ sở, của lao động theo theo từng ngành, lĩnh vực kinh tế và theo hình thức sở hữu; cung cấp nguồn thông tin đầu vào quan trọng để tính toán chỉ tiêu thống kê chính thức của các chuyên ngành thống kê, trong đó có chỉ tiêu Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2020 và các chỉ tiêu thống kê khác thuộc Hệ thống tài khoản quốc gia. Kết quả cuộc Tổng điều tra sẽ là căn cứ quan trọng để rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chính sách quản lý, kế hoạch, quy hoạch phát triển ngành, phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực… đáp ứng yêu cầu quản lý, xây dựng kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của các cấp ủy, chính quyền, các ngành, địa phương của tỉnh.
Ông có thể chia sẻ về tiến độ thực hiện Tổng điều tra đến thời điểm này không, thưa ông?
Theo kế hoạch, thời gian thu thập thông tin cuộc Tổng điều tra chia làm 2 giai đoạn: Từ ngày 01/3 đến hết ngày 30/5/2021, thực hiện điều tra đối với các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, cơ sở hành chính (trong đó các đơn vị sự nghiệp, hiệp hội hoàn thành trước ngày 30/4/2021); từ ngày 01/7 đến hết ngày 30/7/2021, thực hiện điều tra cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng. Đến nay, về điều tra các cơ sở kinh tế đã hoàn thành việc triển khai trên 40%, thu thập thông tin trên 10% đối với các doanh nghiệp (gần 6.700 doanh nghiệp) và hoàn thành triển khai trên 50%, thu thập thông tin trên 20% đối với các đơn vị sự nghiệp, hiệp hội (trên 1.200 đơn vị). Về điều tra cơ sở hành chính đang được Sở Nội vụ bắt đầu triển khai.Số liệu sơ bộ cuộc Tổng Điều tra năm 2021 công bố vào tháng 12/2021; kết quả chính thức công bố vào tháng 02/2022.Theo ông, để cuộc Tổng điều tra diễn ra thành công, sự tham gia của các cấp ngành, doanh nghiệp và nhân dân cần thiết như thế nào?
Để thực hiện thắng lợi cuộc Tổng điều tra trên địa bàn tỉnh, ngoài sự cố gắng, nỗ lực của Cục Thống kê và Sở Nội vụ là các cơ quan thường trực giúp cho UBND tỉnh triển khai thực hiện cuộc Tổng điều tra thì sự tham gia, phối hợp của các cấp, các ngành là rất quan trọng, nhất là trong việc hợp tác cung cấp thông tin điều tra và tham gia vào công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của cuộc Tổng điều tra. Bên cạnh đó, việc hợp tác cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời của các doanh nghiệp, các cơ sở kinh tế và nhân dân trên địa bàn tỉnh sẽ góp phần quan trọng vào sự thành công của cuộc Tổng điều tra. Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/202103/ap-dung-triet-de-cong-nghe-thong-tin-175923