Ấp Lê Văn Quới phát huy các mô hình phát triển kinh tế
Ấp Lê Văn Quới là ấp được công nhận nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu đầu tiên của xã Tập Ngãi, huyện Tiểu Cần vào năm 2022. Những năm qua địa phương luôn vận động Nhân dân trên địa bàn đầu tư phát triển các mô hình kinh tế, nhằm tăng thu nhập, ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu.
Ông Triệu Hải Tuấn, Trưởng Ban Nhân dân ấp Lê Văn Quới chia sẻ, hiện nay ở địa phương có nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi của người dân có hiệu quả, cho thu nhập cao. Như để minh chứng cho lời nói của mình, ông Tuấn giới thiệu với chúng tôi về mô hình trồng táo của ông Nguyễn Văn Hải.
Hơn 01 năm trước, ông Hải đã thực hiện việc cải tạo 4.000m2 đất vườn kém hiệu quả sang trồng giống táo Thái Lan, với số lượng 260 gốc. Diện tích vườn táo này được ông Hải trồng toàn bộ trong nhà lưới nhằm hạn chế sâu bệnh gây hại nên rất ít tốn chi phí phun thuốc bảo vệ thực vật. Mỗi liếp táo có chiều rộng hơn 4m, ông Hải trồng với kích thước cây cách cây và hàng cách hàng 3,5m x 4m.
Để cây táo đâm nhiều nhánh và khi cho trái dễ hái, ông Hải dùng trụ đỡ và làm giàn cho táo leo. Khi táo ra đọt non thẳng đứng thì kéo cho ngọn táo nằm trãi đều trên giàn bằng dây kẽm. Ước tính tổng chi phí đầu tư cho mô hình này khoảng 400 triệu đồng.
Ông Hải cho biết, tuy chi phí ban đầu hơi cao, nhưng bù lại táo cho trái liên tục và giá cả cũng tương đối ổn định. Vụ trái đầu tiên bắt đầu cho thu hoạch từ tháng 11 âm lịch năm trước đến tháng 02 âm lịch năm nay. Thời điểm đó thương lái vào mua tại vườn với giá 35.000 đồng/kg. Sau đó táo tiếp tục cho thu hoạch lai rai, ông ước tính tổng thu nhập từ vụ táo đầu tiên khoảng 70 - 80 triệu đồng. Hiện táo đang tiếp tục cho rất nhiều trái nhỏ cỡ bằng đầu ngón tay, dự kiến sẽ cho thu hoạch từ 02 - 03 tháng tới và sản lượng sẽ còn nhiều hơn vụ đầu. Vì táo được trồng trong nhà lưới, không phun thuốc trừ sâu nhiều, nên ông Hải tận dụng các mương trong vườn táo để nuôi ốc bươu đen nhằm tăng thêm thu nhập.
Cùng ở ấp Lê Văn Quới, có anh Nguyễn Thành Nhơn đã chọn mô hình nuôi dê để phát triển kinh tế gia đình. Cách đây gần 02 năm, anh mua 10 con dê giống Bo Lai ở tỉnh Bến Tre về nuôi. Qua thời gian nuôi thấy có hiệu quả, khi dê đẻ anh lựa những con cái tốt để làm giống và tiếp tục nhân đàn, số còn lại bán dê thịt. Với hình thức này đến nay trong chuồng dê của anh Nhơn có khoảng 70 con dê lớn, trong đó có 50 dê nái đang sinh sản và một số dê con.
Theo anh Nhơn, sở dĩ anh chọn mô hình này vì dê rất tạp ăn, thức ăn của dê phần lớn có sẵn tại địa phương như cỏ, lá cây và một số phụ phẩm khác từ nông nghiệp. Riêng đối với đàn dê của gia đình, anh trồng 2.000m2 cỏ voi để làm thức ăn cho dê. Ngoài ra hàng ngày anh còn cho dê uống thêm nước cám gạo và một ít cám công nghiệp để bổ sung dưỡng chất cho dê.
Anh Nhơn cho biết, hiện thị trường đầu ra và giá cả của dê cũng tương đối ổn định. Dê con từ khi mới đẻ đến khi xuất bán thời gian nuôi khoảng 07 - 08 tháng, trọng lượng con cái khoảng 30kg/con, con đực khoảng 40 kg/con; có giá dao động từ 75.000đ - 120.000đ/kg. Một năm mỗi con dê nái đẻ từ 01 - 02 lứa. Do anh Nhơn còn tuyển chọn dê giống để tiếp tục nhân đàn nên số lượng dê xuất bán chưa nhiều, nhưng số lượng dê đã bán và đàn dê nái còn lại trong chuồng ước trị giá cũng lên đến vài trăm triệu đồng.
Ngoài ra để tăng thêm nguồn thu nhập, anh Nhơn căn lưới dưới sàn chuồng dê để dễ dàng thu gom phân. Hàng ngày anh thu gom được khoảng 03 bao phân dê, với giá bán 24.000 đồng/bao. Anh Nhơn chia sẻ thêm, con dê cũng dễ nuôi, chủ yếu là mình cho ăn cỏ, lá cây. Do tận dụng được nguồn thức ăn này nên tôi chọn mô hình nuôi dê. Đối với chuồng dê của gia đình, hàng ngày tôi chỉ cho dê ăn cỏ, trưa cho uống thêm một ít nước cám nhuyễn; thời gian tới sẽ nhân đàn dê lên khoảng 100 con nái sinh sản.
Theo ông Triệu Hải Tuấn, Trưởng Ban nhân dân ấp Lê Văn Quới, ngoài các mô hình kể trên, trên địa bàn ấp còn có các mô hình khác như: mô hình nuôi heo nái sinh sản theo hướng an toàn sinh học; nuôi gà, vịt theo hướng công nghiệp; mô hình chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng dừa xen chanh và các loại cây màu khác, kết hợp với nuôi cá; mô hình nuôi bò thịt… Từ các mô hình này bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tích cực cho kinh tế địa phương phát triển và nâng mức thu nhập của người dân trên địa bàn.
Toàn ấp có 495 hộ, trong đó có 398 hộ khá, giàu; ấp còn 06 hộ cận nghèo, 04 hộ nghèo nhưng không còn tuổi lao động và thuộc diện bảo trợ xã hội. Đến cuối năm 2023 thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn ấp đạt 85,9 triệu đồng/người/năm.
Ông Triệu Hải Tuấn cho biết thêm, từ khi xây dựng ấp NTM và ấp NTM kiểu mẫu đời sống kinh tế của bà con ở đây rất phát triển; đồng thời cảnh quan môi trường trên địa bàn ấp ngày càng xanh - sạch - đẹp. Nhân dân ở đây rất đồng lòng với chính quyền địa phương trong xây dựng bộ mặt nông thôn ngày càng phát triển, góp phần cùng với xã Tập ngãi xây dựng thành công xã NTM nâng cao.
Được biết ấp Lê Văn Quới được công nhận là ấp NTM kiểu mẫu vào năm 2022, đến nay các tiêu chí đã được chính quyền địa phương quan tâm giữ vững và nâng chất. Thành quả đó đã góp phần tích cực để xã Tập Ngãi xây dựng thành công xã NTM nâng cao vào cuối năm 2023 và được công nhận tại Quyết định số 966/QĐ-UBND, ngày 05/6/2024 của chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh về việc công nhận xã Tập Ngãi, huyện Tiểu Cần đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023 (giai đoạn 2021 - 2025).