Áp lực buộc Thủ tướng Kishida phải rút lui

Tại cuộc họp báo ngày 14/8, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tuyên bố không tranh cử nhiệm kỳ thứ hai trong cuộc bầu cử dự kiến vào tháng tới với tư cách là người đứng đầu Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền. Điều này đồng nghĩa với việc nhiệm kỳ thủ tướng của ông sẽ chuẩn bị kết thúc sau chưa đầy 3 năm.

Quyết định không bất ngờ

Phản ứng của truyền thông trong nước cho thấy quyết định của Thủ tướng Kishida không phải là điều bất ngờ. Thời gian gần đây, tỷ lệ tín nhiệm đối với Thủ tướng Kishida và nội các của ông ngày càng giảm.

Theo kết quả một cuộc thăm dò do NHK công bố vào ngày 5/8 cho thấy, tỷ lệ tín nhiệm đối với Thủ tướng Kishida duy trì ở mức 25% (cần phải nhớ lại rằng khi ông Kishida tiếp quản nội các vào năm 2021, tỷ lệ tín nhiệm của ông là khoảng 50%) và tỷ lệ tín nhiệm đối với Chính phủ Nhật Bản cũng là 25%. Trước đó, các cuộc thăm dò dư luận trong tháng 7 ghi nhận tỷ lệ tín nhiệm đối với Chính phủ Nhật Bản giảm xuống mức kỷ lục 15,5%.

 Thủ tướng Kishida phát biểu tại cuộc họp báo ngày 14/8. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Kishida phát biểu tại cuộc họp báo ngày 14/8. Ảnh: Reuters

Cả 3 năm cầm quyền của Thủ tướng Kishida đều gắn liền với các vụ bê bối tham nhũng. Vụ ồn ào nhất xảy ra vào cuối năm 2023 liên quan đến vấn nạn tham nhũng trong đảng LDP cầm quyền. Theo đó, một số thành viên nội các đã che giấu và tham ô khoảng 500 triệu yên (3,4 triệu USD) tiền gây quỹ tài trợ chính trị trong khoảng thời gian 5 năm.

Các nhân vật dính bê bối gồm Chánh Văn phòng Nội các Hirokazu Matsuno, Bộ trưởng Kinh tế Yasutoshi Nishimura, Bộ trưởng Nông nghiệp Ichiro Miyashita và Bộ trưởng Nội vụ Junji Suzuky, đã đệ đơn từ chức trong ngày 14/12/2023.

Vụ việc bị phanh phui khiến nội các Nhật Bản hứng chịu sự chỉ trích nặng nề, trong đó với tư cách là người đứng đầu nội các, Thủ tướng Kishida cũng không tránh khỏi bị tác động, ảnh hưởng. Việc mức độ tín nhiệm của ông Kishida xuống mức thấp kỷ luật và khiến ông phải thực hiện cải tổ nội các như là một hệ quả tất yếu.

Bên cạnh đó, trong thời gian nắm quyền, nhiều chính sách do Thủ tướng Kishida đề xuất và ban hành chưa đáp ứng được mong mỏi của người dân và các đảng đối lập trong nước. Điển hình như việc Quốc hội ban hành Luật Kiểm soát quỹ chính trị sửa đổi do liên minh cầm quyền thúc đẩy vào cuối tháng 6/2024.

Các nội dung sửa đổi gồm bắt buộc công bố danh tính của những người mua vé dự tiệc gây quỹ, thay đổi các quy định báo cáo về quỹ hoạt động chính sách do các đảng cung cấp cho các nghị sĩ cấp cao. Tuy nhiên, đảng Dân chủ Lập hiến Nhật Bản (CDPJ) và các đảng đối lập cho rằng cần có những thay đổi mạnh mẽ hơn, trong đó có việc cấm doanh nghiệp quyên góp cho các chính đảng. Ngày 20/6, CDPJ đã đệ trình kiến nghị bất tín nhiệm đối với Nội các của Thủ tướng Kishida.

Ngoài ra, nhiều thành viên trong đảng LDP cầm quyền cũng không còn tin tưởng vào năng lực lãnh đạo của Thủ tướng Kishida. Theo Kyodo tiết lộ, Thủ tướng Kishida đã không chủ động đưa ra quyết định mặc dù uy tín sụt giảm nghiêm trọng. Ông Kishida được cho là vẫn lên kế hoạch tranh cử, song áp lực trong đảng LDP buộc ông phải từ bỏ ý định. Nhiều người lo ngại rằng, dưới sự lãnh đạo của ông Kishida, đảng LDP sẽ đứng trước nguy cơ mất đi vị thế cầm quyền tại cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 10 năm sau.

Tờ Izvestia dẫn nhận định của chuyên gia Koichi Nakano, Giáo sư tại Đại học Sophia ở Tokyo, cho biết quyết định của Thủ tướng Kishida không nằm ngoài dự đoán của chính giới và truyền thông nước này.

“Người đứng đầu đảng đương nhiệm không thể tham gia cuộc đua trừ khi đảm bảo chắc chắn chiến thắng một cách xứng đáng. Nếu việc này không thành công, người đó phải từ chức. Việc một thủ tướng ra tranh cử người đứng đầu chính phủ và chịu thất bại là điều không được phép đối với đảng LDP sau nhiều năm liền giữ vị thế cầm quyền trong đời sống chính trị Nhật Bản”, chuyên gia Koichi Nakano nói.

Ai có thể thay thế Thủ tướng Kishida?

Ngày 14/8, trong buổi họp báo, sau khi liệt kê những thành tựu trong nhiệm kỳ của mình (các biện pháp tăng lương, kích thích đầu tư, tăng cường hợp tác chặt chẽ với các đồng minh, nhất là Mỹ), Thủ tướng Kishida kêu gọi lãnh đạo mới của LDP cần phải thành lập một cơ chế chính trị thống nhất để khôi phục lòng tin của người dân.

Tuy nhiên câu hỏi ai sẽ trở thành thủ tướng mới vẫn còn bỏ ngỏ. Hiện nay, Bộ trưởng phụ trách an ninh kinh tế, bà Sanae Takaichi được cho là thể hiện tham vọng lớn nhất nhằm tiếp quản vị trí này. Bà Takaichi được ghi nhận vì thông qua luật pháp để thiết lập một hệ thống kiểm tra an ninh kinh tế.

Bà Takaichi đã từng tranh cử với ông Kishida trong cuộc đua trở thành lãnh đạo đảng năm 2021. Truyền thông Nhật Bản mô tả bà là một chính trị gia “có lập trường bảo thủ kiện định” khi thường xuyên đến thăm đền Yasukuni, một địa điểm gây tranh cãi vinh danh những người lính Nhật Bản đã tử trận.

Ngoài ra, truyền thông Nhật Bản cũng liệt kê một loạt ứng viên tiềm năng, như: (1) Ishiba Shigeru, 67 tuổi, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng (2007 - 2008), từng giữ chức Tổng Thư ký đảng LDP (2012 - 2014). Ông Shigeru đã 4 lần tranh cử vào vị trí lãnh đạo đảng LDP. (2) Ông Toshimitsu Motegi, 68 tuổi, từng nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong nội các Nhật Bản, như Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Thương mại, và hiện là Tổng Thư ký của đảng LDP. (3) Taro Kono, 61 tuổi, hiện đương nhiệm vị trí Bộ trưởng phụ trách các chương trình kỹ thuật số Nhật Bản. Ông Taro Kono nổi tiếng là người có tư duy độc lập nhưng vẫn tuân theo các chính sách quan trọng được cố Thủ tưởng Abe thúc đẩy. (4) Yoko Kamikawa, 71 tuổi, là người đứng đầu Bộ Ngoại giao. Trước đó, bà Kamikawa là Bộ trưởng Bộ Tư pháp và giữ nhiều chức vụ khác trong Chính phủ. (5) Shinjiro Koizumi, 43 tuổi, được biết đến là con trai của cựu Thủ tướng Junichiro Koizumi và từng nắm giữ vị trí Bộ trưởng Môi trường (2019 - 2021). Trong khi xây dựng hình ảnh của một người cải cách, ông Shinjiro Koizumi cũng cho thấy sự cẩn trọng để không làm mất lòng các nhà lãnh đạo kỳ cựu trong đảng.

Giới phân tích cho rằng, trong bối cảnh chính trị nội bộ phức tạp hiện nay tại Nhật Bản, thủ tưởng mới cần phải đáp ứng ít nhất 2 điều kiện quan trọng. Trước hết, người lãnh đạo mới phải là một gương mặt tươi mới, không có mối liên hệ nào với Thủ tướng Kishida, có tư tưởng cải cách và cho cử tri thấy rằng, đảng LDP cầm quyền sẽ thay đổi. Ngoài ra, lãnh đạo đảng LDP cầm quyền phải là một chính trị gia có khả năng đoàn kết đảng và quản lý chính phủ hiệu quả. Một người có kinh nghiệm sẽ tốt hơn một người chỉ đơn giản là có mức độ nổi tiếng cao trong các cuộc thăm dò dư luận.

Thách thức chờ đợi nội các mới

Theo tờ RBC của Nga, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản, Viện Trung Quốc và châu Á đương đại, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Valery Kistanov nhận định, người kế nhiệm Thủ tướng Kishida và nội các mới sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Nhiệm vụ đầu tiên của tân thủ tướng sẽ là cần đoàn kết một đảng LDP đang bị chia rẽ nghiêm trọng và giải quyết các vấn đề liên quan đến lạm phát gia tăng. Đầu tháng 8, tình hình kinh tế Nhật Bản trở nên tồi tệ hơn khi thị trường chứng khoán nước này giảm hơn 10%. Khoảng 90% số người được hỏi phàn nàn rằng, họ không cảm thấy bất kỳ sự cải thiện nào trong nền kinh tế Nhật Bản.

Thời gian gần đây, nền kinh tế Nhật Bản có dấu hiệu giảm tốc đáng lo ngại. Quỹ Tiền tệ quốc tế cho biết, tốc độ tăng trưởng GDP thực tế hằng năm của Nhật Bản từ năm 2000 đến năm 2022 chỉ đạt 0,7%, trong khi của Đức là 1,2%. Do đó, trong 20 năm qua, GDP thực tế của Nhật Bản chỉ tăng khoảng 10%, trong khi của Đức tăng gần 20%. Kết quả là, GDP năm 2023 của Nhật Bản nhỏ hơn Đức, tụt xuống thứ tư thế giới, 13 năm sau khi bị Trung Quốc chiếm vị trí số hai.

 Thị trường chứng khoán Nhật Bản lao dốc. Ảnh: Global Look Press

Thị trường chứng khoán Nhật Bản lao dốc. Ảnh: Global Look Press

Tân thủ tướng và nội các mới cũng sẽ phải nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho vấn đề già hóa dân số gia tăng, tỷ lệ sinh thấp vốn kéo dài nhiều năm ở Nhật Bản. Từ Nikkei Asia dẫn số liệu thống kê dân số công bố vào tháng 12/2023 cho biết, vào năm 2022 Nhật Bản có số dân trong độ tuổi 15 - 64 ít hơn so với thời điểm năm 1975.

Đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 1950 nhóm dân số này của Nhật Bản chiếm dưới 60% tổng dân số, chỉ đạt mức khoảng 59,5%. Giới chuyên gia lo ngại, vấn đề già hóa dân số đang phủ bóng lên triển vọng kinh tế Nhật Bản trong những năm tới. Các doanh nghiệp nước này vì vậy phải dựa vào công nghệ và các biện pháp khác để ứng phó với sự thiếu hụt lao động được dự báo là sẽ ngày càng trầm trọng hơn thời gian tới.

Còn về chính sách an ninh - quốc phòng, chính sách đối ngoại của Nhật Bản thời gian tới, chuyên gia Valery Kistanov cho rằng, bất kể ai trở thành lãnh đạo mới, sẽ không có những điều chỉnh khác biệt quá lớn so với chính quyền tiền nhiệm trong bối cảnh cục diện chính trị - quân sự tại khu vực Đông Bắc Á đang diễn biến phức tạp, khó lường. Vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên “nóng” trở lại thời gian gần đây khi Triều Tiên liên tiếp tiến hành các vụ thử tên lửa, hạt nhân.

Vấn đề tranh chấp lãnh hải giữa Nhật Bản và Trung Quốc đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tiếp tục leo thang căng thẳng. Ngày 24/6, lực lượng hải cảnh Trung Quốc tuyên bố họ đã thực hiện “các biện pháp kiểm soát cần thiết” và “xua đuổi” 4 tàu cá Nhật Bản cùng một số tàu tuần tra đi vào “vùng lãnh hải” của quần đảo Điếu Ngư (Nhật Bản cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là quần đảo Senkaku) trong khoảng thời gian từ ngày 20 đến 24/6.

Theo Valery Kistanov, những thách thức an ninh buộc tân thủ tướng và nội các mới Nhật Bản phải gia tăng ngân sách quốc phòng, tăng cường hiện đại hóa quân đội và tiếp tục gắn chặt lợi ích với các đồng minh, nhất là Mỹ. Trước đó, ngày 28/3, Quốc hội Nhật Bản phê duyệt ngân sách quốc gia cho tài khóa 2024, trong đó ngân sách quốc phòng đạt mức cao lịch sử 7,95 nghìn tỷ yên (khoảng 52,53 tỷ USD).

Hà Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ap-luc-buoc-thu-tuong-kishida-phai-rut-lui-post307889.html