Áp lực chốt lời mạnh khiến VN-Index mất 7,77 điểm
Ngày 10/7, động lực của VN-Index suy yếu so với những phiên trước với diễn biến giằng co quanh tham chiếu ở đầu phiên. Tuy sau đó lực cầu có tăng giúp thị trường lấy lại sắc xanh nhưng do sự điều chỉnh ở nhóm blue-chips nên biên độ tăng khiêm tốn. Một số nhóm ngành có ghi nhận thu hút dòng tiền trong những phiên trước cũng có dấu hiệu chững lại.
Áp lực chốt lời ở phiên chiều khiến chỉ số chung trượt điểm về dưới tham chiếu. VN-Index đã có 7 phiên tăng liên tiếp nên việc nhà đầu tư ngắn hạn chốt lời cũng là điều dễ hiểu. Khối ngoại ghi nhận phiên bán ròng mạnh với tổng giá trị ròng đạt 1.059,03 tỷ, tập trung bán TCB, DXG, FPT. Kết phiên, VN-Index đóng cửa tại 1.285,94 điểm, giảm 7,77 điểm, tương đương 0,60%.
Về kỹ thuật, các nhà phân tích cho rằng, VN-Index kết phiên với nến đỏ giảm điểm do áp lực chốt lời gia tăng khi thị trường tiến gần về mốc 1.300 điểm. Ở khung đồ thị ngày, chỉ báo RSI và CMF đều hướng xuống và hình thành đỉnh đầu tiên cho thấy thanh khoản mua chủ động vẫn chưa đủ thuyết phục để giúp thị trường vượt đỉnh 1.300 điểm ngay trong ngắn hạn. Tuy nhiên xu hướng của VN-Index vẫn đang vận động tốt. Với diễn biến hiện tại, thị trường có thể sẽ có những phiên rung lắc điều chỉnh, tích lũy trở lại ở khu vực điểm 1.280 trước khi bước khi tiến lên 1.300 – 1.310 điểm.
Ở khung đồ thị giờ, các chỉ báo RSI, MACD và CMF đều đang hướng xuống cho tín hiệu hình thành đỉnh đầu tiên, tuy nhiên cũng không có dấu hiệu của phân kỳ âm nên nhìn chung thì thị trường vẫn đang vận động ổn định giúp xóa bỏ điều chỉnh với biên độ lớn trong ngắn hạn. Thêm vào đó, VN-Index đang dần di chuyển ra khỏi vùng mây ichimoku phẳng và sẽ sớm nối tiếp nhịp tăng điểm trở lại.
Về chiến lược giao dịch, các chuyên gia cho rằng, thị trường ghi nhận diễn biến điều chỉnh rung lắc khi hiện tượng chốt lời ngắn hạn có xu hướng gia tăng. Nhà đầu tư ngắn hạn có thể cân nhắc chốt lời từng phần đối với những mã đã đạt mục tiêu T+ và cho tín hiệu điều chỉnh. Đối với nhà đầu tư trung và dài hạn vẫn duy trì danh mục, có thể giải ngân thêm đối với những mã đã khả dụng trong danh mục ở mức giá chiết khấu khi cổ phiếu có nhịp điều chỉnh trong phiên thuộc các nhóm ngành đang có xu hướng phục hồi trở lại như ngân hàng, chứng khoán.
Một số nhận định khác cho biết, thị trường mở cửa tích cực nhờ các cổ phiếu Hàng Hải và Hóa chất vẫn duy trì đà tăng mạnh như các phiên trước. Tuy nhiên, sức ép bán chốt lời nhanh chóng xuất hiện khiến phần lớn cổ phiếu không duy trì được đà tăng và nhanh chóng đưa chỉ số về lại tham chiếu sau ít phút. Trong bối cảnh đó, nhóm Ngân hàng lại xuất hiện cầu mua chủ động, khiến MBB, BID, VCB ghi nhận mức tăng trên 1%, bên cạnh VRE tăng gần 2% giúp chỉ số tăng trở lại tăng hơn 4 điểm vào giữa phiên sáng. Từ thời điểm đó, lực bán gia tăng ngày càng mạnh khiến Vn-Index mất điểm dần. Các cổ phiếu tăng mạnh thời gian qua như CSV, BFC, DGC, VOS, MWG, POW, FPT đều quay đầu giảm điểm. Qua đó, chỉ số chung chìm dần vào sắc đỏ và đóng cửa tại 1.285,94 điểm. Thanh khoản trên HOSE đạt 21.825,8 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng 1.037,43 tỷ đồng trên HOSE, 3,23 tỷ trên HNX và 11,16 tỷ trên Upcom.
Về kỹ thuật, VN-Index giảm điểm mạnh với volume tương đương trung bình tháng cho thấy áp lực bán chốt lời đã gia tăng đáng kể tại vùng kháng cự quanh 1.300. Tuy vậy, chỉ số chung vẫn phản ứng tốt với ngưỡng hỗ trợ 1.285 để giữ xu hướng tăng ngắn hạn. Nhà đầu tư có thể tiếp tục duy trì tỷ trọng cổ phiếu cao, hạn chế sử dụng margin.
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/ap-luc-chot-loi-manh-khien-vn-index-mat-777-diem-153418.html