Áp lực của làn sóng di cư tại Đức
Trước áp lực của làn sóng di cư đè nặng lên nước Đức, giới chuyên gia bình luận, ngay cả nhà lãnh đạo nổi tiếng với sự hòa nhã như Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng phải nói những lời to tát, cường điệu.
Trong lần chia sẻ với truyền thông quốc tế mới đây về một cuộc cải tổ các quy tắc tị nạn, Thủ tướng Đức cho thấy sự mệt mỏi khi nói: “Tôi không muốn dùng những từ ngữ to tát, nhưng tôi nghĩ đây là một thời điểm lịch sử”.
Theo truyền thông quốc tế, kể từ đầu năm đến nay, lượng đơn xin tị nạn ở Đức đã tăng hơn 70%. Đây cũng là con số phần nào phản ánh áp lực rất lớn đang đè nặng lên Chính phủ Đức. Lời chia sẻ của ông Scholz cũng phần nào cho thấy nhiều khả năng, lịch sử sẽ ghi dấu sự thất bại của chính phủ do ông lãnh đạo trong việc đạt được những cải cách quan trọng về vấn đề nhập cư.
Giới quan sát chỉ ra rằng, chính phủ của ông Scholz đang “đau đầu” tìm biện pháp giảm thiểu số lượng người xin tị nạn đến Đức, trong khi dư luận nước này đang ngày càng coi đây là nhiệm vụ vô cùng cấp bách, nhất là những diễn biến an ninh phức tạp tại Trung Đông đang gây tác động xã hội rất lớn ở Đức, bao gồm mất trật tự trị an trong xã hội nước này.
Cũng theo giới quan sát, năm 2023, Đức sẽ tiếp nhận lượng người xin tị nạn nhiều nhất trong 8 năm sau cuộc khủng hoảng di cư năm 2015. Thậm chí, nhiều thống kê cho thấy, hơn 3 triệu người tị nạn là con số lớn nhất kể từ sau Thế chiến thứ hai.
Bình luận về thỏa thuận mới nhất được ký kết giữa ông Scholz và các nhà lãnh đạo của 16 bang cho thấy, giới cầm quyền Đức vẫn mơ hồ về các biện pháp có hiệu lực trên thực tế.
Một trong những sách lược quan trọng của Đức và Liên minh châu Âu (EU) thời gian gần đây liên quan đến Hiệp ước mới về di cư và tị nạn dài 1.000 trang. Hiệp ước này được thảo luận từ năm 2020, được EU phê duyệt vào tháng 10/2023 và tiếp tục cần được thông qua tại Nghị viện châu Âu vốn đang còn rất nhiều hoài nghi.
Kế hoạch của EU gặp rất nhiều tranh cãi khi tạo nhiều khác biệt trong việc hạn chế di cư. EU sẽ phải thuyết phục các quốc gia nơi người di cư đang chạy trốn tiếp nhận họ trở lại nếu không được cấp quy chế tị nạn. EU cũng phải cắt giảm các thỏa thuận với các quốc gia châu Phi để ngăn chặn người tị nạn vượt Địa Trung Hải. Nhiều luồng dư luận cho rằng, chiến lược này không phù hợp.
Trong bối cảnh dư luận xã hội Đức phản đối kịch liệt đối với dòng người tị nạn và áp lực tài chính ngày càng gia tăng liên quan tới phúc lợi cho người di cư, Thủ tướng Scholz tuyên bố rằng, sự đoàn kết của châu Âu trong việc chia sẻ gánh nặng tiếp nhận người tị nạn là giải pháp khả thi duy nhất cho vấn đề này.
Giới chuyên gia bình luận, lời tuyên bố này được coi như một “điệp khúc”, từng được người tiền nhiệm Angela Merkel kêu gọi lần đầu tiên cách đây gần 1 thập kỷ. Trên thực tế, dường như lời kêu gọi này ít được các quốc gia châu Âu quan tâm.
Thời gian qua, các sách lược của EU dường như sẽ mang lại những lợi ích lớn cho Đức, nhưng nước này thường cho thấy sự dè dặt trong việc thực hiện các đường lối cứng rắn hơn đối với vấn đề tị nạn. Thực tế hiện nay, Đức đang gặp gánh nặng ngày càng gia tăng của làn sóng người tị nạn. Nhiều địa phương của Đức đã đến bờ vực khó khăn khi không đủ nhà ở và nhân lực để xử lý hơn 250.000 người xin tị nạn đến nước này trong năm nay. Cùng với đó, hơn 300.000 người bị từ chối xin tị nạn hiện vẫn ở lại Đức.
Kéo theo đó, công chúng Đức cũng ngày càng cảm thấy bất an với tình trạng gia tăng người tị nạn. Cuộc thăm dò gần đây ở Đức cho thấy, hơn 70% dân số nước này thất vọng trước cách xử lý vấn đề di cư của chính phủ, dẫn tới hệ lụy là những làn sóng chuyển dịch sự ủng hộ đối với các phe cánh trên chính trường.
Nhiều luồng ý kiến cho rằng, Chính phủ Đức hiện rất khó có thể theo đuổi những hành động quyết liệt và sẽ cố gắng làm sao để giữ vững sự ổn định.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/ap-luc-cua-lan-song-di-cu-tai-duc-post469106.html