Áp lực mang tên 'phong tỏa' toàn quốc đè nặng lên ông Modi
Trong khi hơn một nửa các bang và lãnh thổ liên minh của Ấn Độ đã được phong tỏa nhằm ngăn chặn làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần hai, ngày càng có nhiều kêu gọi Ấn Độ áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc lần thứ hai.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang chịu áp lực ngày càng gia tăng về việc có nên áp đặt lệnh phong tỏa trên toàn quốc, trong bối cảnh quốc gia Nam Á phải vật lộn với đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất thế giới.
Hôm nay, Ấn Độ báo cáo 366.161 ca mắc mới, theo Bộ Y tế nước này - lần đầu tiên số ca nhiễm hàng ngày giảm xuống dưới 400.000 người kể từ ngày 6/5. Tổng số ca nhiễm tại Ấn Độ hiện là hơn 22 triệu. Bộ Y tế cũng báo cáo thêm 3.754 trường hợp tử vong trong hôm nay, sau hai ngày liên tiếp hơn 4.000 trường hợp tử vong.
Hiện quốc gia này đã ghi nhận tổng số 246.116 trường hợp tử vong do Covid-19 - trong khi Viện Đo lường và Đánh giá Y tế tại Đại học Washington ước tính rằng đến tháng 8, con số này có thể lên tới 1 triệu trường hợp.
Cuộc khủng hoảng trầm trọng đang đè nặng lên hệ thống chăm sóc sức khỏe của Ấn Độ. Thiếu giường, oxy và nhân viên y tế, một số bệnh nhân Covid đang chết trong phòng chờ hoặc các phòng khám đông đúc bên ngoài, trước khi gặp bác sĩ.
Hôm 9/5, Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ đồng thời là cố vấn hàng đầu về Covid-19 của Nhà Trắng, cho biết ông tin rằng Ấn Độ cần phải phong tỏa toàn quốc.
"Ấn Độ phải phong tỏa. Tôi tin rằng một số bang của Ấn Độ đã làm điều đó, nhưng vẫn cần phải phá vỡ chuỗi truyền tải và một trong những cách để làm điều đó là phong tỏa toàn quốc", ông Fauci chia sẻ với ABC.
Trong một cuộc phỏng vấn riêng với CNN News18, ông Fauci khẳng định đợt phong tỏa nghiêm ngặt sẽ giúp Ấn Độ "đi trước quỹ đạo của đợt bùng phát."
“Ý tôi không phải là ngừng hoạt động trong sáu tháng,” ông nói. “Chỉ cần phá vỡ chuỗi lây truyền. Và người ta có thể làm điều đó bằng cách ngừng hoạt động trong phạm vi có thể trong 2, 3 hoặc 4 tuần. Và sau đó, ngay khi các ca bệnh bắt đầu giảm, Ấn Độ tăng cường tiêm chủng thì sẽ có thể đi trước quỹ đạo của đợt bùng phát”.
Hôm 8/5, Hiệp hội Y khoa Ấn Độ (IMA) cho biết đã kêu gọi một "đợt phong tỏa toàn quốc hoàn toàn, được lên kế hoạch tốt và được thông báo trước" trong 20 ngày qua. Cơ quan này cho biết, việc ngừng hoạt động cần kéo dài khoảng 10 đến 15 ngày để hệ thống y tế vốn đã quá căng thẳng của đất nước có thời gian "thu hồi và bổ sung cả vật chất và nhân lực." IMA cũng nhận định, "lệnh giới nghiêm ban đêm lẻ tẻ" và các hạn chế khác do một số bang áp đặt "không có tác dụng gì."
Ấn Độ từng áp đặt một trong những lệnh phong tỏa lớn và khắc nghiệt nhất thế giới vào tháng 3 năm ngoái, khi đất nước 1,36 tỷ dân này đã báo cáo ít hơn 500 trường hợp nhiễm mới và 10 trường hợp tử vong liên quan.
Biện pháp trên toàn quốc được công bố với thông báo chưa đầy bốn giờ và thiếu kế hoạch đã ngay lập tức gây ra một cuộc khủng hoảng di cư. Đồng thời khiến hoạt động kinh tế của đất nước rơi vào bế tắc, với các doanh nghiệp, nhà máy và công trường xây dựng bị đình trệ.
Thông báo chỉ cách thời điểm hiệu lực 4 tiếng, lệnh này đã khiến hàng chục triệu công nhân nhập cư bị mất việc và phải trú ẩn tại những ngôi làng lân cận thành phố, nhiều người thiệt mạng trên quãng đường này. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng quyết định này đã giúp ngăn chặn đại dịch và câu giờ cho chính phủ.
Nền kinh tế của Ấn Độ đã suy giảm 23% trong quý II/2020 và phục hồi nhẹ khi các hạn chế được nới lỏng. Dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế về tăng trưởng 12,5% trong năm tài chính 2021-22, bắt đầu từ tháng 4, dự kiến sẽ bị ảnh hưởng một lần nữa với sự xuất hiện của làn sóng Covid-19 lần 2 tại quốc gia Nam Á.
Ông Modi đã cảnh báo, việc phong tỏa toàn quốc nên được coi là biện pháp cuối cùng. "Trong tình hình ngày nay, chúng ta phải cứu đất nước khỏi tình trạng bế tắc. Tôi yêu cầu các bang sử dụng phong tỏa làm phương án cuối cùng. Chúng ta phải cố gắng hết sức để tránh phong tỏa hoàn toàn và chỉ tập trung vào các khu vực cấm vi mô", ông Modi nói vào cuối tháng 4.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/ap-luc-mang-ten-phong-toa-de-nang-len-ong-modi-418751.html