Áp lực người giữ rừng
Do áp lực công việc, lực lượng giữ rừng ở Tây Nguyên liên tục xin nghỉ việc, việc tuyển mới nhân viên cũng gặp nhiều khó khăn. Thiếu người bảo vệ, nguy cơ rừng bị xâm hại ngày càng lớn.
Xin nghỉ việc ồ ạt
Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lơ Ku (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) được giao bảo vệ hơn 7.000ha rừng. Công ty hiện có 22 người, trong đó 11 người làm nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ. Ông Nguyễn Huy Luyến, Kế toán trưởng Công ty Lâm nghiệp Lơ Ku, cho biết, sau khi 1 nhân viên bị khởi tố về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, tâm lý những người giữ rừng rất nặng nề. Lãnh đạo công ty phải động viên để họ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Liên tục các năm qua, rất nhiều người đã xin nghỉ. Từ năm 2018 đến cuối năm 2020, có 17 nhân viên bảo vệ rừng viết đơn xin nghỉ, trong đó người làm lâu nhất 2 năm, người thấp nhất 3 tháng. Lý do xin nghỉ là do áp lực công việc khi bị lâm tặc đe dọa, công việc vất vả, chế độ thấp.
Ông Trương Thanh Hà, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kbang, cho biết, trên địa bàn có 7 công ty lâm nghiệp được giao quản lý gần 70.000ha rừng, chiếm 56% diện tích rừng của huyện. Áp lực công việc tại các công ty cao; làm việc không kể ngày đêm, ngày nghỉ; lương thấp; công cụ hỗ trợ chưa đáp ứng nhiệm vụ, trong khi quyền hạn bị hạn chế.
Tình trạng nhân viên nghỉ việc cũng xảy ra tại Ban Quản lý Rừng phòng hộ Nam Sông Ba (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai). Ông Hoàng Thi Thơ, Trưởng Ban quản lý, cho biết, từ năm 2016 đến cuối năm 2020, có 8 người xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác vì lý do áp lực công việc, lương thấp; thậm chí có người trình độ thạc sĩ cũng xin nghỉ việc. Ngoài ra, cũng có tình trạng “ngại” làm lãnh đạo. Ở đơn vị, mỗi lần phân công cán bộ làm trạm trưởng thì lãnh đạo ban phải ra sức động viên, vì làm trạm trưởng phụ cấp chức vụ chỉ hơn nhân viên có 0,1%, nhưng áp lực nặng nề hơn.
Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) hiện cũng đang “khát” lao động bảo vệ rừng. Ông Trần Quốc Ái, Chủ tịch Công đoàn cơ sở của công ty, cho biết, ngoài 9 cán bộ vừa bị khởi tố vì thiếu trách nhiệm gây hậu quả, trong 2 năm gần đây có gần 10 cán bộ xin nghỉ việc.
Khó tuyển mới
Nhân viên xin nghỉ, chủ rừng phải tuyển lao động mới để bảo vệ rừng, nhưng việc này rất khó vì ít người mặn mà. Theo ông Nguyễn Huy Luyến, trên lâm phần được giao quản lý, để bảo vệ rừng thì cần đến 14-16 người. Trong khi đó, từ tháng 5-2020 đến nay, chỉ có 11 người làm nhiệm vụ này nên công việc đè nặng lên vai họ. Để bảo vệ rừng tốt hơn, đơn vị cũng đã rốt ráo đăng tuyển nhân viên giữ rừng, hay liên hệ với các trường đào đạo ngành lâm nghiệp ở Gia Lai, Bình Định để mời sinh viên về làm, nhưng không ai đến. Thậm chí, công ty chấp nhận hạ tiêu chuẩn tuyển từ trung cấp xuống còn lao động phổ thông có sức khỏe, nhưng vẫn không tuyển được.
Ông Trương Thanh Hà cho biết, tại các công ty lâm nghiệp trên địa bàn, vấn đề tuyển dụng nhân viên bảo vệ rừng mới hết sức khó khăn. Trong các buổi tổ chức đón nhận bộ đội xuất ngũ trở về, lãnh đạo UBND huyện Kbang, hạt trưởng hạt kiểm lâm, giám đốc công ty lâm nghiệp tuyên truyền, giải thích chế độ, lương thưởng, qua đó đặt vấn đề tuyển dụng trực tiếp những người này vào làm nhiệm vụ bảo vệ rừng tại các công ty lâm nghiệp nhưng không thành công vì họ không thiết tha. Cũng vì thiếu lực lượng bảo vệ rừng nên lâm phần của các công ty lâm nghiệp dễ bị xâm hại hơn lâm phần ở các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng.
“Với áp lực công việc như hiện nay, việc thu hút người làm công tác giữ rừng rất khó. Đặc biệt đối với những công ty lâm nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn về tài chính, ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là 300.000 đồng/ha thì họ không còn nguồn thu nào. Do đó, phía chi cục cũng đã có ý kiến tham mưu với UBND tỉnh có kiến nghị đề xuất tăng thêm nguồn kinh phí này từ 300.000 đồng/ha lên 500.000 đồng/ha nhằm giúp các công ty này có thêm kinh phí tăng lương, phụ cấp cho người lao động để họ sống được với nghề. Bên cạnh đó, do đặc thù công việc vất vả và nguy hiểm nên cũng cần phải có những chế độ đặc thù dành riêng cho những người làm công tác bảo vệ rừng, như tăng quyền hạn xử lý, cung cấp các công cụ hỗ trợ để họ yên tâm công tác”, ông Nguyễn Đức Việt nói.
Theo ông Nguyễn Đức Việt, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, đối với các công ty lâm nghiệp, một nhân viên bảo vệ rừng phải đảm trách việc bảo vệ diện tích bình quân 664ha rừng tự nhiên là quá khả năng. Thu nhập của họ có mức thấp nhất là 3,1 triệu đồng, mức cao nhất là 5 triệu đồng. Do thu nhập thấp, nợ lương và điều kiện công tác khắc nghiệt, nguy hiểm nên một bộ phận người lao động đã viết đơn xin nghỉ việc để tìm việc mới.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/ap-luc-nguoi-giu-rung-720182.html