Áp lực tăng lương cơ sở với các bệnh viện tự chủ tài chính

Tăng lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng/tháng là niềm vui với người lao động nhưng lại là áp lực đối với các bệnh viện tự chủ tài chính.

Các bệnh viện tăng lương theo quy định

Chính phủ đã ban hành Nghị định 73/2024/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Theo đó, từ 1/7/2024, mức lương cơ sở là 2,34 triệu đồng/tháng thay cho mức 1,8 triệu đồng/tháng như hiện tại. Các cơ sở y tế cũng áp dụng nghị định này.

Theo PGS.TS Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh viện là đơn vị sự nghiệp công lập, tự chủ toàn bộ chi thường xuyên, thực hiện tăng lương theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP của Chính phủ, Ban giám đốc bệnh viện đã xem xét, đánh giá tác động tài chính về thu/chi, nhận định đảm bảo đủ nguồn kinh phí để chi trả lương, phụ cấp, thu nhập tăng thêm cho người lao động theo quy định mới.

Các bệnh viện tự chủ tài chính chịu nhiều áp lực, thách thức khi lương cơ sở tăng 30%, trong khi giá dịch vụ khám chữa bệnh chưa được điều chỉnh. (Ảnh minh họa)

Các bệnh viện tự chủ tài chính chịu nhiều áp lực, thách thức khi lương cơ sở tăng 30%, trong khi giá dịch vụ khám chữa bệnh chưa được điều chỉnh. (Ảnh minh họa)

Tại Bệnh viện Bạch Mai, PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện cho biết, cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai rất mừng khi có Nghị định 73/2024/NĐ-CP của Chính phủ.

"Bệnh viện căn cứ vào tình hình thực tế sẽ thực hiện theo Nghị định này. Tuy nhiên, bệnh viện cũng mong Chính phủ và bộ ngành liên quan sớm hoàn thiện giá dịch vụ y tế phù hợp với tăng lương cơ bản để bệnh viện đảm bảo thu chi thường xuyên cho nhân viên y tế", ông Cơ nói và cho hay, với mức lương cơ sở tăng theo Nghị định này, mỗi tháng Bệnh viện Bạch Mai phải chi khoảng 12 tỷ đồng tăng thêm chỉ riêng cho tiền lương.

PGS.TS Đào Xuân Cơ cũng chia sẻ thêm về thời điểm bệnh viện gặp khó khăn trong giai đoạn tự chủ toàn diện.

Mặc dù được tự chủ toàn diện nhưng bệnh viện chưa bao giờ được tự chủ về giá. Theo quy định hiện hành của Bộ Y tế, mới tính 4/7 yếu tố kết cấu giá dịch vụ. Trong khi đó, chi phí thuốc, vật tư tiêu hao, hàng hóa, tiền lương, tiền công... tăng hằng năm do giá thị trường tăng nhưng giá dịch vụ y tế không kịp điều chỉnh theo, nên ảnh hưởng đến cân đối thu chi.

Từ khi dừng cơ chế tự chủ toàn diện, Bệnh viện Bạch Mai chuyển sang thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị định số 60 của Chính phủ. Bệnh viện thực hiện tự chủ theo nhóm 2, chỉ chi thường xuyên và vẫn được hỗ trợ xây dựng cơ bản, sửa chữa, mua sắm các thiết bị, điều mà Bệnh viện Bạch Mai trong giai đoạn này khó lòng thực hiện được do tài chính ít.

Đến thời điểm này, dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng bệnh viện cơ bản tháo gỡ được tình trạng thiếu thuốc, vật tư, hóa chất…, đảm bảo công tác khám chữa bệnh cho người dân với phương châm "lấy người bệnh là trung tâm".

Cố gắng đảm bảo cân đối thu - chi

TS Nguyễn Văn Thường - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) bày tỏ vui mừng khi lương cơ sở tăng lên 2,34 triệu đồng. Ông Thường cho hay, việc tăng lương sẽ giúp cải thiện được cuộc sống người lao động, nhất là giá cả thị trường, chi phí cuộc sống ngày càng tăng. Tuy nhiên, đối với bệnh viện tự chủ chi thường xuyên sẽ gặp một số khó khăn nhất định.

Theo đó, hiện giá dịch vụ khám chữa bệnh đang tính trên mức lương cơ sở 1,8 triệu, vì vậy khi lương cơ sở tăng lên 2,34 triệu đồng và giá dịch vụ vẫn giữ nguyên sẽ khiến việc cân đối thu - chi của bệnh viện gặp khó khăn.

"Bệnh viện đang rà soát lại các chức danh, nguồn lực, chúng tôi dự kiến sẽ sử dụng quỹ bình ổn lương để đảm bảo tăng lương cho người lao động. Khi có bảng lương chính thức, hướng dẫn cụ thể sẽ thực hiện tăng lương", ông Thường thông tin.

Cùng quan điểm, TS.BS Nguyễn Đình Phúc - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa (Hà Nội) cho rằng, khó khăn chung của các đơn vị tự chủ chi thường xuyên là việc cân đối thu - chi sau khi lương cơ sở tăng. Các bệnh viện cần phải cải thiện nguồn thu, nhưng hiện nay giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng, tính đủ. Tuy nhiên, bệnh viện vẫn cố gắng đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Khẳng định việc tăng lương cơ sở 30% - mức cao nhất lịch sử, là quyết sách kịp thời trong giai đoạn hiện nay, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam Phạm Thanh Bình cho rằng, nếu không tăng lương kịp thời thì đời sống cán bộ không thể đảm bảo.

Với ngành y tế, bà Bình cho biết số nhân viên hành chính có sự yên tâm rất lớn với mức điều chỉnh lương trên. Bên cạnh việc nhân viên y tế mong chờ, thì lãnh đạo trong các đơn vị tự chủ khá áp lực. Bởi, tăng lương phải xem xét đến nguồn lực thực hiện được đối với tất cả các cơ sở đang tự chủ.

Thực tế hiện nay, giá viện phí mới được tính đầy đủ với dịch vụ theo yêu cầu. Bên cạnh đó, 80% cơ sở y tế đang thực hiện theo giá dịch vụ với 4/7 yếu tố. Trong khi đó, chi phí thuốc, vật tư tiêu hao, hàng hóa, tiền lương, tiền công... tăng hằng năm do giá thị trường tăng. Tuy nhiên, giá dịch vụ y tế không kịp điều chỉnh theo kịp.

"Vì thế cần sớm ban hành giá, lệ phí đầy đủ yếu tố. Như vậy, các bệnh viện tự chủ có thể đảm bảo thu chi thường xuyên cho nhân viên y tế. Đây cũng là yếu tố tiên quyết để trả lương theo mức điều chỉnh mới", Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam Phạm Thanh Bình khẳng định.

Chí Tâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ap-luc-tang-luong-co-so-voi-cac-benh-vien-tu-chu-tai-chinh-331259.html