'Áp lực kép' khiến người trẻ thà chọn độc thân

Biện pháp tăng trách nhiệm xã hội đối với người độc thân khó thúc đẩy quyết định kết hôn, do người trẻ phải chịu áp lực nhân đôi, vừa xây dựng gia đình, vừa phát triển sự nghiệp.

“Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà” là câu tục ngữ xưa chỉ thứ tự của 3 việc hệ trọng trong đời người. Tuy nhiên, thứ tự này thay đổi ít nhiều trong xã hội hiện đại.

Để dẫn đến quyết định lập gia đình, người trẻ phải đối mặt với những vấn đề tài chính liên quan. Như vậy, họ vô hình trung chịu tiêu chuẩn kép, áp lực nhân đôi khi vừa phải xây dựng sự nghiệp thành công, vừa phải vun vén gia đình hạnh phúc.

Theo tôi, nếu không thể cung cấp phúc lợi cần thiết góp phần cởi bỏ “nút thắt” tâm lý cho người trẻ, việc áp dụng các biện pháp tăng trách nhiệm đóng góp xã hội đối với người không muốn kết hôn khó đạt hiệu quả như mong đợi.

Thay vì áp dụng các biện pháp mang tính cưỡng chế, việc bồi dưỡng kỹ năng lập kế hoạch, định hướng, phát triển bản thân và ứng xử trong hôn nhân cần được chú trọng hơn.

 Nhiều người trẻ gồng mình chịu tiêu chuẩn kép, áp lực xây dựng gia đình và phát triển sự nghiệp cùng lúc. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Nhiều người trẻ gồng mình chịu tiêu chuẩn kép, áp lực xây dựng gia đình và phát triển sự nghiệp cùng lúc. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Nguyên nhân của áp lực kép

Về áp lực kết đôi và kết hôn, nhiều người trẻ không nhận thấy sự hấp dẫn của việc lập gia đình. Các vấn đề liên quan đến nhà ở và nuôi dạy con cái trở thành gánh nặng, khiến nhiều cá nhân chùn chân trước ngưỡng cửa hôn nhân.

Trong bối cảnh giá nhà tại các đô thị lớn tăng cao, việc mua nhà để xây dựng tổ ấm trở thành mục tiêu khó đối với nhiều người trẻ. Nếu không mua nhà, các đôi vợ chồng cũng cần thuê một không gian sống “ra tấm ra món” hơn người độc thân.

Hơn nữa, các chi phí liên quan đến nuôi dạy con cái trong xã hội hiện đại cũng không nhỏ. Vì thế, người trẻ với tâm lý “dành những điều tốt nhất cho con” có xu hướng trì hoãn hôn nhân, sinh đẻ.

 Bên cạnh áp lực xây dựng gia đình, người trẻ còn phải đối mặt với nỗi lo "thua bạn kém bè" trên con đường sự nghiệp. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Bên cạnh áp lực xây dựng gia đình, người trẻ còn phải đối mặt với nỗi lo "thua bạn kém bè" trên con đường sự nghiệp. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Bên cạnh các yếu tố liên quan đến tài chính, vấn đề tâm lý cũng đóng vai trò quan trọng trước quyết định trì hoãn hoặc không kết hôn của người trẻ. Thông tin về hôn nhân đổ vỡ, ngoại tình, bạo hành gia đình tràn lan trên mạng xã hội, tạo ra hàng rào tâm lý đối với nhiều người.

Dưới góc nhìn của tôi, sự thiếu sẵn sàng này hoàn toàn có cơ sở, không dễ giải quyết bằng các biện pháp thúc ép, cưỡng chế.

Về áp lực xây dựng sự nghiệp, mục tiêu đảm bảo tài chính cho hôn nhân là một nguyên nhân. Ngoài ra, người trẻ hiện nay thường xuyên phải đối mặt với peer pressure (áp lực đồng trang lứa).

Áp lực “bằng bạn bằng bè” gia tăng khi những bài đăng khoe nhà, khoe xe, khoe bằng cấp xuất hiện nhiều trên mạng xã hội. Đây cũng được xem là “con dao hai lưỡi” của kỷ nguyên số, thế giới phẳng.

Trong khi kỳ vọng xã hội về việc kết đôi, kết hôn tăng cao, tiêu chuẩn sự nghiệp thành đạt vẫn không giảm nhẹ, tạo ra áp lực kép cho người trẻ.

Thúc ép không phải giải pháp khả thi

Xu hướng độc thân, kết hôn muộn tạo ra nỗi lo chính đáng, ảnh hưởng ít nhiều đến an sinh xã hội. Quyết định trì hoãn lập gia đình, sinh con cũng gia tăng khoảng cách thế hệ giữa cha mẹ và con cái, dễ dàng tạo ra mâu thuẫn.

Tuy nhiên, các biện pháp mang tính ép buộc, cưỡng chế khó cải thiện được cục diện này. Quyết định kết hôn của người trẻ phải đến từ sự tự nguyện, sẵn sàng, không thể bắt nguồn từ tâm lý lo sợ.

Về mặt vật chất, việc cung cấp các phúc lợi xã hội như tạo cơ hội mua nhà với mức giá phải chăng hay đem đến điều kiện nuôi dạy con cái tốt hơn cần được ưu tiên thực hiện. Khi nỗi lo mua nhà, nuôi con giảm thiểu, nỗi sợ hôn nhân sẽ phần nào vơi bớt.

 Các phúc lợi xã hội, chương trình trang bị kỹ năng phát triển bản thân, trau dồi kiến thức tiền hôn nhân góp phần làm giảm nỗi sợ kết hôn của người trẻ. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Các phúc lợi xã hội, chương trình trang bị kỹ năng phát triển bản thân, trau dồi kiến thức tiền hôn nhân góp phần làm giảm nỗi sợ kết hôn của người trẻ. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Về mặt tinh thần, việc trang bị các kỹ năng định hướng, lập kế hoạch, phát triển bản thân cho người trẻ cần được quan tâm. Theo quan điểm của tôi, các bạn cần trau dồi khả năng xây dựng kế hoạch dài hạn, xác định khoảng thời gian tập trung vào công việc và giai đoạn dồn lực cho gia đình.

Trong giai đoạn phát triển sự nghiệp, việc kết đôi, kết hôn có thể tạm hoãn và ngược lại. Đây mới là phương án giúp người trẻ sử dụng quỹ thời gian và năng lượng một cách hợp lý, áp dụng chiến lược phát triển tập trung.

Việc giảm giờ làm để thêm thời gian hẹn hò không có nhiều ý nghĩa. Nếu được trang bị đủ kiến thức, kỹ năng, ở giai đoạn sẵn sàng kết đôi, người trẻ hoàn toàn có khả năng xử lý công việc hiệu quả trong giờ hành chính.

Bên cạnh lộ trình phát triển bản thân, những cá nhân ái ngại kết hôn còn cần bổ sung kỹ năng ứng xử trong hôn nhân. Những chương trình tham vấn tâm lý, trau dồi kiến thức tiền hôn nhân vì thế đặc biệt quan trọng, giúp người trẻ hiểu hơn về cách quản lý tài chính gia đình, phương pháp giao tiếp hiệu quả với nửa kia.

Tâm lý sợ hãi thường bắt nguồn từ sự thiếu nhận thức, hiểu biết. Do đó, việc bổ sung và trau dồi kiến thức sẽ phần nào tháo bỏ được “nút thắt” tâm lý của người trẻ trước các quyết định lớn, chặng đường, cột mốc quan trọng trong cuộc đời.

Linh Vũ

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/ap-luc-kep-khien-nguoi-tre-tha-chon-doc-than-post1493079.html