Áp lực thiếu giống sắn sạch bệnh

Nông dân xã Sơn Hội (huyện Sơn Hòa) dùng giống sắn cũ bị nhiễm bệnh để trồng vụ mới. Ảnh: LÊ TRÂM

Niên vụ sắn 2021-2022, nông dân trong tỉnh trồng 20.173ha, bệnh khảm lá virus gây hại với diện tích lên đến 13.432ha. Dự báo trong thời gian tới, bệnh có nguy cơ lây lan ra diện rộng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và chế biến sắn trên địa bàn tỉnh.

Ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân không sử dụng giống sắn đã bị nhiễm bệnh khảm lá để trồng, nhất là giống sắn HLS11 vì giống này tỉ lệ nhiễm bệnh nặng. Cơ quan chức năng tập trung nghiên cứu giống sắn mới kháng bệnh khảm lá.

Bệnh khảm lá sắn lan rộng

Thống kê của Sở NN-PTNT, hiện bệnh khảm lá virus gây hại tại các vùng trồng sắn của các huyện Sông Hinh, Đồng Xuân, Sơn Hòa, Tây Hòa và Tuy An. Khi sắn nhiễm bệnh sẽ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng, nhiễm nặng thì người trồng nhổ bỏ. Nguyên nhân chính khiến bệnh khảm lá virus hại sắn ngày càng lan rộng là do bọ phấn trắng, môi giới truyền bệnh và lây qua hom giống.

Qua khảo sát của Sở NN-PTNT, hiện bệnh khảm lá sắn lan nhanh, trong khi chưa có giống sắn nào kháng bệnh. Ông Đào Lý Nhĩ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Hiện các giống sắn chủ lực trên địa bàn như KM419, KM140, HLS11 và một số giống nữa cho năng suất và chất lượng bột sắn rất cao nhưng đều bị nhiễm bệnh khảm lá. Trong khi bà con mở rộng diện tích trồng sắn nhưng lại áp lực thiếu giống sạch bệnh.

Tại huyện Sông Hinh, bệnh khảm lá virus hại sắn xuất hiện trên địa bàn từ năm 2018, sau đó diện tích sắn bị nhiễm bệnh tăng dần hàng năm. Đến niên vụ 2020-2021, diện tích sắn bị bệnh khảm lá lên đến gần 7.000ha. Nguyên nhân do nông dân trồng các giống sắn như HLS11, KM140 đã bị nhiễm bệnh khảm lá dù cơ quan chức năng khuyến cáo không sử dụng để làm giống.

Ông Nguyễn Văn Long, một nông dân trồng sắn xã Đức Bình Tây (huyện Sông Hinh) cho hay: Mấy năm trước, do thiếu giống nên tôi cũng như một số người dân trên địa bàn mua giống từ vùng khác về trồng. Ban đầu, cây sắn phát triển tốt, tuy nhiên khoảng 1 tháng tuổi, cây bắt đầu xuất hiện bệnh. Dù gia đình có mua thuốc về phun nhưng bệnh không giảm mà tiếp tục lan rộng. Niên vụ 2020-2021 vừa qua, nhà tôi trồng gần 1ha nhưng thu hoạch chỉ 10 tấn, giảm gần một nửa so với các niên vụ trước.

Ông Hồ Kim Lân, phụ trách Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Sông Hinh, cho biết: Bệnh khảm lá virus hại sắn xuất hiện trên địa bàn từ năm 2018, với diện tích nhiễm ban đầu 100ha ở một xã, nay lây lan hầu hết các xã trong huyện. Toàn huyện nông dân trồng gần 10.000ha sắn, bệnh khảm lá gây hại gần hết.

Nghiên cứu các giống sắn mới

Theo Sở NN-PTNT, bệnh khảm lá sắn hiện chưa có thuốc phòng trừ. Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho sản xuất sắn, Sở NN-PTNT khuyến cáo bà con lựa chọn các giống sắn có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không bị nhiễm bệnh. Đặc biệt, không sử dụng những giống sắn đã công bố bị nhiễm bệnh nặng, nhất là giống sắn HLS11.

Ông Bùi Văn Thìn ở xã Sơn Hội (huyện Sơn Hòa) cho hay, gia đình ông trồng 5 sào sắn. Niên vụ sắn vừa rồi trồng giống HLS11, do bị bệnh khảm lá sắn nên thu hoạch chỉ được gần 4 tấn, trong khi mọi năm là gần 10 tấn.

Sở NN-PTNT khuyến cáo bà con nên sử dụng giống sắn KM94 dù năng suất, chất lượng thấp hơn nhưng ít nhiễm bệnh khảm lá. Tuy nhiên để có nguồn giống sắn KM94, ngành Nông nghiệp vận động các nhà máy sắn trên địa bàn huyện Sông Hinh và huyện Đồng Xuân đầu tư giống cho bà con. Tại huyện Đồng Xuân, niên vụ này đã đầu tư trồng 100ha giống sắn KM94.

Ông Đào Lý Nhĩ cho biết thêm: Sắn trồng 3 năm liên tục sẽ làm đất bạc màu, vì vậy, nông dân phải chuyển đổi trồng cây khác rồi mới quay lại trồng sắn. Thế nhưng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ sắn qua cây trồng khác không nhiều, vì toàn bộ diện tích sắn chủ yếu “ăn” nhờ nước trời và chỉ từ 5-10% diện tích sắn có nước tưới. Do đó, việc chuyển diện tích sắn sang cây trồng khác hay cây ăn quả là hết sức khó khăn. Bởi cây gì cũng cần nước tưới, nhưng chỉ cây sắn là dễ tính nhất, không cần nước tưới. Thời gian tới, để nâng cao chất lượng cây sắn, tỉnh sẽ tập trung nâng cao nghiên cứu các giống sắn mới, nhất là giống sắn kháng bệnh khảm lá.

Vừa rồi, Viện Thổ nhưỡng nông hóa (Bộ NN-PTNT) đăng ký đề tài khoa học bằng nguồn kinh phí của trung ương và tỉnh (vốn tỉnh 10%) nghiên cứu các giống sắn kháng khảm lá. Nếu đề tài nghiên cứu chọn một số giống sắn kháng bệnh khảm lá thành công thì tỉnh nhân rộng ra cho bà con nông dân trồng thay thế giống sắn cũ bị bệnh khảm lá.

Ông Đào Lý Nhĩ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT

MẠNH LÊ TRÂM

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/255923/ap-luc-thieu-giong-san-sach-benh.html