Áp lực thuế quan đè nặng đơn hàng xuất khẩu

Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tháng 6/2025 giảm còn 48,9 điểm, đánh dấu tháng thứ ba liên tiếp dưới ngưỡng 50 điểm. Điều đáng lo ngại là tình trạng đơn hàng mới tiếp tục sụt giảm, đặc biệt ở thị trường xuất khẩu, khiến DN cắt giảm lao động và thu hẹp hoạt động mua sắm. Trong bối cảnh đó, niềm tin kinh doanh dù có phục hồi nhẹ nhưng vẫn còn khá mong manh.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Doanh nghiệp co cụm sản xuất

Ngày 1/7/2025, S&P Global công bố báo cáo Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam tháng 6, trong đó nổi bật là sự suy giảm liên tiếp của số lượng đơn hàng mới, đặc biệt từ thị trường nước ngoài. PMI giảm còn 48,9 điểm, từ mức 49,8 điểm của tháng trước, và tiếp tục nằm dưới ngưỡng 50 điểm lần thứ ba liên tiếp. Nguyên nhân chính khiến ngành sản xuất lâm vào đợt “hạ nhiệt” lần này là sự sụt giảm đáng kể trong các đơn hàng xuất khẩu. Nhiều DN phản ánh thuế quan mới từ phía Hoa Kỳ đã trực tiếp tác động đến sức mua từ thị trường lớn này, kéo theo sự sụt giảm mạnh mẽ trong số lượng đơn hàng xuất khẩu mới, một trong hai mức giảm nhanh nhất kể từ tháng 9/2021.

“Tháng 6/2025 chứng kiến nhu cầu quốc tế yếu đi rõ rệt đối với hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, đặc biệt do ảnh hưởng rõ nét từ chính sách thuế quan của Mỹ”, ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence nhận định: “Xuất khẩu suy yếu đã kéo theo tổng số đơn hàng mới giảm, buộc DN phải thu hẹp việc làm và hoạt động mua hàng”.

Sự sụt giảm tổng thể trong đơn hàng mới đã kéo theo một loạt phản ứng dây chuyền trong ngành: các DN giảm quy mô sản xuất, thu hẹp tuyển dụng và tiết giảm chi phí. Số lượng nhân công trong tháng 6 tiếp tục giảm tháng thứ chín liên tiếp, với tốc độ suy giảm mạnh hơn hẳn tháng trước.

Không chỉ đơn hàng giảm, hàng tồn kho, cả hàng mua lẫn hàng thành phẩm cũng được DN chủ động rút bớt. Tốc độ giảm tồn kho hàng hóa trong tháng 6 đạt mức mạnh nhất lần lượt trong 9 tháng và 5 tháng trở lại đây. Điều này cho thấy các nhà sản xuất đang siết chặt hơn nữa các hoạt động vận hành để thích nghi với điều kiện thị trường đang xấu đi. Mặc dù vậy, sản lượng ngành sản xuất vẫn tiếp tục tăng nhẹ trong tháng 6. Đây là tháng tăng thứ hai liên tiếp, nhưng tốc độ tăng khá khiêm tốn và đã chậm hơn so với tháng 5. Điều này cho thấy các DN đang duy trì hoạt động cầm chừng trong khi chờ tín hiệu phục hồi rõ ràng hơn từ thị trường.

Chi phí đầu vào tăng trở lại

Một yếu tố mới trong bức tranh sản xuất tháng 6 là sự đảo chiều của giá cả. Sau khi chi phí đầu vào giảm trong tháng 5, lần đầu tiên trong gần hai năm, tháng 6 ghi nhận mức tăng trở lại, dù chỉ nhẹ. Nguyên nhân chủ yếu là do tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu trên thị trường và sự suy yếu của đồng Việt Nam so với đồng USD. Điều này khiến các nhà sản xuất buộc phải điều chỉnh tăng giá bán, chấm dứt chuỗi năm tháng liên tiếp giảm giá đầu ra.

Tuy nhiên, mức tăng vẫn được đánh giá là rất nhẹ và chủ yếu mang tính phản ứng với chi phí, chứ không phải do cầu thị trường mạnh lên. Cùng lúc đó, tình trạng nguồn cung không ổn định tiếp tục làm gia tăng thời gian giao hàng. Các DN phản ánh rằng thời tiết xấu, tắc nghẽn vận tải và hiệu suất làm việc của nhà cung cấp yếu kém là những nguyên nhân chính khiến việc giao nhận kéo dài hơn. Thực tế, tháng 6 ghi nhận mức suy giảm hiệu suất giao hàng của nhà cung cấp mạnh nhất kể từ tháng 2/2025.

Giữa bối cảnh khó khăn, một điểm sáng đáng chú ý là sự cải thiện nhẹ trong niềm tin kinh doanh. Sau khi chạm đáy trong vòng 44 tháng vào tháng 4, tâm lý DN đã có dấu hiệu phục hồi trong tháng 5 và tiếp tục đi lên trong tháng 6. Theo S&P Global, sự lạc quan này chủ yếu đến từ kỳ vọng rằng, tình hình thị trường sẽ ổn định hơn trong nửa cuối năm 2025, và căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc sẽ giảm bớt. Tuy nhiên, mức độ lạc quan này vẫn thấp hơn so với trung bình lịch sử và phản ánh tâm lý thận trọng là chủ đạo.

Tính đến hết tháng 6, có thể thấy nửa đầu năm 2025 của ngành sản xuất Việt Nam bị phủ bóng bởi nhiều yếu tố bất lợi. Từ sự bất định trong thương mại quốc tế, ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách thuế quan của Mỹ, đến sức mua toàn cầu suy giảm, tất cả tạo nên môi trường kinh doanh đầy thách thức cho các DN sản xuất. Trong khi các chỉ số sản lượng và niềm tin DN có dấu hiệu ổn định, những yếu tố then chốt như đơn hàng mới, việc làm và hoạt động mua sắm, vốn phản ánh kỳ vọng tương lai lại tiếp tục giảm sút. Điều này cho thấy những khó khăn còn kéo dài, ít nhất là trong quý tới.

Điều các DN chờ đợi nhất lúc này là sự điều chỉnh chính sách từ các thị trường xuất khẩu chủ lực, đặc biệt là Mỹ, nhằm giảm áp lực thuế quan.

Nửa đầu năm 2025 được đặc trưng bởi sự biến động và bất ổn, đặc biệt là liên quan đến hoạt động thương mại. Niềm tin kinh doanh đã hồi phục ở mức nhất định trong những tháng gần đây, nhưng tâm lý lạc quan chủ yếu dựa vào kỳ vọng về một bức tranh ổn định hơn trong thời gian tới. Chúng ta cần chờ xem liệu điều đó có thực sự xảy ra hay không.

Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence Andrew Harker

Quý Nguyễn

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ap-luc-thue-quan-de-nang-don-hang-xuat-khau-423591.html&dm=027b572e9e1c071dcb7910c5daa29efe&utime=mjaynta3mdmwmdmzndc=&secureurl=10