Thỏa thuận thuế Việt Nam – Mỹ: Cơ hội chiến lược mở ra chu kỳ tăng trưởng mới cho Việt Nam
Chuyên gia cho rằng, thỏa thuận bước đầu về cắt giảm thuế quan giữa Việt Nam và Mỹ không chỉ mở rộng dư địa xuất khẩu, mà còn mở ra một chu kỳ tăng trưởng mới cho nền kinh tế.
Cắt giảm thuế sẽ tạo lợi ích trực tiếp cho xuất nhập khẩu giữa 2 nước
Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Quang Huy, Chuyên gia Khoa tài chính - ngân hàng Trường đại học Nguyễn Trãi cho biết, cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng Bí thư Việt Nam Tô Lâm dẫn đến thỏa thuận bước đầu về cắt giảm thuế quan song phương, là một dấu mốc địa chính trị – kinh tế đặc biệt quan trọng trong bối cảnh toàn cầu đang tái định hình chuỗi cung ứng và trật tự thương mại.
Thỏa thuận này không chỉ tạo lợi ích trực tiếp cho xuất nhập khẩu giữa 2 nước, mà còn mở ra cơ hội chuyển hóa mô hình tăng trưởng cho Việt Nam, góp phần xác lập vị thế mới của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt là trong mối quan hệ thương mại – đầu tư với Mỹ.

Ông Nguyễn Quang Huy - Chuyên gia Khoa tài chính - ngân hàng Trường đại học Nguyễn Trãi.
Theo ông Huy, thuế quan được cắt giảm giúp hàng hóa Việt Nam cạnh tranh hơn tại Mỹ, hỗ trợ ổn định các đơn hàng hiện có, nhất là với các nhóm ngành như dệt may, gỗ, điện tử, nông sản và chế biến thực phẩm. Sự ổn định này sẽ tạo tâm lý tích cực và niềm tin thị trường, giúp doanh nghiệp mạnh dạn ký kết thêm các hợp đồng xuất khẩu mới, mở rộng công suất và gia tăng đầu tư cho sản xuất.
"Thỏa thuận này củng cố hình ảnh Việt Nam là điểm đến, thu hút FDI tin cậy, hấp dẫn các nhà đầu tư Mỹ trong các lĩnh vực công nghệ cao, sản xuất sạch, chuỗi giá trị bền vững và chuyển đổi số. Nhiều tập đoàn Mỹ và đối tác chiến lược sẽ chuyển dịch đầu tư về Việt Nam nhằm tận dụng ưu đãi thuế quan và ổn định chính trị, từ đó tạo động lực tăng trưởng việc làm và công nghệ cho nền kinh tế Việt Nam", ông Huy nói.
Ông Huy cho biết thêm, trong bối cảnh Mỹ đang siết chặt quy tắc xuất xứ, doanh nghiệp Việt phải đầu tư xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc minh bạch và kiểm toán được; Tăng tỷ lệ nội địa hóa đầu vào, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ các nước bị áp thuế cao.
"Đây không chỉ là điều kiện tuân thủ, mà còn là cơ hội để xây dựng chuỗi cung ứng tự chủ trong nước, nâng tầm giá trị “Made in Vietnam", ông Huy khẳng định.
Mở ra hành lang thương mại lớn
Ông Nguyễn Tuấn Việt - Chuyên gia về xuất khẩu - Tổng Giám đốc Công ty xúc tiến Xuất khẩu Vietgo cho rằng, trong một cuộc khảo sát tại Hội thảo online do VietGo tổ chức với hơn 50 doanh nghiệp Mỹ vào tháng 5/2025 cho thấy, đa số các doanh nghiệp đều khẳng định không từ bỏ Việt Nam, vì nơi đây sở hữu nhiều lợi thế vượt trội: Chính trị ổn định, lao động chất lượng, chi phí cạnh tranh và đặc biệt là mạng lưới FTA trải rộng toàn cầu.
Theo ông Việt, không chỉ dừng lại ở thu hút đầu tư, Việt Nam còn đang nổi lên như một trạm trung chuyển chiến lược cho hàng hóa Mỹ đi vào châu Á - đặc biệt là ASEAN.

Ông Nguyễn Tuấn Việt - Chuyên gia về về xuất khẩu - Tổng Giám đốc Công ty xúc tiến Xuất khẩu Vietgo.
“Thị trường châu Á, nhất là các nước đang phát triển trong khối ASEAN, đang có nhu cầu rất lớn đối với hàng tiêu dùng và công nghệ Mỹ. Khi hàng Mỹ vào Việt Nam, từ đây chúng ta có thể phân phối lại sang các nước khác với mức thuế ưu đãi theo các FTA sẵn có.
Chính điều này cũng mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam - không chỉ trong vai trò nhập khẩu và phân phối hàng Mỹ, mà còn là mắt xích trung gian trong chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo thêm giá trị gia tăng và thúc đẩy ngành logistics, thương mại tái xuất và công nghiệp phụ trợ trong nước".
Ông Việt khẳng định, thỏa thuận thuế quan giữa Việt Nam và Mỹ vừa mở ra hành lang thương mại mới, vừa là lời khẳng định vị thế chiến lược của Việt Nam trong giai đoạn hội nhập sâu rộng. Bằng sự nhạy bén, linh hoạt và chủ động, Việt Nam đang biến thách thức thành cơ hội, biến thế bị động thành chủ động và biến sự điều chỉnh địa chính trị toàn cầu thành bàn đạp để chuyển mình trở thành trung tâm sản xuất - thương mại - logistics của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.