Áp lực trở thành 'người mẹ hoàn hảo' khiến phụ nữ trẻ mệt mỏi, trầm cảm
'Khoảng 63% phụ nữ cảm thấy mệt mỏi sau những nỗ lực trở nên hoàn hảo', theo một cuộc khảo sát của tập đoàn chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế quốc tế.
Áp lực trở nên hoàn hảo
Trong xã hội hiện đại, người phụ nữ phải đối mặt với nhiều áp lực, nhiều trách nhiệm cũng như phải gánh vác nhiều vai trò. Một mặt, họ luôn phải cố gắng hết sức mình, nỗ lực phấn đấu trong công tác, chứng tỏ năng lực bản thân, giành lấy cơ hội thăng tiến trong nghề. Nhiều phụ nữ thậm chí còn đảm nhiệm vai trò trụ cột kinh tế của gia đình.
Một mặt khác, họ phải là những người vợ tốt, biết cách chăm lo cho chồng, đảm đang từ việc nấu nướng, giặt giũ đến lau dọn nhà cửa. Trách nhiệm là một người mẹ tốt, phải chăm sóc những đứa con, lo cho chúng mọi chuyện từ ăn, ngủ, học hành đến vui chơi, giải trí... cũng chưa bao giờ là việc đơn giản.
Thêm vào đó, nhiều khi họ còn phải đóng vai một người con dâu ngoan, một người chị chu đáo, một người đồng nghiệp hòa nhã, một người hàng xóm thân thiện...
Theo khảo sát 14.000 người của tổ chức hoạt động vì lợi ích của phụ nữ Club de Malasmadres, cứ 10 người thì có 7 người cảm thấy tội lỗi vì không hoàn hảo, El Páis đưa tin.
"Giờ đây, xã hội luôn đặt nhiều kỳ vọng vào các bà mẹ: sự nghiệp thành công, có cống hiến cho xã hội, luôn vui vẻ và tích cực, biết tự chăm sóc mình, chơi thể thao. Vậy ai sẽ là người chăm sóc cho họ?", Laura Baena, nhà sáng lập tổ chức hoạt động vì lợi ích của phụ nữ Club de Malasmadres, chia sẻ.
8/10 tiết lộ chính gia đình là những người tạo áp lực với họ. Ngay cả việc nuôi con bằng sữa mẹ hay sữa bột cũng khiến họ bị đánh giá.
"Thực tế, quá trình mang bầu và sinh con là thời điểm phơi bày mọi phán xét của xã hội. Mọi người thậm chí công khai tranh luận việc cho con uống sữa mẹ hay bú bình, sau đó chê bai khả năng làm mẹ của người phụ nữ", bà mẹ 3 con Baena bày tỏ.
"Đáng lẽ nhà là nơi chúng tôi được động viên, san sẻ nhiều nhất, thì lại tạo ra nhiều mệt mỏi cho hơn cả".
Đồng quan điểm, nhà báo, tác giả Rachel Kelly chia sẻ câu chuyện của bản thân trên tờ The Guardian sau quãng thời gian dài phấn đấu làm một người mẹ mẫu mực. Giờ đây cô thành lập một câu lạc bộ dành cho những bà mẹ khác ở Anh rơi vào tình cảnh tương tự.
Các thành viên của CLB này giống nhau ở chỗ đều đã từng cố gắng trở thành những bà mẹ "siêu nhân" có thể cân bằng hài hòa giữa công việc và gia đình, giữa sự nghiệp và con cái, nhưng đều có một kết cục chung đó là thất bại thảm hại.
Áp lực của việc trở nên hoàn hảo đã vắt kiệt hoàn toàn sức lực của họ. Nhiều người đã bật khóc khi mọi chuyện vượt khỏi tầm kiểm soát. Đối với riêng trường hợp của Kelly, cô đã phải trải qua hai giai đoạn trầm cảm nghiêm trọng ở độ tuổi ngoài 30.
"Khi ấy tôi luôn muốn làm tốt công việc phóng viên của mình, cùng lúc đó là làm một người mẹ tốt, lẫn một người vợ tốt. Thế rồi, những lo âu căng thẳng, sợ hãi và choáng ngợp dần bủa vây lấy tôi. Đó là khởi đầu cho giai đoạn trầm cảm nghiêm trọng thứ nhất trong đời tôi. Vài năm sau đó, tình trạng này đã một lần nữa lặp lại", cô kể.
Sau những trải nghiệm không mấy vui vẻ trên, Kelly tỏ ra không hề ngạc nhiên khi biết rằng 63% phụ nữ cảm thấy mệt mỏi sau những nỗ lực trở nên hoàn hảo, theo một cuộc khảo sát của tập đoàn chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế quốc tế Bupa UK.
Vì sao các bà mẹ trẻ lại áp lực phải trở nên hoàn hảo?
Những ngày gần đây, những bức tranh trong bộ sưu tập về một bà mẹ hoàn hảo của Jamina Bone đang nhận được rất nhiều chú ý cũng như sự đồng cảm của những người phụ nữ trên mạng xã hội. Chỉ bằng những nét vẽ rất đơn giản cùng với những dòng chữ thể hiện ý tưởng, không có nhiều màu mè sặc sỡ, bối cảnh cầu kỳ... những bức tranh gần giống như tranh minh họa của Jamina Bone khiến nhiều người phải suy ngẫm.
Chia sẻ với Bored Panda, Jamina Bone cho biết, cô là bà mẹ của hai đứa con. Sau khi sinh đứa thứ 2, cô bị trầm cảm nặng sau sinh (hay còn gọi là PPD). Bone chia sẻ, lý do cô nghĩ mình bị trầm cảm là do cách tiếp cận với vấn đề một cách tiêu cực. Cô luôn muốn mọi thứ được tốt nhất, phải thật hoàn hảo theo cách mà cô nghĩ. "Tôi đã từng lên kế hoạch cho các hoạt động, giới hạn thời gian sử dụng thiết bị và biến mọi cơ hội thành khoảnh khắc học tập".
Nhưng khi sinh xong, cô cảm thấy bất lực với bản thân vì không thể sắp xếp được mọi thứ theo cách mình muốn. Cô cảm thấy thật tệ hại, cảm thấy mình không xứng đáng làm một người mẹ hoàn hảo cho những đứa con của mình và chỉ muốn bỏ trốn. "Tôi luôn giữ những suy nghĩ tiêu cực trong đầu và thường xuyên tưởng tượng ra những điều kinh hoàng, từ việc làm tổn thương bản thân đến cái chết của con tôi".
Bone chia sẻ, là một người phụ nữ hiện đại, những bà mẹ luôn bị "tấn công" bởi gia đình, xã hội và thậm chí là từ môi trường mạng. Những người xung quanh luôn nói phải làm thế này, thế kia mới tốt cho những đứa trẻ, mới tốt cho bản thân cô. Thậm chí khi những bà mẹ gặp khó khăn và muốn chia sẻ, họ có thể càng rối hơn với những ý kiến đa chiều, những góp ý từ bạn bè, đồng nghiệp về cách nuôi dạy con.
Nghiên cứu của tổ chức hoạt động vì lợi ích của phụ nữ Club de Malasmadres đã chỉ ra những người mẹ hình mẫu trên mạng xã hội cũng tác động nặng nề đến nữ giới.
"Họ buồn bã và dằn vặt vì sự cách biệt với các mẹ bỉm được Internet lý tưởng hóa. Phái nữ cần phải gạt bỏ suy nghĩ hạ thấp, tự ti, cho rằng mình kém cỏi", Laura Baena, nhà sáng lập tổ chức hoạt động vì lợi ích của phụ nữ Club de Malasmadres, chia sẻ.
"Giờ đây, xã hội luôn đặt nhiều kỳ vọng vào các bà mẹ: sự nghiệp thành công, có cống hiến cho xã hội, luôn vui vẻ và tích cực, biết tự chăm sóc mình, chơi thể thao. Vậy ai sẽ là người chăm sóc cho họ?", Laura Baena, nhà sáng lập tổ chức hoạt động vì lợi ích của phụ nữ Club de Malasmadres, chia sẻ.
8/10 tiết lộ chính gia đình là những người tạo áp lực với họ. Ngay cả việc nuôi con bằng sữa mẹ hay sữa bột cũng khiến họ bị đánh giá.
Bên cạnh đó, tiến sĩ Shari Lusskin tại Trung tâm Y tế Mount Sinai (Mỹ) cho biết, có thể phụ nữ thời nay tự tạo thêm áp lực cho bản thân vì môi trường thời thơ ấu của họ.
"Các bậc cha mẹ trẻ từng lớn lên trong thời đại mạng xã hội nên đã quen với việc mọi hành động của họ đều được thảo luận, phê bình và điều đó cũng được áp dụng trong việc nuôi dạy con cái. Khi xem qua số liệu, tôi rất ngạc nhiên về sự tuyệt đối của những nguyện vọng nuôi dạy con cái mà các bà mẹ trẻ theo đuổi" - bà nói.
Cynthia Osborne - giáo sư về chính sách và giáo dục mầm non tại Đại học Vanderbilt (Mỹ) - cho biết, các xu hướng sinh và nuôi con cũng thay đổi phần nào tùy thuộc vào việc một người phụ nữ làm mẹ lần đầu hay có nhiều con.
"Từ góc độ phát triển, trẻ em thực sự khá đơn giản. Chúng không cần những đồ chơi ưa thích, ăn những thức ăn đắt tiền hay học đầy đủ các môn kỹ năng. Những gì chúng cần là môi trường an toàn, ổn định, kích thích và yêu thương" - bà Obsorne nhận định. "Chúng ta luôn muốn làm những gì tốt nhất cho con cái mình và đôi khi điều đó có nghĩa là tự đẩy mình đến bờ vực" - bà nói thêm.
Theo giáo sư Cynthia Osborne, sự lo lắng của cha mẹ không có gì mới, nhưng kết quả khảo sát cho thấy nó dường như gia tăng. Các bậc cha mẹ ngày nay đang phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm những lo lắng liên tục về sự phát triển của con cái, nhu cầu cảnh giác mọi thứ xung quanh và cả lo lắng về tài chính.
Nhưng theo bà, dù nuôi con trong thế hệ nào đi nữa, những điều thực sự quan trọng trong việc sinh và nuôi dạy con cái là: "Dành thời gian cho con của bạn; trả lời những câu bập bẹ và câu hỏi của chúng; hát các bài hát, đọc cùng nhau, hỏi chúng về một ngày của chúng - đây là những phương pháp nuôi dạy con cái giúp thúc đẩy sự phát triển tối ưu của não bộ và cơ thể, đồng thời mang lại niềm vui cho con cái và chính chúng ta".
Lý do bạn nên ngừng phấn đấu để trở thành người mẹ hoàn hảo
Sau chia sẻ của tác giả Kelly, một bình luận nhận được nhiều đồng tình cho rằng có một điều mà những bà mẹ nổi tiếng trên Instagram hầu hết không đề cập đến, đó là họ có rất nhiều sự giúp đỡ.
Họ không phải trông con 24/7. Họ thuê bảo mẫu, đầu bếp, người giúp việc dọn dẹp nhà cửa, người làm vườn và quản gia để chăm nom về mọi mặt trong cuộc sống của họ.
Vậy nên hình ảnh những đứa trẻ mũm mĩm khỏe mạnh, với ngôi nhà hoàn hảo và sự nghiệp thăng hoa phô bày trên mạng xã hội chỉ làm tăng thêm cảm giác tự ti cho những bố mẹ thường xuyên phải làm việc mệt mỏi với nguồn tài chính hạn hẹp, và phải gồng gánh trên vai những trách nhiệm nặng nề trong cuộc sống hàng ngày.
Rõ ràng áp lực trở nên hoàn hảo đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực. Trên thực tế, tính cầu toàn là một trong những yếu tố góp phần làm tăng tỷ lệ trầm cảm ở phụ nữ. Theo Tổ chức Sức khỏe Tâm thần ở Anh, nữ giới có nhiều nguy cơ mắc bệnh trầm cảm hơn nam giới.
Ngoài ra, khi người mẹ đang cố gắng làm tất cả mọi thứ một cách tốt nhất để hướng tới sự hoàn hảo, vô hình chung, mẹ đã gây ra một áp lực nào đó với con. Bé cũng sẽ nhìn mẹ mà phấn đấu theo sự hoàn hảo đó. Nhưng mẹ đừng vội mừng, bởi cũng như mẹ, bé sẽ rất sợ mắc phải sai lầm và đương nhiên, sự tự tin của con rất thấp.
Đó là lý do người mẹ nên tha thứ cho bản thân khi mắc phải sai lầm, đừng bao giờ bám víu vào những thất bại mà nặng nề hóa điều đó. Bởi không ai luôn luôn làm đúng tất cả mọi việc, hơn nữa, mỗi lần mắc phải sai lầm, đó thực sự là một bài học, 1 cơ hội để mẹ nhìn nhận lại vấn đề và đưa ra giải pháp hợp lý hơn.
Ngay cả với trẻ nhỏ, bài học từ những sai lầm đôi khi mới thực sự hữu ích cho con. Vì thế, hãy trẻ có cơ hội thể hiện bản thân một cách tự tin, thoải mái nhất; thay vì nơm nớp lo lắng rằng mình có thể làm sai khiến mẹ mắng.
Người mẹ hoàn hảo không tồn tại
Không ai là hoàn hảo và người mẹ hoàn hảo không cũng không hề tồn tại. Khi mẹ đang cố gắng để trở thành một người mẹ hoàn hảo, tức là mẹ đang nhắm đến một điều gì đó là không tưởng.
Mẹ hoàn toàn có thể là một người mẹ tuyệt vời, nhưng không hoàn hảo. Hãy nhìn nhận điều đó và cảm nhận niềm hạnh phúc nhất của mình, đó là được trở thành một người mẹ. Điều đó tuyệt vời hơn nhiều so với chuyện lãng phí thời gian để phấn đấu làm một người mẹ hoàn hảo.
Sự thật là con cái sẽ hưởng lợi rất nhiều từ một tuổi thơ không quá hoàn hảo và cả từ cách dạy con còn thiếu sót của bố mẹ. Chứng kiến bố mẹ đôi lúc cũng thất bại, đôi lúc cũng bừa bộn, và đôi lúc cũng không hoàn hảo đều có thể biến thành động lực cho con cái.
Điều này đặc biệt đúng với những cô cậu thanh thiếu niên, bởi vì khó khăn thử thách là một phần không thể thiếu trong giai đoạn phát triển ở độ tuổi này, và có bố mẹ quá hoàn hảo không giúp ích được nhiều lắm.
Theo nhà tâm lý học xã hội Jonathan Haidt, những căng thẳng, áp lực trong thời gian ngắn không gây hại, mà ngược lại rất cần thiết cho sự phát triển của con trẻ.
Trẻ em cần có nhiều trải nghiệm để trở nên mạnh mẽ hơn. Nếu chúng được bảo bọc quá mức, những ông bố bà mẹ hoàn hảo có thể sẽ kìm hãm sự phát triển của con mình.
Vì vậy, một giải pháp phù hợp cho cả bố mẹ và con cái trong vấn đề này đó là hãy hướng tới mục tiêu trở thành những người tốt vừa đủ, theo như đề xuất của nhà tâm lý học Donald Winnicott.
Ông khẳng định rằng không một đứa trẻ nào cần những vị phụ huynh lý tưởng. Chúng chỉ cần những người bố, người mẹ đủ tốt, đàng hoàng tử tế, yêu thương con, đôi khi có thể gắt gỏng hay vụng về nhưng về cơ bản vẫn làm tròn và làm tốt trách nhiệm của bố mẹ.